Hơn 12.000 người thiệt mạng, hàng nghìn máy bay, xe tăng, xe bọc thép bị
phá hủy là những hậu quả nặng nề của cuộc xung đột vũ trang tại Yemen. Đó còn chưa kể tới nhiều hậu quả tiềm ẩn đằng sau cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm rưỡi này.
Ngày 24/12, quân đội Yemen và liên quân quốc tế do Saudi Arabia dẫn đầu
đã thiệt hại ít nhất hàng chục máy bay chiến đấu các loại cùng với hơn
1.200 xe tăng và xe bọc thép trong các cuộc giao tranh với phiến quân
Houthi cùng lực lượng ủng hộ cố Tổng thống Ali Abdullah Saleh tại nước
này.
Riyadh và các đồng minh trong khu vực đã mất nhiều máy bay trực thăng
chiến đấu Boeing AH-64 Apache, 5 máy bay phản lực McDonnell Douglas F-15
Eagle và General Dynamics F-16 cùng hơn 20 máy bay do thám.
Các tay súng ủng hộ cố Tổng thống Saleh và các đồng minh cũng đã tấn
công và phá hủy hàng trăm trung tâm chỉ huy và tiền đồn biên giới ở các
tỉnh Tây Nam của Saudi Arabia như Najran, Jizan và Assir.
Ngoài ra, đã có 10 tàu chiến, tàu khu trục nhỏ và một số tàu chiến cũng đã bị phá hủy.
Chiến dịch quân sự tại Yemen đã khiến Saudi Arabia và các đồng minh tổn
thất to lớn về tài chính. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Saudi Arabia
bị thâm hụt 15% và lượng dự trữ ngoại tệ đã giảm từ 737 tỷ USD xuống còn
437 tỷ USD.
Chi tiêu quân sự của Riyahd đã vượt quá 81 tỷ USD, đưa vương quốc dầu mỏ
này trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và
Trung Quốc.
Cuộc xung đột cũng đã gây ra những thiệt hại to lớn về người đối với
Yemen khi hơn 12.000 người đã thiệt mạng và cuộc khủng hoảng nhân đạo
trầm trọng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đợt dịch tả bùng phát hồi cuối tháng 4
vừa qua đã khiến 2.167 người thiệt mạng và khoảng 814.906 người bị nghi
nhiễm bệnh.
Ngày 26/11 vừa qua, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết hơn 11
triệu trẻ em ở Yemen đang cần sự trợ giúp khẩn cấp, đồng thời cảnh báo
tại đây cứ 10 giây lại có một trẻ em tử vong vì bệnh tật.
Bên cạnh đó, nạn đói ở Yemen đang ở mức “chưa từng có” với khoảng 17
triệu người dân nước này bị ảnh hưởng và khoảng 6,8 triệu người hoàn
toàn dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Ngoài ra, phần lớn cơ sở hạ tầng của Yemen, bao gồm bệnh viện, trường học và các nhà máy, đã bị phá huỷ do chiến tranh.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng
trung thành với cố Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh
thổ, trong đó có thủ đô Sanaa.
Tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can
thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng
thống Mansour Hadi.
Các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối
địch tại Yemen từ trước tới nay chưa thể giúp chấm dứt xung đột tại nước
này.
Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn hai năm qua tại Yemen đã khiến
khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000
người bị thương, ba triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước
này cần cứu trợ nhân đạo./.
(TTXVN)