Sáng 22/9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tổ chức họp góp ý vào dự thảo Tờ trình, Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ về Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín đối
với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc”.
Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín đối với công tác dân tộc
và thực hiện chính sách dân tộc” do Ủy ban Dân tộc xây dựng.
Theo dự thảo, đề án sẽ được triển khai tại các vùng dân tộc thiểu số và
miền núi trên phạm vi cả nước với mục tiêu tạo sự thống nhất trong nhận
thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trí, vai trò của người có uy
tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, đề án phát huy vai trò tích cực của người có uy tín tham gia
vận động bà con thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc và công tác dân
tộc; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác
vận động, phát huy vai trò của người có uy tín, góp phần nâng cao hiệu
quả đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng,
Nhà nước trong tình hình hiện nay.
Các đại biểu nhận định trong những năm qua, người có uy tín là lực lượng
có vai trò, vị trí quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến nhiều hoạt động
trong đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, những người có uy tín thực sự là
cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên
truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có nhiều đóng
góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh
tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần quan
trọng trong xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở
vùng dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín thời gian
qua còn tồn tại một số hạn chế, như một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận
thức được vai trò, vị trí của người có uy tín nên chưa quan tâm chỉ
đạo, phân công quản lý, phân cấp vận động, bố trí nguồn kinh phí tương
xứng; tiêu chí xác định đối tượng người có uy tín giữa các ngành chức
năng liên quan còn khác nhau; việc phân cấp quản lý chưa khoa học; sự
phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ, chồng chéo; việc
phát hiện, bồi dưỡng và phát huy vai trò của người có uy tín trong các
tôn giáo còn hạn chế...
Để phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, các đại biểu
cho rằng Đề án cần có quy định cụ thể về vai trò của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội trong việc tăng cường vai trò
của người có uy tín bởi hoạt động người có uy tín trong đồng bào dân tộc
thiểu số gắn liền với các phong trào và cộng đồng.
Trong đó, vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần
được làm rõ với 3 nhiệm vụ chính: tuyên truyền vận động; giám sát thực
hiện; lắng nghe, tập hợp ý kiến của nhân đân để đề xuất với Đảng, Nhà
nước.../.
(TTXVN)