Kinh tế, thương mại và đầu tư được xem là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành nền tảng, xung lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện ổn định và lâu dài giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.
Cách đây 25 năm, tập đoàn Cargill, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp-thực phẩm được thành lập từ năm 1865, hiện có hơn 166.000 nhân viên làm việc tại hơn 70 quốc gia trên khắp thế giới, đã sớm nhận ra tiềm năng to lớn của việc đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Cargill có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/1995 với hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, và đến tháng 10 cùng năm, tức là chỉ 3 tháng sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, công ty Cargill Việt Nam được thành lập.
Trong 25 năm qua, Cargill Việt Nam đã đầu tư xây dựng 11 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản đặt ở hầu hết các tỉnh thành có thế mạnh về nông nghiệp và chăn nuôi của Việt Nam.
Giờ đây, Cargill đã trở thành nhà sản xuất, phân phối thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản lớn nhất tại đất nước hình chữ S.
Những đóng góp của Cargill đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đã được ghi nhận trong nhiều sự kiện, qua nhiều giải thưởng, trong đó phải kể đến việc Cargill Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2009.
Cargill là một trong số những câu chuyện thành công mà các công ty Hoa Kỳ đã gây dựng được khi mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, và cũng là minh chứng cho bước đường hợp tác thương mại-đầu tư mà Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ xuyên suốt 1/4 thế kỷ qua.
Có thể nói, bên cạnh những bước tiến vượt bậc mà hai nước đã đạt được trong các lĩnh vực then chốt, kinh tế, thương mại và đầu tư được xem là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành nền tảng, xung lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện ổn định và lâu dài giữa hai nước.
Sau gần 5 năm đàm phán, năm 2000, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA), có hiệu lực từ ngày 10/12/2001, qua đó tạo khuôn khổ chính thức thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Sau đó, Hoa Kỳ đã áp dụng Quy chế Quan hệ thương mại bình thường và Quy chế Tối huệ quốc, giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Tháng 12/2006, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush quyết định trao cho Việt Nam Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Cũng trong năm này, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Việc hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 tiếp tục mở đường cho việc phát triển quan hệ kinh tế song phương, với những thành tựu đáng kinh ngạc trong hoạt động thương mại và đầu tư.
Thương mại chính là một mảng sáng nổi bật trong mối quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ với sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê của phía Hoa Kỳ, sau 25 năm, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 333 lần, từ 233,4 triệu USD năm 1994 lên 77,5 tỷ USD cuối năm 2019. Hiện Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ ba và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 lên thứ 9 trong các nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất khi trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.
Tham tán công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Bùi Huy Sơn nhận định: “Đây thực sự là kết quả rất ấn tượng, ít có trong quan hệ thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hai nước không có nhiều, thị trường lại xa, ít ưu đãi thương mại hơn so với các đối tác khác."
Cũng theo ông Bùi Huy Sơn, không chỉ tăng mạnh về giá trị, hợp tác thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ còn chuyển biến tích cực về chất lượng với cơ cấu hàng hóa xuất-nhập khẩu thay đổi theo hướng đa dạng, bền vững.
Đánh giá về mối quan hệ thương mại song phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh một điểm nổi bật là Việt Nam và Hoa Kỳ có quan hệ thương mại theo hướng bổ trợ cho nhau. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như các sản phẩm nông nghiệp, dệt may, da giày, máy móc, thiết bị điện tử. Việt Nam lại có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.
Trên lĩnh vực đầu tư, Việt Nam luôn được đánh giá là một điểm đến đáng tin cậy của đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hoa Kỳ. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến 4 làn sóng đầu tư từ Hoa Kỳ, trong đó làn sóng thứ nhất là giai đoạn 1994-2001, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và trước khi BTA song phương được ký kết. Làn sóng thứ hai là trong giai đoạn 2001-2006 khi Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển quan hệ thương mại song phương.
Làn sóng tiếp theo là từ năm 2007 đến 2010 sau khi Việt Nam gia nhập WTO- giai đoạn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất của dòng FDI từ Hoa Kỳ. Làn sóng đầu tư thứ tư xuất hiện khi hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013.
Mặc dù chưa nằm trong tốp các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam, song Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những nhà đầu tư có chất lượng.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm ngoái, Hoa Kỳ có gần 1.000 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Số dự án đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn khá ít so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, nhưng quy mô vốn trên mỗi dự án thường lớn hơn.
Mặt khác, bên cạnh đầu tư trực tiếp, Hoa Kỳ còn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua nước thứ ba, nên nếu tính tổng vốn đầu tư thì Hoa Kỳ có thể xếp thứ 6 hoặc 7 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Với thị trường gần 100 triệu dân và có tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình gần 7%/năm, năng lực kiểm soát dịch COVID-19 thành công, đồng thời là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và sở hữu nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt từ Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều chuyên gia cho rằng làn sóng đầu tư thứ năm vào Việt Nam đang nhen nhóm và hình thành. Trong chuyến gặp gỡ 45 doanh nghiệp Hoa Kỳ xúc tiến đầu tư vào Việt Nam mới đây, ông Alex Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, cũng đánh giá Việt Nam là một điểm sáng về đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vài năm trở lại đây.
Có thể thấy, trong 25 năm qua, quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ đã ghi nhận những thành quả ấn tượng, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng nhận định mức tăng trưởng về kim ngạch xuất-nhập khẩu song phương đạt 7.000% trong 25 năm qua chứng tỏ tiềm năng, lợi thế và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam-Hoa Kỳ còn rất nhiều dư địa.
Trong khi đó, chiến lược thương mại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump là ưu tiên các thỏa thuận thương mại song phương, được đánh giá có thể tạo cơ hội để Việt Nam-Hoa Kỳ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế, hướng tới đạt được một FTA song phương.
Tuy nhiên, chặng đường hợp tác sắp tới giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á không chỉ "trải toàn hoa hồng" mà vẫn tồn tại những thách thức, nổi cộm trong số đó là vấn đề thặng dư thương mại với con số xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ gần 35 tỷ USD năm 2018, hay việc Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường đầy đủ do vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc.
Điểm đáng ghi nhận là hai bên đang nỗ lực khắc phục những vướng mắc này để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại song phương. Đơn cử như trong vấn đề thâm hụt thương mại, sau phiên họp Hội đồng Thương mại đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ tại thủ đô Washington hồi tháng 10/2019, Việt Nam đã lần đầu tiên xây dựng một kế hoạch hành động toàn diện để hướng tới cán cân thương mại cân bằng, hài hòa và bền vững giữa hai nước.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry từng đánh giá không có hai nước nào “nỗ lực hơn, làm được nhiều điều hơn, tốt hơn để đưa họ xích lại gần nhau và thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai” như Hoa Kỳ và Việt Nam. Thực vậy, xuyên suốt 25 năm qua, hai nước đã cùng nhau nỗ lực tăng cường hợp tác trong hầu khắp các lĩnh vực trọng yếu, mà kinh tế đóng vai trò là một trong những trụ cột then chốt.
Thành công của hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư trong 25 năm qua được xem là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm mức như hiện nay. Nỗ lực của hai bên nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại cân bằng và bền vững được kỳ vọng sẽ tiếp thêm xung lực và tạo nền tảng vững chắc để quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển thực chất và hiệu quả, tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước trong tương lai./.
Theo TTXVN