Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là nội dung quan trọng đã được Chính phủ quy định chi tiết tại các văn bản quy phạm pháp luật, đang được nghiên cứu, sửa đổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Theo đó, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương được nêu rõ, cụ thể nhằm phân công, phân cấp và xác định thẩm quyền về lĩnh vực giáo dục của các bộ, UBND các cấp và các cơ quan liên quan, đồng thời phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý giáo dục trong việc thực hiện chức trách và nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thực tế công tác này tại Bộ Giáo dục và Đào tạo Bộ Công thương cùng một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót, dẫn đến chất lượng giáo dục và đào tạo bị ảnh hưởng, nhân dân băn khoăn, lo lắng.
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã triển khai thanh tra nội dung công tác nêu trên tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương và chín tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Qua đó, phát hiện nhiều vấn đề, hạn chế cần được giải quyết dứt điểm. Đáng chú ý là việc thực hiện chế độ lương, phụ cấp đối với nhà giáo còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, tâm lý, chất lượng công tác của không ít viên chức giáo dục. Việc kiến nghị, đề xuất về chế độ, chính sách đối với nhà giáo chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đúng mức và kịp thời. Nhiều địa phương bổ nhiệm thừa cấp phó, người thiếu tiêu chuẩn chức danh tại các cơ sở giáo dục, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương... Tình trạng thừa giáo viên ở nhiều trường chưa được giải quyết. Có nơi, nhiều năm không tổ chức tuyển giáo viên mà chỉ ký hợp đồng lao động, có đơn vị ký hợp đồng với giáo viên, nhân viên thừa so với nhu cầu, thậm chí thừa nhưng vẫn tiếp tục ký hợp đồng lao động với số lượng lớn.
Tại TP Hải Phòng, một số cơ sở giáo dục thu tiền đối với những trường hợp học sinh trái tuyến sai quy định. Tại TP Đà Nẵng, Sở Nội vụ đã không tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, để trong thời gian dài các quận, huyện không tuyển dụng được viên chức và giáo viên hệ mầm non. Tại tỉnh Thanh Hóa, từ trước năm 2011 đến năm 2015, để các đơn vị cấp huyện bổ nhiệm thừa số lượng lớn cán bộ quản lý trường học; hợp đồng với giáo viên thừa so với chỉ tiêu được giao, nhiều đơn vị thừa nhưng vẫn ký hợp đồng với số lượng lớn. Sở Nội vụ tỉnh Đác Lắc trong thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại UBND huyện Krông Pác, để xảy ra trong thời gian dài; Chủ tịch UBND huyện Krông Pác (nhiệm kỳ 2015-2020) tiếp tục ký hợp đồng với giáo viên ngay cả khi đã có kiến nghị của Thanh tra tỉnh...
Thực tế, còn nhiều bất cập khác nhau trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo tại các bộ, ngành liên quan và các địa phương. Đây đã và đang là những rào cản lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng giáo dục và đào tạo. Nhiều vụ việc liên quan công tác quản lý xảy ra ở một số địa phương đã gây bất bình trong nhân dân, thể hiện năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế của đội ngũ cán bộ quản lý nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để mà làm theo kiểu đối phó, “làm êm dư luận”, không giải quyết được tận gốc nguyên nhân phát sinh những yếu kém.
Để nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, khắc phục những khuyết điểm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, trước hết cần một hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, thống nhất và ý thức, tinh thần trách nhiệm cao của người làm công tác quản lý. Những vướng mắc, bất cập trong thực tế thời gian qua cần được các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, khắc phục. Cần rà soát, đối chiếu, phân tích những quy định, điều khoản trong các bộ luật có liên quan công tác giáo dục, đào tạo, từ đó tham mưu, đề xuất sửa đổi chính xác, phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cùng các bộ, ngành đang quản lý các trường học, trường dạy nghề cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ quản lý; xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực. Trước mắt, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố được thanh tra cần thực hiện đầy đủ các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nêu tại kết luận; đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.
Song Linh/TTXVN