Chủ Nhật, 6/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 4/8/2008 20:30'(GMT+7)

Yếu tố công nghệ trong cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng

Khi cơ chế như nhau, lợi ích, lãi suất mà các ngân hàng đem đến cho các khách hàng là như nhau thì công nghệ được nhiều người nhìn nhận sẽ trở thành yếu tố then chốt trong cuộc chạy đua giữa các ngân hàng trong "hành trình" tìm kiếm sự ủng hộ của những người sử dụng dịch vụ. Tại Việt Nam, vấn đề này đã diễn ra như thế nào?

Sự thúc giục từ bài toán cạnh tranh mới

Faussier, Giám đốc nghiệp vụ Tài chính toàn cầu Việt Nam – HSBC nhận định: "Chúng tôi đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam thành công trong việc ra nhập WTO vào năm 2006. Đây là cơ hội tốt cho các ngân hàng hoạt động chuyên nghiệp hơn và mang đến cho khách hàng nhiều dịch vụ chất lượng ngày càng cao".

Tại Việt Nam, các con số thống kê cho thấy, đến cuối năm 2007, hệ thống ngân hàng đã có một mạng lưới tương đối rộng khắp và đa dạng về loại hình. Thời điểm cuối 2007, Việt Nam có: 6 ngân hàng thương mại nhà nước, 37 ngân hàng thương mại cổ phần, 31 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 6 ngân hàng liên doanh, 6 công ty tài chính, 10 công ty cho thuê tài chính, 926 tổ chức tín dụng nhân dân và 46 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài.

Năm 2007 cũng là năm hệ thống mạng lưới ngân hàng phát triển mạnh ở hầu hết các ngân hàng thuơng

mại với tham vọng bành trướng thị phần bán lẻ và dịch vụ tài chính trong trung hạn.

Không ai có thể phủ nhận sự phát triển như vũ bão của ngành ngân hàng tại Việt Nam, tuy nhiên sự phát triển đó lại kéo theo những thách thức không nhỏ cho các ngân hàng. Đó là sự canh tranh khốc liệt trên thị trường và đặc biệt là các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi các ngân hàng mở rộng mạng lưới, phát triển dịch vụ mới. Có thể nói, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng đã đặt ra những bài toán mới. Bài toán quan trọng nhất là làm thế nào để duy trì được ưu thế cạnh tranh bền vững?

Theo ông Phạm Công Uẩn, Giám đốc Trung tâm Thông tin ứng dụng Ngân hàng nhà nước, có 3 yếu tố quan trọng nhất: đầu tiên là công nghệ cao, sau nữa là dịch vụ tốt, thứ ba là liên tục, luôn luôn giữ được uy tín. Đó là ba yếu tố cần thiết nhất, chủ chốt nhất cho hoạt động ngân hàng hiện nay trong việc cạnh tranh của mình.

Ý kiến của ông Uẩn, có lẽ sẽ nhận được nhiều sự đồng thuận, khi ông cho rằng công nghệ phải là yếu tố đi đầu. Dường như việc đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp mới trong việc quản trị hệ thống, giao dịch, thanh toán trong các ngân hàng đã là một việc làm bắt buộc.

Ông Nguyễn Trọng Hải Hoàng , Tổng Giám đốc AMIGO TECHNOLOGIES đồng tình: "Công nghệ sẽ thể hiện rất rõ giúp ngân hàng trong lĩnh vực Quản trị, trong việc mở rộng sản phẩm dịch vụ, thông qua đó, ngày càng đáp ứng được các nhu cầu khắt khe của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra công nghệ cũng cho phép ngân hàng quản trị rủi ro tốt hơn, từ đó đưa ra các công cụ hỗ trợ để giúp ngân hàng đưa ra những quyết định đúng đắn.

Khi "con tàu công nghệ" đã vào "bệ phóng"

Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank khẳng định: "Nếu anh không có CNTT thì hầu như các thông tin mà doanh nghiệp quản trị rời rạc, và cũng ko tận dụng được các nguồn thông tin chính"..

Không chỉ riêng ông Tuấn, rất nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ chính là yếu tố hàng đầu để các ngân hàng duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, khi hành lang pháp lý được thông thoáng, các rào cản về việc phân biệt đối xử giữa các ngân hàng với nhau cũng không còn nữa, khi mà dịch vụ của các ngân hàng gần như tương đương nhau thì ngân hàng nào có công nghệ tiên tiến hơn, ngân hàng đó sẽ có được ưu thế trong các cuộc chạy đua giành lấy niềm tin khách hàng. Tại Việt Nam, các ngân hàng đã thể hiện rõ nhận thức đó. Khả năng nhạy bén trong việc tiếp cận với các công nghệ mới cũng đã dần được bộc lộ. Theo ông Đào Minh Tuấn ngày nay, hầu hết các ngân hàng đang tự động hoá các hoạt động tác nghiệp, sử dụng máy tính để tự động hoá các khâu xử lý nhằm tối ưu hoá hoạt động và hạn chế thủ công.

Một trong những sự kiện mang tính thời sự trong thời gian gần đây là sự kiện smarlink và banknet quyết định bắt tay nhau để “quy” ATM về một mối. Và dẫu rằng, trong quy trình thống nhất hệ thống ATM vẫn còn nhiều điểm đang được tranh cãi như quản lý liên thông thế nào, mức phí dịch vụ ra sao? Nhưng không thể phủ nhận khi mà hệ thống ATM được thống nhất, cả người dùng và các ngân hàng đều sẽ được hưởng lợi – đó là lợi ích mà chỉ có công nghệ mới có thể mang lại.

Ông Đỗ Cao Bảo, Tổng Giám đốc FPT IS cho rằng sự kiện 2 liên minh thẻ Banknet và Smartlink kết nối với nhau, như vậy 70% thẻ ATM hiện có tại Việt Nam có thể hoạt động liên thông với nhau. Khi đó, khách hàng của các ngân hàng này có thể rút tiền ở bất cứ ngân hàng nào trong hệ thống. Tuy nhiên, điều ông Bảo băn khoăn nhất không phải ở khía cạnh công nghệ. "Công nghệ tôi nói chuyện với mọi người trong vòng nửa tiếng người ta có thể kết nối được với nhau nhưng quan trọng nhất là các ngân hàng hợp tác với nhau như thế nào? Và chia sẻ các cái lợi nhuận như thế nào…" – Ông Đỗ Cao Bảo nói.

Ý kiến của ông Bảo rất đáng chú ý, rõ ràng trong hoạt động thanh toán thẻ, các ngân hàng phải đi vào chiều sâu hơn, không chỉ về công nghệ mà quan trọng nhất là quy trình, hợp tác, chia sẻ.

Liên minh thống nhất hệ thống thẻ ATM giữa smartlink và banknet đã cho thấy yếu tố công nghệ được ứng dụng trong thanh toán như thế nào. Nếu không có công nghệ, việc làm trên mãi mãi chỉ là những mong ước xa vời… Với HSBC, Đông Á Bank… các đơn vị này đã mạnh dạn đầu tư cho công nghệ để phát triển các cây ATM đặc biệt. Với những cây ATM hiện đại, khách hàng đã có thể gửi các khoản tiền lớn trực tiếp ngay tại các điểm rút tiền tự động mà không cần đến tận các nơi giao dịch thông thường.

Rất nhiều các ngân hàng đã thay đổi bộ mặt nhờ công nghệ. Nên nếu cho rằng: công nghệ là đòn bẩy để các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh quả không quá chút nào. Nhiều chuyên gia tin rằng, càng ngày, khi môi trường cạnh tranh càng khốc liệt thì yếu tố công nghệ chính là yếu tố quyết định để tạo ra sự khác biệt trong các ngân hàng.

Những xu hướng công nghệ ngân hàng mới

Sự kiện công nghệ nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng - Banking 2008 với chủ đề “Công nghệ Ngân hàng hiện đại - Nâng cao năng lực cạnh tranh Hệ thống ngân hàng Việt Nam trên đường hội nhập" đã tập trung nhấn mạnh tới việc ứng dụng công nghệ vào nhiều khía cạnh nghiệp vụ của ngân hàng như Quản lý, Dịch vụ khách hàng...

Banking 2008 cũng giới thiệu các chiến lược bảo mật và quản lý rủi ro, những mô hình ứng dụng và triển khai thành công nghệ bảo mật tiên tiến. Các vấn đề bảo mật khác như: Mã hoá dữ liệu, Bảo mật trung tâm dữ liệu, CNTT trong quản lý hoạt động bảo hiểm tiền gửi, Xây dựng cơ sở hạ tầng khoá công khai... cũng được đi sâu bàn bạc.

Rất nhiều xu hướng công nghệ mới, các sản phẩm công nghệ mới đã được xuất hiện tại Banking. Với Nortel là công nghệ siêu kết nối, với IBM là kiến trúc hướng dịch vụ SOA, với Amigo là iBoss…

Ông Rick Seeto, Phó Tổng giám đốc phụ trách Marketing– Nortel chia sẻ: "Công nghệ lần này chúng tôi muốn cung cấp là công nghệ siêu kết nối, liên quan đến các trung tâm hỗ trợ dịch vụ khách hàng(Contact Center). Những trung tâm này sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, không những khách hàng trong giai đoạn hiện nay mà còn trong tương lai nữa.

Theo ông Eu Jin Tan Giám đốc, Dịch vụ Tài Chính IBM Vietnam &Indochina, IBM muốn nhân dịp này để tập trung giới thiệu các công nghệ và kỹ năng đã được công nhận trong quá trình hiện đại hóa hệ thống core banking trên thế giới. IMB giới thiệu về công nghệ chuẩn mở như máy chủ System z, kiến trúc hướng dịch vụ SOA, ảo hóa, Web 2.0, các nền tảng trung gian và điện toán công nghệ cao. Core Banking và Quản trị hoạt động kinh doanh ngân hàng được nhìn nhận là một trong những xu thế phát triển chính của ngành ngân hàng trong năm 2008.

Tại Banking Vietnam 2008, các giải pháp dành cho các dịch vụ ngân hàng mới, xây dựng hệ thống thông tin, quản lý qui trình kinh doanh giúp tìm hiểu, khai thác dữ liệu khách hàng và nâng cao chất lượng phục vụ được quan tâm đặc biệt. Bởi trong giai đoạn hiện nay, có thể nói đa dạng hoá các kênh dịch vụ là những điều kiện tiên quyết cho năng lực cạnh tranh của các ngân hàng.

Trong lĩnh vực cũ nhưng không bao giờ "nguội" của các ngân hàng là lĩnh vực thanh toán, người ta kỳ vọng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, những câu hỏi hóc búa nhất sẽ được giải quyết. Làm thế nào để có thể thiết lập một liên minh hệ thống thanh toán giữa các ngân hàng? Làm thế nào để thúc đẩy sự kết nối giữa các ngân hàng với các thành phần kinh tế chủ chốt, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến Thương mại điện tử, Bán lẻ, Chứng khoán và Viễn thông? Làm thế nào để khắc phục được thách thức đặt ra do sự khác biệt về trình độ quản lý và ứng dụng công nghệ của các khối ngân hàng? Những đòi hỏi đó từ thực tế, với "chiếc chìa khóa" công nghệ, tất cả sẽ dần được hé mở.

Cuối cùng, ông Tạ Hoàng Linh Tổng giám đốc công ty tích hợp hệ thống CMC dự đoán một trong những xu hướng mới, quan trọng là sự kết hợp giữa ngân hàng với viễn thông.

Theo ông Linh, trước đây, viễn thông chỉ cung cấp các hạ tầng, truyền dẫn hạ tầng kết nối cho ngân hàng hoạt động nhưng giờ đây nó đã tham gia vào các hoạt động của ngân hàng. "Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này qua hình thức thanh toán qua mobile như: mobile Bankink, mobile payment, home banking…" – ông Linh cho biết. 
(Theo cuocsongso)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất