Thứ Hai, 23/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 7/2/2015 9:38'(GMT+7)

Xuân về trên các buôn làng ở Gia Lai

Tặng quà trẻ em nghèo làng Khô

Tặng quà trẻ em nghèo làng Khô

Đón mừng Xuân Ất Mùi 2015, đồng bào các dân tộc Bahnar, J’rai ở các buôn làng trong tỉnh Gia Lai rộn ràng và tất bật chuẩn bị cho ngày vui chung của dân tộc. Ở hầu hết các buôn làng, bà con đều tranh thủ thời gian trang trí cổng chào, treo cờ Tổ quốc, vệ sinh môi trường... 

Nhiều năm qua, ở Gia Lai, Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu tập trung ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các chương trình 135 về xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình 134 về hỗ trợ nhà ở... với tổng nguồn kinh phí đầu tư qua 3 giai đoạn I, II, III gần 1.500 tỷ đồng; trong đó, tỉnh đã dành hơn 1.000 tỷ đồng cho hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng "điện - đường - trường - trạm". Những công trình, hạng mục công trình phục vụ sản xuất và đời sống trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được hình thành và "phủ kín" đến từng buôn làng như làm mới và nâng cấp 880km đường giao thông nông thôn, xây dựng 31 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với 10.000m kênh mương, xây dựng 90 trường học, 757 công trình cấp nước sinh hoạt... Hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả, tạo nền tảng cho sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự công cộng trên từng địa bàn. 

Ý thức của bà con trong các vùng dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến tích cực với cách làm ăn mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, từng bước phát huy tiềm năng và thế mạnh theo từng vùng. Diện tích đất hoang hoá, đất nương rẫy đã được cải tạo đưa vào trồng các loại cây kinh tế như cao su, cà phê, tiêu, mía cao sản, bời lời... Nhiều diện tích lúa 1 vụ đã chuyển thành đất lúa 2 vụ, cho năng suất cao, như ở vùng tưới Ayun Hạ có hơn 10.000ha, trong những năm tới, khi công trình thủy lợi Ia Mơr hoàn thành sẽ có thêm diện tích lúa nước 2 vụ hơn 12.000ha. Nhiều hộ đồng bào dân tộc cũng đã trở thành tỷ phú từ sự chuyển đổi các loại cây trồng này, như hộ Rơ Mal Brao ở làng Mới (xã Ia Dưk, huyện biên giới Đức Cơ) sở hữu tới 15ha cao su và cà phê, bình quân có mức thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Những hộ có mức thu nhập vài ba trăm triệu đồng mỗi năm có đến năm bảy chục ngàn hộ. 

Toàn tỉnh Gia Lai có hơn 1,3 triệu dân; trong đó, 45% số dân là người dân tộc thiểu số cùng chung sống trên 2.000 buôn làng, chủ yếu là 2 dân tộc bản địa Bahnar và J’rai. Bộ mặt ở các buôn làng dân tộc trong tỉnh đã khác xưa nhiều, không còn cảnh "đói cơm lạt muối" như thời kỳ đầu mới giải phóng. Nay buôn làng nào cũng ấm no và yên bình, cứ mỗi độ Xuân về bà con lại phấn khởi với niềm vui - niềm tin và một lòng sắt son với Đảng, cùng chung sức, chung lòng giữ vững cho những mùa xuân thêm tươi đẹp và ấm áp. 

Già làng Siu Bai, dân tộc J’rai ở làng Tung thuộc xã Ia O (huyện biên giới Ia Grai) cho biết: "Trước đây, khi còn sống trong cảnh du canh du cư, đồng bào dân tộc mình khổ lắm, năm nào cũng thiếu ăn 5 – 7 tháng và thường xuyên phải vào rừng đào củ mà ăn cho qua ngày. Bây giờ, dân làng mình được sống trong no đủ và yên bình là nhờ ơn Đảng và cách mạng. Hiện, nhà nào trong làng cũng có xe máy, ti vi, con cái được học hành... Mình luôn khuyên dân làng và nhất là bọn trẻ đừng có nghe theo kẻ xấu làm những điều trái pháp luật, mà chỉ theo Đảng để chăm lo làm ăn và xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp". 

10 năm trở lại đây, làng Tung đã thực sự khởi sắc và đang được coi là “điểm sáng” để nhân rộng. Cả làng có 104 hộ với trên 520 nhân khẩu, hiện trong làng không còn hộ nghèo (chỉ có 3 hộ trong diện hưởng trợ cấp xã hội và chính sách của nhà nước). Bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước, “chỗ dựa” căn cơ nhất chính là sự hỗ trợ và giúp đỡ của Công ty TNHH MTV cao su Chưprông đóng chân trên địa bàn, vì vậy bà con có đủ điều kiện để làm ăn theo phương thức mới, xóa dần tập quán truyền thống nương rẫy như trước đây. Cả làng có hơn 20 lao động được tiếp nhận vào làm công nhân cao su trong đơn vị, bình quân mỗi tháng có mức thu nhập từ 6,5 - 7 triệu đồng, chưa kể mức thưởng vượt năng suất từ 20 - 30 triệu đồng mỗi năm. Đơn vị còn hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con phát triển các loại cây trồng kinh tế, thay dần các loại cây trồng tạp có năng suất thấp, mang lại nguồn thu đáng kể cho cuộc sống gia đình của mỗi hộ. Hiện nay, ngoài một số diện tích lúa nước và hoa màu, làng Tung còn phát triển được hàng trăm hecta cao su tiểu điền và cà phê, đây cũng là nguồn thu chính để làm giàu cho mai sau. 

Đến thăm làng Kơ Tu Dơng (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) mới được hình thành từ 3 năm trước, điều mà chúng tôi cảm nhận là cơ sở hạ tầng “điện - đường - trường - trạm” khá đầy đủ và hơn thế, đó là niềm tin của bà con đối với Đảng. Tuy cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn song ai nấy đều đoàn kết cùng giúp nhau phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Cả làng chỉ có 88 hộ với 360 nhân khẩu đều là người dân tộc Bahnar, trong 3 năm đến nơi ở mới, số hộ thoát nghèo nhanh và hiện chỉ còn 20 hộ nghèo. Già làng Đinh Tir chỉ tay về hướng cánh đồng dọc theo sườn núi và cho biết, đây là vùng đất canh tác của dân làng Kơ Tu Dơng, hiện bà con đang trồng ngô lai, trồng mì. Mỗi hộ được chính quyền địa phương cấp 2.500m2, còn đất vườn khoảng 1.000m2. Đất trong vườn nhà, hầu hết bà con trồng cây cà phê, có nhiều hộ đã cho thu bói vụ đầu. Già làng Tir cũng kiến nghị, đối với những hộ còn nghèo, Nhà nước có kế hoạch hỗ trợ thêm bò giống để phát triển chăn nuôi, bởi ở đây vẫn còn nhiều cánh đồng cỏ để chăn thả. 

Ông Nguyễn Đình Tiến - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.000 điểm định canh định cư ổn định và đang phát triển. Hầu hết các buôn làng dân tộc nơi đây ấm no và yên bình, niềm tin của bà con đối với Đảng, với cách mạng ngày càng được củng cố. Hiện tỉnh Gia Lai còn 266 hộ dân tộc Bahnar và J'rai sống du canh du cư tại địa bàn các huyện Đức Cơ, Ia Grai, Đăk Đoa và Phú Thiện. Tỉnh đã lập Đề án được Chính phủ phê duyệt và đầu tư vốn, cố gắng trong năm nay, sẽ đưa hết 266 hộ vào định canh định cư tại 4 điểm đã được quy hoạch thuận lợi. Các địa phương trên đang có kế hoạch xúc tiến việc san ủi đất làm nhà ở, cải tạo đất sản xuất và làm các công trình phúc lợi cần thiết như đường giao thông, điện, lớp học... tạo môi trường thuận lợi cho bà con mới đến định canh định cư sớm ổn định cuộc sống./.
 
TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất