(TG)- Ông cha ta đã dạy “tấc đất tấc vàng”, đặc biệt ở cái thời kinh tế thị trường này buôn bán đất đai là giàu lên trông thấy. Chả thế mà ở quê tôi, nơi “khỉ ho, cò gáy” chuyện đất cát vẫn là thời sự nóng hổi, luôn được mọi người quan tâm.Khi đất đai có giá, ai cũng muốn nhà mình có được một mảnh đất đẹp để mở mang bờ cõi đã đành, nhưng buồn thay lại có chuyện lấn đất, giữ đất cho các linh hồn.
Người dân quê tôi đang bị cuốn vào trào lưu “xây nhà kiên cố’ cho người đã khuất. Thậm chí nhiều dòng họ cố gắng bỏ công, bỏ của để xây tường bao giữ đất cho cả các bậc hậu sinh, phòng khi sau này họ về cõi vĩnh hằng. Dòng họ Bành quê tôi là dòng tộc lớn được xếp “thứ hạng” trong làng vừa bỏ ra hàng chục triệu đồng xây “Vạn lý trường thành” để giữ đất. Nhưng trong khuôn viên gần hai trăm mét vuông chỉ có vài chiếc mộ thật xây ốp gạch men còn lại là các nấm đất đắp tượng trưng không có hài cốt mà chỉ để phủ kín diện tích.
Xí phần nghĩa địa. Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
“Con gà tức nhau tiếng gáy”, noi gương “anh lớn” đã biết “ đi tắt đón đầu”, các dòng họ Cao, Vương, Lý... cũng hội ý, bàn bạc con cháu quyên góp “của ít lòng nhiều” để xây cất mồ mả cho các cụ tổ tiên và đanh đất cho hậu thế. Thế là, nhiều mảnh đất phát tài phát lộc nghiễm nhiên được cấp “bìa đỏ’ sở hữu lâu dài cho các linh hồn. Cứ đà này những người xấu số của dòng họ lép vế sẽ không có “tấc đất cắm dùi’.
Thật là chuyện thật như bịa. Trong khi toàn Đảng, toàn dân tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sồng văn hoá” thì chuyện xảy ra ở quê tôi bây giờ cũng không còn là “chuyện hiếm”. Thật đáng buồn thay!
Nên chăng, các cấp chính quyền, đoàn thể cần có sự quản lý, quy hoạch và quy định cụ thể trong việc cấp đất xây cất mồ mả cho người đã khuất; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con thực hiện nếp sống văn hóa mới phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương để “con gà” đỡ “tức nhau tiếng gáy”vẫn đang hiện hữu và ngày càng gia tăng ở nông thôn quê tôi./.
Hoàng Phúc
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện Hạ Hòa (Phú Thọ)