VẪN CÒN NHỮNG BẤT CẬP
Tuyên truyền là công cụ sắc bén trong sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Trong Nghị quyết 36, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao “Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về vị trí, vai trò của biển và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”. Việc hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện Nghị quyết đến các cấp ủy đảng, tổ chức đoàn thể và nhân dân cần được kịp thời, bám sát bối cảnh trong nước và tình hình thế giới.
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót cần tập trung khắc phục trong giai đoạn thực hiện Chiến lược mới.
Thứ nhất, việc phối hợp triển khai giữa các cơ quan trong tổ chức tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thông tin về biển, đảo, nhất là giữa Trung ương và địa phương, có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, không thực sự thường xuyên, liên tục, bị chi phối bởi các nội dung, hoạt động mang tính thời điểm, ngắn hạn; việc đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền riêng về các nội dung này còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp chưa có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Thứ hai, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa thực sự phát huy hiệu quả ở những khu vực đặc thù như biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và các huyện đảo. Nhiều đối tượng như đồng bào các dân tộc thiểu số và ngư dân có thời gian lao động trên biển dài ngày hiện vẫn khó tiếp cận với thông tin về biển, đảo.
Thứ ba, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chính trị của một số nhà báo, đội ngũ chuyên trách làm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về biển, đảo chưa đáp ứng tốt yêu cầu của nhiệm vụ, đặc biệt là sự hiểu biết về các vấn đề pháp lý trong nước và quốc tế liên quan đến biển, đảo. Bên cạnh đó, những biểu hiện căng thẳng, phức tạp trên khu vực Biển Đông là vấn đề nhạy cảm đối với các mối quan hệ đối ngoại; vẫn còn có trường hợp cơ quan thông tấn, báo chí đưa thông tin thiếu kiểm chứng.
Thứ tư, số lượng ấn phẩm liên quan đến các nghiên cứu chuyên sâu, các bài bình luận, phân tích sắc sảo, thực sự thuyết phục về các vấn đề biển, đảo chưa nhiều, chưa tác động được một cách thường xuyên, liên tục và hiệu quả ra thế giới.
Thứ năm, sự phát triển của internet thực sự đã làm nên một cuộc cách mạng về thông tin trên toàn cầu. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về biển, đảo chưa tận dụng tốt các phương thức truyền thông hiện đại để truyền tải một cách nhanh chóng những thông điệp đúng đắn, tích cực; đồng thời, hạn chế, đấu tranh với những thông tin sai trái về các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trên biển.
Thứ sáu, thiếu cơ chế xử lý các vấn đề đột xuất, phức tạp nảy sinh dẫn đến tình trạng có lúc, có nơi lúng túng trong giải quyết sự việc và gây bức xúc trong dư luận. Một số trường hợp, thông tin cung cấp cho báo chí chưa kịp thời, định hướng tuyên truyền bất cập so với thực tiễn. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về biển, đảo còn phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
Trong thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và nước ta. Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo. Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Ở trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn là những khó khăn, thách thức lớn đòi hỏi công tác truyền thông cần định hướng, có bước đi đúng đắn, nâng cao nhận thức, tạo niềm tin và sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài. Vì thế, cần xác định rõ những yêu cầu sau đây:
Một là, tuyên truyền về biển, đảo cho cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài; nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo trong diễn biến tình hình trên Biển Đông. Bảo đảm sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong toàn lực lượng làm công tác tuyên truyền biển, đảo. Huy động được mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền.
Hai là, cung cấp thông tin có định hướng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc thù các vùng miền... và phù hợp với từng thời điểm; thực hiện tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể; tiếp tục quan tâm đến việc giáo dục ý thức thực thi pháp luật trên biển; đấu tranh chống các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trên biển; các hoạt động khai thác trái phép, vi phạm chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến quan hệ các nước trong khu vực.
Tập trung thông tin về đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về các vấn đề liên quan đến biển, đảo và nội dung của Nghị quyết 36; vị thế, tiềm năng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta về giải quyết, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của nước ta trên biển.
Công tác tuyên truyền biển, đảo phải coi trọng chất lượng và phù hợp với các đối tượng khác nhau, đặc trưng của từng vùng, miền; phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản, đoàn viên, hội viên. Kịp thời có định hướng tuyên truyền trong bối cảnh tình hình cụ thể, khi có phức tạp nảy sinh trên biển, đảo và ở Biển Đông.
Ba là, nội dung tuyên truyền về biển đảo phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề biên giới, lãnh thổ, về công tác tuyên truyền biển, đảo; cụ thể hóa được các quan điểm, mục đích, định hướng, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; phù hợp với bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và tình hình kinh tế - chính trị - quốc phòng - an ninh trong nước.
Nội dung tuyên truyền về biển, đảo phải đa dạng, phong phú, gắn trực tiếp với nội dung của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, đồng thời bám sát tình hình thực tế, nhất là các diễn biến mới trên Biển Đông. Xây dựng các nội dung về các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; cổ vũ, động viên những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế biển, đảo; các hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển; vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng; vấn đề tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển; chính sách hậu phương quân đội; các hoạt động thăm hỏi động viên, chia sẻ đối với các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang công tác, làm việc, sinh sống trên biển và các đảo xa.
|
Bốn là, các hoạt động tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cần được tiến hành chủ động, tích cực, thường xuyên, liên tục. Coi trọng sự nhạy bén, chính xác trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính thống, có hiệu quả giữa các lực lượng tuyên truyền của cả hệ thống chính trị trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và các tình huống đột xuất; coi trọng việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền; lồng ghép công tác tuyên truyền biển, đảo với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình, kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn cả nước.
Năm là, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phát huy thế mạnh của hình thức tuyên truyền miệng, đặc biệt là đưa các nội dung tuyên truyền biển, đảo vào các hội nghị báo cáo viên từ Trung ương đến các địa phương nhằm cung cấp, cập nhật thông tin, kiến thức về biển, đảo.
Phát huy thế mạnh của khoa học và công nghệ, các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và mạng xã hội nhằm tác động sâu rộng, kịp thời và hiệu quả đến cộng đồng, dư luận trong và ngoài nước.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền gắn với các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Bảy là, xây dựng hệ thống tài liệu tuyên truyền biển, đảo thống nhất về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp với yêu cầu của nhiều loại đối tượng khác nhau; nghiên cứu, tổng hợp các nội dung về cơ sở pháp lý, căn cứ lịch sử và thực tiễn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xây dựng các phương án tuyên truyền phù hợp với các tình huống phức tạp có thể xảy ra trên Biển Đông và trong mối quan hệ với các nước láng giềng. Biên soạn, xuất bản, phát hành các tài liệu tuyên truyền cần kịp thời, có giá trị, tạo hiệu ứng tốt; xây dựng các tài liệu tuyên truyền nội bộ để phổ biến tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, định hướng dư luận.
Tám là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đối ngoại về biển, đảo nhằm giữ gìn, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác, cùng phát triển với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới; tăng cường sự hiểu biết, quan tâm, ủng hộ, đoàn kết của cộng đồng quốc tế đối với cách thức giải quyết các vấn đề phức tạp trên Biển Đông cũng như quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch xoay quanh vấn đề chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trao đổi, đối thoại với các cá nhân, tổ chức có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc sai lệch quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo./.
TS. Tạ Đình Thi
Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam