Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trong hai tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng của các tỉnh, thành đã tiến hành xử phạt gần 600 xe thông qua dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình (hộp đen).
Qua tổng hợp kết quả gửi về, trong tháng Hai, lực lượng chức năng đã xử lý 157 xe (thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn một tháng là 85 xe; từ chối cấp phù hiệu là 72 xe). Tính lũy kế đến hết tháng Hai đã xử lý vi phạm là 596 phương tiện.
Trong đó, có 09/63 địa phương có báo cáo kết quả xử lý thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác hoặc từ chối cấp phù hiệu; 06/63 địa phương có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh và phê bình, cảnh cáo; 47/63 địa phương còn lại chưa có báo cáo.
Cũng theo kết quả thống kê, đến hết ngày 29/2, bình quân có 74,3% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục Đường bộ.
Về tình hình vi phạm tốc độ xe chạy của các địa phương, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong tháng Hai, cả nước có tổng số 576.747 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân trên 1.000km là 0,58 lần/1.000km tăng 1,71 lần so với tháng Một (có tổng số 282.152 lần tỷ lệ vi phạm bình quân là 0,31 lần/1.000km).
“Đối với các trường hợp vi phạm thời gian lái xe liên tục cần kiểm tra, đối chiếu với kết quả tổng hợp trên phần mềm của đơn vị cung cấp dịch vụ giám sát hành trình trước khi quyết định xử lý,” Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện lưu ý các cơ quan chức năng.
Nhằm đảm bảo mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là các tai nạn nghiêm trọng liên quan đến hoạt động của xe kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015; tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ dữ liệu về phương tiện lên hệ thống thông tin của Tổng cục theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT ngày 15/04/2015 (đặc biệt là việc cập nhật dữ liệu về phương tiện của hai thành phố là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vẫn chưa đầy đủ).
Bên cạnh đó, các địa phương phải tuyên truyền về lộ trình cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 01/7/2016 đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 14 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn từ chối hoạt động của 150 xe khách liên tỉnh vi phạm các quy định về thể lệ vận tải trong thời hạn một tháng.
Phương tiện thuộc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội phải nộp lại phù hiệu về Phòng Quản lý vận tải đường bộ. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề nghị doanh nghiệp, Sở Giao thông Vận tải các địa phương có liên quan nghiêm túc xử lý vi phạm.
Được biết, 150 xe khách liên tỉnh vi phạm thuộc nhiều doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm. Những lỗi vi phạm phổ biến là chở quá số người quy định, đi chậm, dừng đỗ, đón trả khách sai vị trí./.
Theo VN+