Thứ Sáu, 4/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 28/4/2012 7:57'(GMT+7)

Xứng danh thành phố mang tên Bác

Thành phố mang tên Bác ngày nay. Ảnh minh họa

Thành phố mang tên Bác ngày nay. Ảnh minh họa

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đại thắng Mùa Xuân năm 1975 còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là tiền đề và động lực to lớn để Thành phố phát triển lên tầm cao mới, phấn đấu trở thành trung tâm về nhiều mặt và là “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

37 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất năm 1975, tuy có lúc phải trải qua những thăng trầm, đầy cam go, nhưng những thành tựu đạt được của Thành phố Hồ Chí Minh là rất cơ bản, to lớn và toàn diện; chính trị - xã hội ổn định đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Trong niềm vui đất nước vừa thống nhất, thì Thành phố Hồ Chí Minh phải đối diện với những khó khăn chồng chất, vừa phải giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải khôi phục kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân.

Thành Phố Hồ Chí Minh đã phát huy tốt tiềm năng về huy động nội lực với tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngày càng tăng cao, kết hợp đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Song như thế vẫn chưa đủ, Thành Phố Hồ Chí Minh nhận thức rằng, phát triển kinh tế phải đi đôi với nâng cao chất lượng sống nhân dân, bảo vệ môi trường, thành quả của sự phát triển phải đến từng gia đình, từng người dân, không thể để tình trạng khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng ra. Từ đó “chương trình xóa đói giảm nghèo” ra đời, để chăm lo một bộ phận dân nghèo vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Nếu sau giải phóng, Thành Phố Hồ Chí Minh có đến 30% dân số còn trong tình trạng đói nghèo thì đến nay, dân số tăng gấp 8 lần nhưng không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm chỉ còn 5,3%. Năm 2011, Thành phố hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội; hoàn thành 3 dự án đáp ứng hơn 5.500 chỗ lưu trú cho công nhân; đầu tư xây mới 60 dự án trường học với tổng vốn 2,8 nghìn tỷ đồng và đưa vào sử dụng 1.292 phòng học mới.

Song song với đó, Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị như hình thành cơ chế huy động vốn đầu tư, phát hành trái phiếu đô thị, áp dụng phương thức đầu tư BOT, BT, BOO, công tư hợp tác (PPP), đấu giá quyền sử dụng đất, xã hội hóa một số dịch vụ đô thị... Việc này đã tạo thêm nhiều kênh huy động vốn quan trọng và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị, qua đó mở một hướng đi mới, giảm áp lực đầu tư từ ngân sách.

Thành Phố Hồ Chí Minh hiện là một trong số những đô thị trên thế giới luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số liên tục trong nhiều năm. Nếu trong giai đoạn đầu (1976-1985), mức tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2,7% thì đến năm 2011 đã tăng lên đến 10,3%, chiếm 20% tổng sản phẩm nội địa và 30% ngân sách Nhà nước.

Không chỉ phát triển kinh tế, cùng với sự mở rộng diện tích không ngừng, hàng loạt những chương trình, công trình trọng điểm đã, đang được triển khai, không những góp phần chỉnh trang "bộ mặt" của thành phố mà còn đưa Thành Phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị khang trang, hiện đại. Đó là một khu đô thị Phú Mỹ Hưng kiểu mới và đã trở thành kiểu mẫu trên cả nước, là đại lộ vắt từ Đông sang Tây trong dự án Đại lộ Đông Tây, là khu đô thị Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm, hầm ngầm Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, dự án vươn ra biển tại khu vực Nhà Bè, xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất và hàng loạt các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ dân sinh khác: phát triển nguồn nhân lực; củng cố và sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước; chống kẹt xe, ngập nước mùa mưa, di dời tái định cư hộ ven kênh rạch…

Có thể nói, sự phát triển toàn diện của Thành phố trong 37 năm qua, được khơi dậy từ những bài học lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975; biểu hiện bằng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất giữa các ngành, các cấp, tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo Thành phố và trên hết chính là sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Với truyền thống năng động và sáng tạo, Thành phố sẽ phát huy những thời cơ và thuận lợi, vượt qua những khó khăn và thách thức phấn đấu trở thành một “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Lịch sử đã chứng minh, sự hình thành và phát triển Thành phố luôn gắn liền với tiến trình lịch sử và vận mệnh của đất nước. Từ thuở mở cõi trong gian khổ, khó khăn đến những năm tháng hào hùng chống ngoại xâm giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước hôm nay; Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn là nơi hội tụ công sức, tài năng và tâm huyết của cả nước. Ý thức được trách nhiệm nặng nề nhưng đầy vinh quang của mình đối với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh quyết ra sức phát huy truyền thống, thế mạnh của mình, không ngừng sáng tạo, tận dụng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức để “về đích trước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; mãi mãi xứng đáng là Thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại - Thành phố Anh hùng, năng động, sáng tạo, nghĩa tình./.

TG
____________________


Tư liệu: UBND Thành phố Hồ Chí Minh, TTXVN.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất