Thế hệ thanh niên trước kia đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.
Ngày 22/7, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh.” Sự kiện là lời tri ân tới những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu và cả hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Triển lãm giới thiệu 12 câu chuyện tình yêu thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký thời chiến.
Đó là câu chuyện tình của nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Bích Thảo và người đồng chí Đỗ Đình Sửu; đám cưới đặc biệt trên tháp pháo xe tăng của giáo sư-bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh; tình yêu kết tinh thành những ca khúc đi cùng năm tháng của vợ chồng nhạc sỹ Trần Hoàn; mối tình đẹp mà day dứt của cô y tá Trần Thị Kính và chiến sỹ Nguyễn Văn Đạo…
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho hay: “Với những người đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thì sức mạnh để vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát đó chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng. Họ đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.”
Trong số những nhân vật tham gia giao lưu tại triển lãm có bà Vũ Thị Lui ở Hà Nội. Bà Lui và liệt sỹ Trần Minh Tiến có một tình yêu phát triển từ tình bạn học cùng trường phổ thông. Năm 1963, ông Tiến lên đường nhập ngũ.
Mối tình của họ có nhiều cung bậc cảm xúc, có lý tưởng của thế hệ thanh niên sẵn sàng gạt tình riêng vì sự nghiệp lớn của dân tộc, có những ước mơ về hạnh phúc bình dị, có cả những vật đính ước họ tặng cho nhau… Ông tặng bà chiếc nhẫn do chính tay mình làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, còn bà tặng ông chiếc khăn tay trắng có thêu bông hoa hồng màu tím. Rồi ông Tiến hy sinh ngày 1/6/1968. Sau này, bà Lui cũng đã có một gia đình yên ấm hạnh phúc với người chồng là một cựu chiến binh.
Những kỷ vật, những lá thư thời chiến giữa bà Lui và ông Tiến vẫn luôn hiện diện trong nhà. Bà nói với chồng rằng nhờ tình yêu đó mà bà có nghị lực, đức hy sinh và những phần tính cách tốt đẹp của bà ngày hôm nay. Do đó, chồng bà thấu hiểu và trân trọng mối tình đầu của bà với người liệt sỹ.
“Ông ấy ủng hộ tôi ròng rã suốt 8 năm để tôi tìm được hài cốt của ông Tiến về an táng tại nghĩa trang Đường 9, thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Cho đến nay, ông Tiến đã như một thành viên đang sống và không thể thiếu trong gia đình tôi,” bà tâm sự.
Tại sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng đã tiếp nhận 4 bộ sưu tập thư thời chiến, sổ thơ, kỷ vật từ thân nhân những người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa. Đây là tình cảm, sự trân trọng của công chúng dành cho những tâm huyết và nỗ lực thực hiện sứ mệnh bảo tồn, phát huy các giá trị tư liệu lịch sử tới thế hệ mai sau của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong thời quan qua.
Câu lạc bộ “Trái tim người lính” cũng tặng một số cuốn sách mới xuất bản cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, gồm “Trái tim người lính miền Trung-Tây Nguyên” và “Những lá thư tình đi qua chiến tranh.” Đây là kết quả bước đầu của Cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật mang tên “Tình yêu đi qua chiến tranh” do Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức (dự kiến tổng kết, trao thưởng vào năm 2025).
Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” kéo dài đến ngày 31/7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.
Minh Thu (Vietnam+)