Theo luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt, các tòa soạn có thể chọn một vụ vi phạm bản quyền báo chí rõ ràng để lập hồ sơ khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền nhằm xử lý triệt để vấn đề ăn cắp chất xám.
Trước sự cạnh tranh không lành mạnh của các trang tin điện tử, các cơ quan báo chí, người làm báo cần đoàn kết, cùng thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt đấu tranh với những vi phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí.
Yêu cầu chấm dứt hành vi sai trái
Nguyên là Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus, nay là Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Lê Quốc Minh đã có nhiều kinh nghiệm trong đối phó với nạn vi phạm bản quyền báo chí.
Ông Lê Quốc Minh cho biết: “Báo điện tử VietnamPlus cũng như trang tin chính thức của TTXVN là vnanet.vn đã từng bị sao chép và lấy cắp nội dung rất nhiều. Thậm chí chúng tôi từng phát hiện một website sao chép y nguyên toàn bộ trang, kể cả từng phiên bản ngôn ngữ cho đến từng mục trên menu và từng tin bài. Tệ hại hơn là tình trạng có những website, thậm chí cả trang thông tin điện tử của một vài tờ báo, còn sửa thời gian phát hành để thông tin sao chép của họ sớm hơn cả tin gốc để đánh lừa độc giả.”
Vào năm 2013, báo điện tử VietnamPlus đã ra tuyên bố mạnh mẽ về việc tôn trọng bản quyền báo chí và yêu cầu tất cả các đơn vị muốn sử dụng nội dung của VietnamPlus đều phải được sự chấp thuận bằng văn bản, hoặc buộc phải gỡ toàn bộ nội dung đã sao chép, kể cả trong quá khứ.
Sau đó tòa soạn nhận được rất nhiều công văn gửi đến, đa phần là xin sử dụng miễn phí. Quan điểm của VietnamPlus (TTXVN) là chỉ chấp thuận việc sử dụng miễn phí đối với các cổng thông tin dịch vụ công ích và một số cơ quan báo chí có quan hệ đối tác. Còn với các trang thông tin do cá nhân, doanh nghiệp sở hữu đều phải mua tin.
Việc này cũng phần nào giúp giảm bớt tình trạng sao chép nội dung. Nhưng thực sự chỉ có thể làm chùn tay những người còn biết nể nang, biết e ngại làm điều sai trái, vẫn tồn tại một số tổ chức, cá nhân bất chấp tất cả, vô tư sao chép, cắt dán.
Về Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh nhận định: “Chế tài xử phạt mới đây là một khung pháp lý rất quan trọng và tôi hy vọng nó sẽ có tác dụng phần nào trong vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lâu dài, tôi cho rằng cần có sự chung tay của tất cả các cơ quan báo chí trong việc này.”
Cụ thể, chính các cơ quan báo chí phải hợp tác với nhau trong nỗ lực đối phó với tình trạng này, phải tôn trọng bản quyền và cam kết không vi phạm bản quyền của nhau, đồng thời cùng đấu tranh chống lại những vi phạm của các tổ chức, cá nhân khác.
Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức về bảo vệ bản quyền đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng là điều vô cùng cần thiết.
Theo ông Lê Quốc Minh, các cơ quan báo chí nên làm quen với việc đưa những vụ xâm phạm bản quyền báo chí ra tòa án, nơi phù hợp nhất để xử lý các vụ việc này. Nếu cơ quan báo chí có thể chứng minh những vi phạm là có hệ thống và ảnh hưởng lớn đến cơ quan của mình, cả về vật chất lẫn tinh thần, thì mức xử phạt có thể không hề nhỏ. Đồng thời sẽ mang tính răn đe cho những người đang và có ý định cướp không công sức của những nhà báo chân chính.
Xem xét khởi kiện
Từng tham gia bào chữa cho một số vụ kiện vi phạm Luật sở hữu trí tuệ, luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho ý kiến trước hết, hành vi sao chép, ăn cắp thành quả lao động của người khác là đáng lên án, vi phạm đạo đức xã hội.
Còn về luật pháp, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại Tòa án có thẩm quyền thì các báo cần 2 điều kiện cần và đủ sau: Thứ nhất, sản phẩm báo chí cần đăng ký được bảo hộ bởi Luật sở hữu trí tuệ; thứ hai là chứng minh được rằng bên vi phạm sử dụng sản phẩm báo chí đó nhằm mục đích lợi nhuận.
Vì vậy, đối với các sản phẩm thông tin quan trọng, độc quyền, các tòa soạn cần đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, các báo cần có tuyên bố về quyền sở hữu trí tuệ, cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
“Theo tôi, các tòa soạn có thể chọn một vụ việc vi phạm pháp luật rõ ràng, lập hồ sơ khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền, kèm theo đó là yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định pháp luật; theo đó có thể yêu cầu tạm dừng hoạt động các website đang có tranh chấp về nội dung cho đến khi có bản án có hiệu lực. Các bên đương sự có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ; lúc đó các các chủ website ‘ăn cắp’ kia khó chứng minh sản phẩm báo chí đó do chính họ làm ra; mà thực tế là sản phẩm của các nhà báo, phóng viên chính danh. Có như vậy mới góp phần cùng Cơ quan quản lý xử lý triệt để vấn đề ăn cắp chất xám của người khác, đồng thời có tính răn đe hiệu quả hơn về sau”- luật sư Phiệt nhấn mạnh.
Trở lại với câu chuyện của phóng viên Hải Hiếu (Văn phòng Đà Nẵng, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh), người rất bức xúc vì thường xuyên bị “ăn cắp chất xám.”
Để bảo vệ cho những sản phẩm thông tin của mình, sau khi đăng tải anh thường tìm kiếm, kiểm tra trên các trang thông tin, các trang mạng xã hội khác.
Khi phát hiện ra hành vi vi phạm, phóng viên này báo cáo cho Tòa soạn, đồng thời trực tiếp liên hệ, nhắn tin cảnh cáo tới các trang vi phạm đó. Nhờ liên tục gửi phản ánh tới các trang website vi phạm nên thời gian gần đây, một số trang website đã không còn “vô tư” đăng tải các thông tin do anh viết nữa.
Phóng viên Hải Hiếu cho rằng bên cạnh nỗ lực xử lý của các cơ quan quản lý, các tòa soạn thì mỗi phóng viên, nhà báo cũng cần mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ cho những “đứa con tinh thần” của mình./.
Theo TTXVN