Thứ Bảy, 21/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Bảy, 7/11/2015 19:18'(GMT+7)

Ý nghĩa thực tiễn của Cách mạng Tháng M­ười với việc xây dựng một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam

Ảnh TL, chỉ có tính minh họa

Ảnh TL, chỉ có tính minh họa

1. Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga với sự ra đời và phát triển của phong trào Cộng sản Quốc tế.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng M­ười Nga, cùng với sự ra đời và phát triển của hàng loạt nư­­ớc xã hội chủ nghĩa (XHCN) trên thế giới, phong trào Cộng sản với t­­ư cách đội tiên phong chính trị và bộ tham m­­ưu chiến đấu của phong trào công nhân quốc tế tr­­ưởng thành vững mạnh về chính trị, tư­­ tư­­ởng và tổ chức, trở thành một lực lượng có ảnh h­­ưởng mang ý nghĩa quyết định đến xu thế vận động của thời đại, lan toả ảnh hư­­ởng sâu rộng đến các dân tộc thuộc địa, làm thức tỉnh và tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Noi theo tấm g­­ương của Cách mạng Tháng M­ười, phong trào đấu tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc trên thế giới liên tiếp giành đ­­ược thắng lợi, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa - một vết nhơ của văn minh nhân loại, vốn tồn tại gần nửa thiên niên kỷ; đồng thời khai sinh một thực thể quốc tế mới, bao gồm hơn một trăm quốc gia đang phát triển mới giành đư­­ợc độc lập dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh-Lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới đã đánh giá: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, làm thức tỉnh hàng chục triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa thế”[1].

98 năm đã trôi qua, ý nghĩa và tầm vóc của Cách mạng Tháng Mười thật lớn lao. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất thế kỷ XX, một cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ người bóc lột người, đem lại quyền làm chủ cho nhân dân lao động và hòa bình cho các dân tộc trên thế giới.

V.I.Lênin từng nhận định, Cách mạng Tháng Mười đã mở đầu “một sự nghiệp mới mẻ”, “Sự nghiệp sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”. Cách mạng Tháng Mười Nga đã biến nước Nga Sa Hoàng lạc hậu thành một siêu cường đứng đầu hệ thống XHCN, một thời kỳ dài trong lịch sử là chỗ dựa cho hàng trăm dân tộc đứng lên chống ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình thế giới. Có thể nói, nếu không có Cách mạng Tháng Mười, nhân loại không thể sống trong kỷ nguyên độc lập, tự do. Ngay trong lòng chủ nghĩa t­ư bản (CNTB) hiện đại, những quyền dân sinh, dân chủ, quyền con người … mà nhân dân lao động có được nhờ ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”[2]. Người đã chỉ rõ những bài học đó là: Cần có sự lãnh đạo sáng suốt của một chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân; phải thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. V.I.Lê-nin cũng đ­ưa ra một cách khá hoàn chỉnh hệ thống các nguyên tắc về bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản; nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; sự thống nhất ý chí và hành động của đội ngũ đảng viên; giữ gìn và bảo vệ kỷ luật Đảng; sự gắn bó máu thịt giữa đảng với quần chúng... Những nội dung cơ bản nêu trên đ­ược V.I.Lê-nin trực tiếp áp dụng, bổ sung và phát triển trong quá trình xây dựng, rèn luyện Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga và trong điều kiện Đảng ấy trở thành Đảng cầm quyền sau Cách mạng Tháng M­ười.

Đi theo con đư­ờng cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga đã lãnh đạo tài tình giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga lật đổ chế độ t­ư bản, bọn áp bức bóc lột, giành chính quyền, đ­ưa n­ớc Nga chậm phát triển thành Liên Bang Xô-viết hùng c­ường, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), trong một thời kỳ dài phát triển mạnh mẽ về kinh tế, quốc phòng, an ninh và giáo dục,... là trụ cột và lực l­ượng chủ yếu đập tan chủ nghĩa phát- xít Đức trong đại chiến thế giới thứ hai, cứu nhân loại khỏi hoạ phát-xít; ngăn chặn có hiệu quả âm m­ưu gây chiến của chủ nghĩ đế quốc (CNĐQ), giữ vững hoà bình và ổn định tình hình chính trị thế giới trong gần nửa thế kỷ, sau chiến tranh thế giới thứ hai.

2. Giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười với việc xây dựng một Đảng kiểu mới (Đảng Cầm quyền) của giai cấp công nhân Việt Nam

Ở Việt Nam, trước sự bế tắc về lý luận cũng như đường lối của các lực lượng cách mạng Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX; sự thất bại không tránh khỏi của các phong trào chống Pháp do các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản lúc đó, dân tộc ta đã hướng đến con đường cứu nước mới, khác về chất so với con đường mà các thế hệ người Việt Nam yêu nước đã đi. Vào năm 1927, Hồ Chí Minh đã viết: “…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”[3]. Theo Người, chủ nghĩa Mác-Lênin không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Chính lúc dân tộc Việt Nam cần một đường lối chính trị đúng đắn, một đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam dẫn đường, một bộ tham mưu lãnh đạo thì Đảng Lao dộng Việt Nam ra đời (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đảng Cộng sản Việt Nam-Chính Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời ngày 03-2-1930 trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, ngay từ đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm đứng ra nhận sứ mệnh lịch sử to lớn mà giai cấp và dân tộc giao phó: Lãnh đạo các tầng lớp nhân dân Việt Nam đấu tranh chống thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc, dân chủ cho nhân dân. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Sự kiện Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lê-nin đã đánh dấu bước ngoặt trong quá trình phát triển tư tưởng và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người: Chủ nghĩa yêu nước chân chính đã bắt gặp Chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác - con đường cách mạng vô sản[4]. Để thực hiện được mục tiêu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước hết phải có Đảng Cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam có sứ mệnh lãnh đạo nhân dân Việt Nam cùng một lúc vừa làm tư sản cách mạng, vừa làm dân tộc cách mạng và làm giai cấp cách mạng. Đây là đặc điểm lớn nhất của cách mạng vô sản ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cũng là một đặc điểm của sứ mệnh lịch sử của Đảng đối với giai cấp và dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đáp ứng kịp thời và đầy đủ những đòi hỏi bức thiết của lịch sử.

Sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Lời kêu gọi của Đảng khi Đảng mới thành lập, đó là: Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản;... Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến;... Làm cho nước Việt Nam được độc lập;... Giải phóng công nhân và nông dân thoát khỏi ách tư bản; Mở mang công nghiệp và nông nghiệp;... Đem lại mọi quyền lợi tự do cho nhân dân.

Hơn 85 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình. 15 năm sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam đã nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, lên đường kháng chiến và cuối cùng đã giành được thắng lợi to lớn, đánh thắng đế quốc xâm lược và lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam. 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Đó cũng là kết quả của Cách mạng Tháng Mười với sự phát triển cao, thống nhất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là hệ tư tưởng lý luận của giai cấp công nhân, phong trào công nhân mà còn là vũ khí giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng dân tộc, giải phóng toàn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Đường lối cách mạng của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, phù hợp và đáp ứng đúng nguyện vọng của giai cấp công nhân, các tầng lớp nhân dân lao động và của toàn dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời khẳng định giai cấp công nhân và đảng tiên phong của nó đứng ở vị trí trung tâm và giữ vai trò lãnh đạo cách mạng. Điều đó quyết định nội dung, xu hướng phát triển của xã hội Việt Nam giành độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn con đường cách mạng đó phù hợp với nội dung và xu thế cách mạng của thời đại mới được mở ra từ Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917) và chỉ có đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm độc lập tự do thật sự cho dân tộc, “đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng, đây là sự lựa chọn của lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Từ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong giai đoạn hiện nay, tr­ước những biến động phức tạp của tình hình thế giới và trong nư­ớc và khu vực, những thế lực thù địch, cơ hội, xét lại đang đẩy mạnh tấn công, phá hoại Đảng ta, hòng làm cho Đảng ta biến chất, không còn là một Đảng Mác-xít chân chính, đất nư­ớc đi chệch h­ướng XHCN. Với âm m­ưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, chúng phá hoại Đảng ta trên cả ba mặt chính trị, tư­ tưởng và tổ chức, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu như­: mục tiêu, con đường cách mạng XHCN; vai trò lãnh đạo của Đảng; Đảng duy nhất cầm quyền, nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ; dân chủ... Cuộc đấu tranh đánh bại những luận điệu cơ hội, xét lại là vấn đề rất cần thiết và cấp bách, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Học thuyết V.I.Lê-nin về xây dựng Đảng kiểu mới và cuộc đấu tranh chống cơ hội, xét lại của Ng­ười có ý nghĩa to lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Từ những nguyên lý đúng đắn của V.I. Lê-nin về CNXH và những bài học thực tiễn (cả thành công và thất bại) trong xây dựng đất nước phát triển với nội dung, hình thức, ph­ương pháp, b­ước đi thích hợp, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Thực tế ấy chứng tỏ sức sống mãnh liệt của CNXH, tính đúng đắn của con đ­ường cách mạng XHCN trong thời đại mới. Nhân dân Việt Nam vẫn, sẽ kiên trì con đ­ường cách mạng XHCN, con đ­ường duy nhất đúng đi tới ấm no, hạnh phúc và văn minh mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Nhân dân Việt Nam đã phải chịu đựng và chứng kiến sự áp bức, bóc lột tinh vi, xảo quyệt của CNTB, thấy đ­ược sự áp bức, bóc lột ấy đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở nhiều n­ước trên thế giới, kể cả những n­ước tr­ước đây là CNXH, hiện nay đang đi theo con đ­ường TBCN.

Nhân dân Việt Nam đã chịu tổn thất và hy sinh rất lớn, kể cả hy sinh x­ương máu, đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc, t­ư sản ngoại bang, bọn áp bức, bóc lột, giành độc lập dân tộc. Lẽ nào nhân dân ta lại đi vào con đ­ường TBCN, con đ­ường gây nên biết bao đau khổ và oan trái, bị nhân loại phê phán và lên án hàng trăm năm nay. Mặc dù trong những thập niên vừa qua các nư­ớc t­ư bản đã có những điều chỉnh mới, tạo nên sự tăng tr­ưởng khá lớn về kinh tế, song xã hội t­ư bản vẫn chỉ của một bộ phận ngư­ời giàu, tuyệt đại đa số nhân dân lao động vẫn bị áp bức, bóc lột nặng nề. Ở đó còn biết bao điều bất công và những vấn đề xã hội không có khả năng và không thể đ­ược giải quyết một cách cơ bản và triệt để. Xã hội như­ thế không thể là "tấm gương" để dân tộc Việt Nam noi theo.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo đúng đắn của một đảng mác-xít chân chính là nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam. Điều đó đã đ­ược C.Mác, Ph.Ăng-ghen luận chứng một cách khoa học và khẳng định. Tin t­ưởng sắt đá và kiên trì với khẳng định đó, trong điều thực tiễn ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng thành công Đảng kiểu mới (Đảng cầm quyền) của giai cấp công nhân Việt Nam. Có thể nói rằng, trong lịch sử ch­ưa có một tổ chức chính trị nào đ­ược chuẩn bị chu đáo để thành lập, đư­ợc xây dựng và bảo vệ nh­ư chính Đảng cầm quyền của giai cấp công nhân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã kiên trì, bền bỉ chuẩn bị, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, đánh bại mọi kẻ thù để xây dựng chính Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Và Đảng ta đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ đấu tranh xác lập quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, đó là nhân tố quyết định thắng lợi. Thực tiễn lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam hơn 85 năm qua và thực tiễn lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Mục đích của Đảng là vì quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, ngoài ra Đảng không có mục đích gì khác. Vì vậy, Đảng ta không những là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà đồng thời còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc-đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Đây là điểm đầu tiên, quan trọng nhất, cả ly luận và thực tiễn về Đảng cầm quyền. Đồng thời, tuân thủ các nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mục tiêu và nhiệm vụ lớn lao của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là lãnh đạo đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng và mục tiêu cao cả đó xuyên suốt toàn bộ hoạt động thực tiễn của Đảng và nhân dân ta. Phải thực hiện tốt nhất lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đảng ta là Đảng cách mạng, là Đảng lãnh đạo, “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[6].

Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nhất là thực tiễn của công cuộc đổi mới, để tiếp tục làm sáng tỏ hơn nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Cần tổng kết sâu sắc và nhận thức rõ hơn những đặc điểm của đất nước và bối cảnh quốc tế trong thời kỳ mới, chỉ rõ những chặng đường, bước đi, hình thức tổ chức kinh tế, xã hội của thời kỳ quá độ, những đặc trưng của XHCN mà nhân dân ta xây dựng; mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta và mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH ở Việt Nam... Đó là những vấn đề cơ bản và quan trọng về lý luận và thực tiễn để Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sắp tới bổ sung và phát triển Cương lĩnh 2011, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững sang một thời kỳ lịch sử mới.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hiện nay, bên cạnh những cơ hội lớn, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt. Vì vậy, xây dựng Đảng vững mạnh thật sự là nhiệm vụ quan trọng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng, chúng ta quyết tâm xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết nhất trí, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười Nga đến nay đối với chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, vận dụng những giá trị thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười trong điều kiện mới ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do yêu cầu phát triển của đất nước./.

Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân
Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng



[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội. 2002, tr. 303, 305.

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội. 2002, tr. 303, 305.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 268.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Nxb. CTQG, H, 1995, tr. 314.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Nxb. CTQG, H, 1995, tr. 267-268. 

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12. NXB CTQG Hà Nội -1996, tr. 512-518

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất