“TPHCM nên có chương trình đối thoại văn hóa định kỳ trên báo đài, các phương tiện truyền thông đại chúng, hàng quý hoặc hàng tháng, giữa lãnh đạo TP với những người làm văn hóa, giữa mọi ngành, mọi giới, mọi đối tượng...” - đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vào chiều 9/9.
Dự Hội nghị còn có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực phía Nam, cùng lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, đoàn thể TP…
LUÔN XEM TRỌNG NHIỆM VỤ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA
Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, với vị trí, vai trò và thành tựu một đô thị đặc biệt qua 300 năm hình thành và phát triển, có vị trí chính trị quan trọng, trung tâm về nhiều mặt của đất nước, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức thu hút và lan toả, đồng thời quán triệt quan điểm văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, TPHCM luôn xem trọng nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hoá, xác định: “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội”.
Cụ thể, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chương trình hành động động số 45-Ctr/TU và UBND TP đã triển khai thành 8 chương trình cụ thể: “Phát động phong trào xây dựng Gia đình văn hóa gắn liền với xây dựng con người văn hóa”, “Xây dựng tiêu chí - phẩm chất đặc trưng công dân TPHCM: Văn minh - Lịch sự - Nhân ái - Nghĩa tình”, “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, “Xây dựng văn hóa trong chính trị”, “Xây dựng văn hóa kinh tế - doanh nghiệp”, “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa”, “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”, và “Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại”.
Qua 5 năm đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc xây dựng con người TP với tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống văn hoá lành mạnh trong xã hội đồng thời mang những nét đặc trưng nhân ái, nghĩa tình là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, cơ bản, lâu dài của Đảng bộ và chính quyền TP; trước hết là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
TP cũng đã xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nề nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau góp phần phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được quan tâm, tạo dư luận đồng tình và hưởng ứng; từng bước phát triển công nghiệp văn hóa, gắn hoạt động du lịch với quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người TP.
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng với nhiều chương trình nghệ thuật quy mô, chất lượng, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, thu hút sự quan tâm của du khách đến TP (như: Hội Sách TPHCM, Đường hoa - Đường sách Nguyễn Huệ, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, Lễ hội Nguyên tiêu Quận 5…).
XÂY DỰNG HOẠT ĐỘNG NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA MANG DẤU ẤN TP
Ghi nhận những kết quả TP đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra hạn chế – đặc biệt từ sự suy thoái về đạo đức khi những hành vi suy thoái đã không bị lên án và chế tài đủ mức để đủ sức răn đe – khiến thành quả trên lĩnh vực văn hóa của TP vẫn chưa tương xứng, chưa bắt kịp với thành tựu trên nhiều lĩnh vực khác, chưa đúng với tiềm lực và kỳ vọng của chính TP.
Kiến nghị một kênh đối thoại văn hóa định kỳ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề xuất các nội dung để các ngành, các cấp có thể đưa ra đối thoại, cùng tìm giải pháp căn cơ. Đó là: giáo dục và văn hóa, giáo dục để phát triển toàn diện con người từ trong nhà trường; điều kiện phát triển văn học nghệ thuật TP; xây dựng hoạt động nuôi dưỡng đời sống văn hóa TP lâu dài, mang dấu ấn TP; gia đình trong cuộc sống người Việt Nam; phê phán tình trạng suy thoái đạo đức; vấn đề văn hóa dân tộc và hội nhập; phát huy, bồi dưỡng nhân tài cho TP; cuộc sống đồng bào người Hoa, người Khmer… tại TP – nhằm khẳng định sự hiện diện, đóng góp của đồng bào người Hoa, người Khmer và các cộng đồng dân tộc ít người ở TP, khẳng định thế mạnh đa văn hóa, đa tôn giáo trong quá trình phát triển của TP…
Về mặt xây dựng và phát triển con người, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đất nước sẽ phát triển bền vững, sánh vai với các cường quốc 5 châu khi người Việt Nam xây dựng và phát huy các thuộc tính từ truyền thống dân tộc, là: “yêu nước, trung thực, nghĩa tình, cần cù, dũng cảm, đoàn kết, nam nữ bình quyền, gia đình là nền tảng xã hội, truyền thống sáng tạo” và bổ sung được tinh thần “thượng tôn pháp luật”.
Dịp này, UBND TPHCM cũng tặng Bằng khen cho 86 tập thể thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trong 5 năm qua./.
Theo hcmcpv.org.vn