Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 15/4/2016 16:17'(GMT+7)

Xây dựng và thực hiện chính sách cạnh tranh toàn diện: kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam

Ngày 15-4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Xây dựng và thực hiện Chính sách cạnh tranh toàn diện: Kinh nghiệm Quốc tế và bài học đối với Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, để chuyển đổi nền kinh tế lên một cấp, sang nền kinh tế thị trường cần phải có chính sách cạnh tranh toàn diện.

TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu. Tuy nhiên, so với yêu cầu chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại đầy đủ thì vẫn còn nhiều khiếm khuyết, cách biệt so với thế giới.

Trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đó là: ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bên cạnh đó, là cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực; phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại…

Theo TS Nguyễn Đình Cung, mặc dù, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực nhưng kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu, chất lượng chưa được cải thiện, chưa tạo được đột phá phát triển kinh tế- xã hội, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm…

Giải thích nguyên nhân của những yếu kém này, TS. Cung cho rằng, trước tiên là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế.

Ông Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên của CIEM cũng cho rằng, bộ máy nhà nước chưa có tư duy thị trường, tư duy cạnh tranh dẫn tới nền kinh tế hiệu quả thấp, thiếu sức cạnh tranh.

Chia sẻ kinh nghiệm, GS. Michael Woods, chuyên gia tư vấn quốc tế về cạnh tranh cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang rất chú trọng đến tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, cần làm rõ các nguyên tắc cạnh tranh, cần có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo thông lệ quốc tế, các cuộc rà soát chính sách công cần có mục tiêu, tính minh bạch, vì lợi ích công.
 
  GS. Michael Woods phát biểu tại Hội thảo

Theo TS Nguyễn Đình Cung, một trong những giải pháp trong cải cách thể chế giai đoạn 2016-2020 đó là phân định rõ chức năng của nhà nước và chức năng của thị trường, Nhà nước quản lý và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết phù hợp với kinh tế thị trường, giảm thiểu can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.

Thứ hai, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt nhất, người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ cho mọi người ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy đổi mới phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học – công nghệ, văn hóa, nghệ thuật.

Thứ ba, đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch. Đánh giá cán bộ, công chức phải trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ; lấy kết quả  phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá.

Thứ tư, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương bảo đảm phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp… Tập trung vào cung cấp dịch vụ công, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống cho người dân. Hoàng thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy phù hợp đối với chính quyền đô thị, hải đảo.


GS. Michael Woods cũng cho rằng, để tiến tới một nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần rà soát Luật Cạnh tranh và các Luật, chính sách khác để đảm bảo mức độ cạnh tranh, kết quả bền vững, đặc biệt trong bối cảnh khi Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất