Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm
xã hội của người lao động tối đa là bằng 20 lần mức lương cơ sở. Việc
giới hạn trần đóng bảo hiểm xã hội này không thuận lợi cho những người
lao động có mức lương cao, muốn được hưởng lương hưu cao hơn khi về già.
Vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng khung pháp lý
để triển khai quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm
hưu trí bổ sung. Theo đó, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung
là những người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm
xã hội bắt buộc. Nghị định bao gồm 5 chương và 27 điều.
Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự
nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội
bắt buộc, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, Nhà nước khuyến khích người lao
động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung thông
qua các ưu đãi trong chính sách thuế.
Cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng
lao động. Người sử dụng lao động đóng thấp hơn hoặc bằng 22% của 20 lần
mức lương cơ sở. Các khoản đóng của doanh nghiệp và người lao động được
miễn thuế thu nhập.
Để bảo đảm mục tiêu bảo toàn và tăng trưởng quỹ cũng như hạn chế rủi ro,
dự thảo nghị định cũng quy định tỷ trọng giá trị đầu tư vào trái phiếu
Chính phủ trong tổng giá trị quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung tại mọi thời
điểm tối thiểu bằng 50%.
Người lao động sẽ hưởng hưu trí bổ sung hàng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu
hoặc hưởng một lần. Mức hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng bằng giá trị
tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động ở thời điểm nghỉ hưu
chia cho 240 (tương ứng 20 năm hưởng lương). Mức hưởng một lần được xác
định bằng toàn bộ số tiền tồn tích trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của
người lao động sau khi đã trừ các khoản phí tính đến thời điểm hưởng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề xuất Bộ Tài chính sẽ chịu
trách nhiệm soạn thảo những nội dung liên quan đến doanh nghiệp quản lý
quỹ, tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát, việc đầu tư quỹ, hạch toán, kế
toán, chi phí và chế độ báo cáo của các tổ chức tài chính có liên quan
khi thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Dự thảo nghị định sẽ được lấy ý kiến đến hết ngày 1/12./.
Tính đến hết tháng 6, cả nước có khoảng 2,15 triệu người hưởng lương hưu
hàng tháng với mức lương hưu bình quân là 3,9 triệu đồng/người/tháng.
Trong đó, khoảng trên 790.000 người nghỉ hưu trước năm 1995 đang hưởng
lương hưu từ ngân sách Nhà nước và gần 1,36 triệu người nghỉ hưu từ năm
1995 trở đi hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội/.
Theo TTXVN