Thứ Bảy, 23/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 25/11/2016 16:17'(GMT+7)

Xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam

GS. TS. Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh DP)

GS. TS. Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh DP)

Tham dự Hội thảo còn có GS. Marc Berthel, chuyên gia Lão khoa đến từ Cộng hòa Pháp cùng một số chuyên gia quốc tế thuộc Tổ chức y tế thế giới.

Theo GS. TS. Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Việt Nam là một trong ít quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam đã liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Tỷ lệ nhóm NCT trong cơ cấu dân số nước ta tăng nhanh liên tục từ 7,1% năm 1989 lên 8,7% năm 2009 và 10,5% năm 2013; chỉ số già hoá dân số tăng nhanh, đạt 43,5% năm 2013 và sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn sắp tới.

Lãnh đạo Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng cho biết, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó là năm 2017. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, thì thời gian quá độ chuyển sang dân số già của Việt Nam chỉ có 15 năm, nhanh hơn rất nhiều nước có trình độ phát triển khác như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Úc (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Trung Quốc (26 năm), Nhật Bản (26 năm),… Già hóa là thành tựu của nhân loại, là “lợi tức” dân số cần được nắm bắt và phát huy. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam cũng đặt ra những thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, khu vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe.

 
 Thầy thuốc trẻ Bệnh viện mắt Sài Gòn khám mắt miễn phí cho người cao tuổi. (Ảnh: TTXVN)

Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi (NCT). Việc thay đổi nhận thức NCT không phải là gánh nặng mà một nguồn lực của gia đình, cộng đồng cần phải được chú trọng. Chăm sóc NCT là vấn đề cần sự quan tâm của cả xã hội, trong đó y tế đóng vai trò nòng cốt.

Trước thực trạng giá hóa dân số nêu trên, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe NCT như: Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23/11/2009; Chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012; Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chăm sóc sức khỏe NCT.

Việt Nam đã bước đầu xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho NCT, trong đó bao gồm Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các khoa Lão tại các Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, các nhà dưỡng lão của Nhà nước và tư nhân, tổ chức chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi tại cộng đồng. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT hiện vẫn chưa bắt kịp với sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ này. Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe NCT chưa phát triển, số nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về nghiệp vụ, kỹ năng. Hiện cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện tỉnh, thành phố có khoa Lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn Lão khoa.

Theo nghiên cứu, một NCT trung bình mắc 03 bệnh, trong đó chủ yếu là bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ, parkinson, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị hay thậm chí phải điều trị suốt đời. Mặt khác, NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, do đó, chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần so với người trẻ tuổi. Tuy nhiên, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho NCT còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, nhà dưỡng lão, trạm y tế…) và nguồn nhân lực chăm sóc NCT (bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa lão khoa).

Hiện nay, NCT vẫn chủ yếu dựa vào người nhà chăm sóc, thế nhưng nguồn nhân lực này đang ngày có xu hướng giảm đi trong tương lai. Vì vậy, việc tăng cường mô hình Chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng là hết sức cần thiết./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất