Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 13/9/2015 9:54'(GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới ở vùng công giáo Hải Chính-Nam Định

Xã Hải Chính

Xã Hải Chính


* Đồng tâm phát huy nội lực

Đến Hải Chính vào ngày đầu Thu, điều cảm nhận đầu tiên là các tuyến đường liên xóm đều cứng hóa và sạch bong, không khí trong lành bởi màu xanh của cây ăn quả, cây cảnh và những mảnh vườn trồng rau màu bao quanh những ngôi nhà đậm chất Đồng bằng Bắc Bộ với 3 gian lợp ngói đỏ au, được quy hoạch thoáng đãng như những ô bàn cờ. Bên cạnh những giáo đường được tôn tạo, nâng cấp uy nghi là trường học, trạm y tế được xây mới khang trang, tiện lợi…

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đức Hiển tự hào cho biết: Hải Chính được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ năm 2010, đến tháng 3/2014, xã được tỉnh Nam Định công nhận “Đạt chuẩn Quốc gia nông thôn mới năm 2013”. Thành công này là do xã biết vận động đồng bào công giáo trên địa bàn phát huy nội lực của từng hộ.

Để mọi người dân trong xã tự giác thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới, Đảng ủy và chính quyền xã tuyên truyền, giải thích cụ thể về các tiêu chí phải phấn đấu, thực hiện đầy đủ cơ chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Theo đó, lãnh đạo xã vận động từng hộ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo nhu cầu, năng lực và điều kiện của họ, hình thành nên các vùng chuyên canh muối, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy sản…, tạo ra những bước đột phá xóa nghèo, làm giàu vững chắc ngay chính trên quê hương.

Với cơ cấu kinh tế bao gồm nông nghiệp-thủy sản; công nghiệp-xây dựng; dịch vụ-thương mại, năm 2014 tổng giá trị sản xuất của xã Hải Chính đạt 235,6 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013; thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 30 triệu đồng/năm; số hộ nghèo chỉ còn 45 hộ/1.400 hộ, chiếm 2,87%. Trong 6 tháng đầu năm nay, tuy thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất thủy sản là ngành chủ lực của người dân công giáo nơi đây, song giá trị sản xuất của xã vẫn thực hiện đạt 115,1 tỷ đồng. Nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi thêm gần 2.000m2 sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản. Vùng tiểu thủ công nghiệp chuyển đổi thêm gần 11.000m2 sang đào ao vượt đất để chuyên canh màu và sản xuất kinh doanh. Các loại hình dịch vụ, thương mại không ngừng phát triển, nhất là dịch vụ vận tải, kinh doanh con giống, thức ăn nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, đại lý tạp hóa…giá trị trong 6 tháng ước đạt 27,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngư dân Hải Chính tiếp tục đầu tư hoán cải, đóng mới tàu thuyền. Trong đó có 3 chủ tàu được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế biển theo Nghị định 67 với số tiền gần 40 tỷ đồng, góp phần nâng sản lượng cá đánh bắt được tăng gần 140 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện số phương tiện đang khai thác trên biển của xã gồm 65 chiếc, có tới 45 chiếc công suất máy từ 120 CV trở lên đủ điều kiện thường xuyên đánh bắt xa bờ.

* ”Dấu ấn” từ các chương trình trợ giúp

Trong số những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội-môi trường theo quy chuẩn; hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn phải đạt 98%. Những tiêu chí này, theo nhận xét của Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Tuấn thì “Phải kể đến sự trợ giúp đắc lực của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID)-một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với Chương trình “Người dân xã Hải Chính ứng dụng các giải pháp năng lượng bền vững” triển khai tại xã từ năm 2013”.

Chương trình xây dựng một số mô hình năng lượng bền vững cho Hải Chính được ứng dụng bao gồm biogas cộng đồng, biogas hộ, bình nước nóng năng lượng mặt trời, bếp đun cải tiến, đèn LED và mô hình lọc nước RO sử dụng pin mặt trời. Qua 3 năm thực hiện Chương trình, GreenID đã hỗ trợ cộng đồng xã Hải Chính xây dựng bản kế hoạch năng lượng, một số mô hình năng lượng, góp phần giảm tải chi phí cho năng lượng và cung cấp nước sạch, cũng như bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân. Hàng loạt các hoạt động tập huấn, hội thảo, truyền thông đã được thực hiện một cách bài bản ngay tại từng xóm của xã.

Chị Nguyễn Trang Nguyên-Cán bộ truyền thông GreenID cho biết, hiện nay ngoài 70% số hộ dân trong xã Hải Chính sử dụng đèn LED, có 20 hộ lắp đặt bình nóng lạnh sử dụng năng lượng mặt trời, 100 hộ dùng bếp đun cải tiến và 20 hộ chăn nuôi lớn xây dựng hầm biogas. Hải Chính còn được Quỹ Nexsan (Pháp) hỗ trợ lắp đặt hệ thống cung cấp nước uống tinh khiết RO 750l/giờ sử dụng pin mặt trời, cung cấp nước uống cho học sinh các trường và người dân. Đây là sáng kiến xanh vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra nguồn điện dự phòng để sử dụng trong trường hợp mất điện do thiên tai. “Chúng tôi mong đợi rằng sau khi Chương trình kết thúc, với những nỗ lực của chúng tôi và địa phương, phương pháp này sẽ được nhân rộng lên cấp tỉnh ở Nam Định để có thể là mô hình điểm cho các địa bàn khác”-chị Nguyễn Trang Nguyên chia sẻ.

Minh chứng sống động là tại hộ gia đình ông Vũ Đình Thất tại xóm 4, cho dù cả hai ông bà đã ở độ tuổi 70 có lẻ, nhưng mỗi năm bình quân vẫn xuất bán được 14 tấn lợn, chưa kể hàng trăm con gà và sản xuất 3 sào muối. Giới thiệu về lợi ích tham gia Chương trình của GreenID, ông dẫn chúng tôi xem hệ thống biogas của gia đình xây sau nhà và hồ hởi nói: “Năm ngoái gia đình được Chương trình hỗ trợ 3 triệu, tôi đầu tư thêm hơn 10 triệu xây bể biogas 9,5m3. Kể từ đó, vợ chồng già đỡ vất vả vì không phải dọn phân rác như trước, tiết kiệm chi phí mua chất đốt được một nửa. Nhất là không bị hàng xóm kêu la vì mùi hôi thối nữa!”.

Còn chị Phạm Thị Hoa ở xóm 5 qua tham gia tập huấn "Lập kế hoạch năng lượng địa phương" do GreenID tổ chức, chị đầu tư mua ngay bình nước nóng năng lượng mặt trời của Tân Á Đại Thành sản xuất, bếp cải tiến Trường Giang, thay toàn bộ đèn bóng tròn truyền thống trong nhà bằng đèn LED. Nhờ đó, gia đình chị cũng giảm được một nửa chi phí về tiền điện mỗi tháng. Mặt khác, chị còn ứng dụng kỹ thuật nuôi trùn quế bằng rác hữu cơ và phân lợn để nuôi gà ta pha chọi và ngan thịt, bình quân mỗi năm lãi 100 triệu đồng.

Trong buổi truyền thông “Quy chế phân loại, thu gom xử lý rác thải và ứng dụng các giải pháp bền vững”, do cán bộ GreenID phối hợp với tổ chuyên trách của xã Hải Chính tổ chức tại xóm 5, đông đảo người dân tham gia một cách hào hứng. Đa số những người dân được hỏi đều trả lời chính xác, tại sao phải phân loại rác tại nguồn, thế nào là rác thải rắn, vì sao thấy xác động vật chết phải báo cho cán bộ Thú y hoặc cán bộ Y tế xác định?

Bà Trần Thị Tâm ở xóm 5 tâm sự: “Thông qua Chương trình của GreenID, tôi mới hiểu là nâng cao chất lượng sống không chỉ là nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặt đẹp mà còn phải sản xuất thân thiện với môi trường, gìn giữ môi trường sống trong sạch nữa. Nên bây giờ chẳng ai dại gì mà xả rác bừa bãi để đầu độc chính mình!”.

Quy chế “Tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” của UBND xã Hải Chính được 100% số hộ gia đình trong xã tự giác thực hiện bằng chính nguồn kinh phí do họ đóng góp hàng năm. Đầu năm nay, xã cũng đã triển khai xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành lò đốt rác thải sinh hoạt với tổng kinh phí 905 triệu đồng, chấm dứt tình trạng xả rác thải ra biển và chôn lấp như trước đây./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất