Chủ Nhật, 19/5/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 19/6/2018 15:21'(GMT+7)

Tập hợp sức mạnh và trí tuệ, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới

Đội ngũ trí thức “đông” nhưng chưa “mạnh”

Đánh giá tại Diễn đàn, các đại biểu nhìn nhận, 10 năm qua, trí thức Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng và đã thực sự hình thành một đội ngũ trí thức mới, đóng góp to lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với yêu cầu của thời kỳ mới. Vẫn tiếp diễn hiện tượng “chảy máu chất xám”, bất cập về cơ cấu độ ngũ trí thức về ngành nghề, độ tuổi, giới tính. Bộ phận tinh hoa, hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành thiếu, đội ngũ kế cận hẫng hụt, chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, hoạt động nghiên cứu khoa học thiếu gắn bó mật thiết và chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng, phong phú của sản xuất, kinh doanh, đời sống.
 

Các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 27. Nhiều nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hóa để đi vào cuộc sống. Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của các cấp ủy đảng, chính quyền còn chậm và có nhiều lúng túng; nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền chưa được chú ý đúng mức, hiệu quả còn thấp; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thật sự sâu sát, môi trường, điều kiện làm việc của trí thức còn khó khăn; chính sách đãi ngộ chưa thật sự tạo được động lực.

Chính sách thu hút trí thức có trình độ cao chưa thực sự hấp dẫn, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển đội ngũ trí thức trong doanh nghiệp, trí thức trẻ, trí thức Việt Nam ở nước ngoài… Công tác thu hút, tập hợp và định hướng hoạt động của các tổ chức trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; mô hình, phương thức hoạt động còn nhiều bất cập, chưa gắn với tình hình phát triển kinh tế-xã hội.
 
Đến năm 2017, ước tính cả nước có khoảng 6,5 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, tăng hơn 3,7 triệu người so với năm 2009 (năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 27). Theo kết quả này, đội ngũ trí thức Việt Nam tăng thêm khoảng 2,8 triệu người sau 9 năm so với 2,25 triệu người trong 10 năm trước khi ban hành Nghị quyết 27.
 
Có khoảng hơn 400.000 trí thức Việt kiều trên tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được thế giới đánh cao).


Khắc phục tình trạng “trên quyết” – “dưới quên”

Đại biểu từ một số địa phương nhận định, môi trường làm việc ở một số nơi chưa thật sự dân chủ, tự do sáng tạo. Một số địa phương chưa có kế hoạch cụ thể về rà soát, thống kê số lượng trí thức nên việc đánh giá hiệu quả thực hiện Nghị quyết 27 chưa thực sự toàn diện; hầu hết các địa phương chưa xây dựng được chiến lược phát triển trí thức đến năm 2020.
 

Một số các bộ, ngành, địa phương chưa cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước về cơ chế thông tin về xây dựng và phát triển các tổ chức hội của trí thức để tập hợp trí thức; chưa xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các hội trí thức thực hiện các dịch vụ công, cấp chứng chỉ hành nghề, giám sát các hoạt động nghề nghiệp, thực hiện tự chủ về tài chính; chưa xây dựng và thực hiện các quy định về chế độ sinh hoạt đảng, đoàn thể mang tính đặc thù trong các hội của trí thức; chưa xây dựng được kế hoạch phân luồng học sinh… Chưa xây dựng và thực hiện các quy định về giải thưởng cho các công trình nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học vào phát triển sản xuất và đời sống.

Theo ông Nguyễn Vi Khải, nguyên Viện trưởng Viện CNXHKH, cần rà soát lại các văn bản về trí thức, tránh tình trạng văn bản thì sáng, hay nhưng không thực hiện được như mục tiêu đề ra, tránh tình trạng trên nóng, dưới lạnh, trên quyết, dưới quên. Ông cũng cho rằng, môi trường dân chủ, đối thoại hợp tác cần phải được đẩy mạnh để phát huy tính chủ động sáng tạo của trí thức.

Nhiều đại biểu đề xuất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp  luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tổ chức nhiều diễn đàn để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam kiến nghị, Nghị quyết 27 là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công tác trí thức, có vị trí rất quan trọng, do vậy, đề nghị Bộ Chính trị chủ trì tổng kết 10 năm một cách toàn diện và có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn tới.

Các đại biểu nhất trí cao với những đề xuất giải pháp đưa ra tại diễn đàn. Đó là, các tổ chức hội trí thức cần chủ động nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng để đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp sức mạnh và trí tuệ của đội ngũ trí thức, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu tư vấn, phản biện và giám định xã hội; chủ động phát hiện, thu hút, tập hợp, trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp vào các tổ chức hội.
 


Đại biểu cũng cho rằng, việc xây dựng đội ngũ trí thức, củng cố tổ chức hội phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XII.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nội dung của Nghị quyết 27 phải gắn với Nghị quyết 20-NQ/TW về khoa học và công nghệ, Nghị quyết số 29-NQ/TW về giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 33 –NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, văn kiện Đại hội XII của Đảng. Việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức cần lồng ghép trong việc xây dựng các quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh.
 

GS.TS. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá cao những ý kiến phát biểu tại diễn đàn. Ông nhận định, Nghị quyết 27 góp phần thay đổi nhận thức của các cấp đối với Liên hiệp hội, đánh giá cao vai trò của trí thức, sau khi Nghị quyết ban hành đã có nhiều chính sách cụ thể hóa ở các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm phải trăn trở, giải quyết để tiếp tục thực hiện Nghị quyết, đó là: vấn đề thể chế hóa; quy định rõ về bộ máy tổ chức; công tác cán bộ; cơ chế tài chính; cơ chế phối hợp tốt giữa trí thức – Đảng – Nhà nước, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động phát triển đội ngũ trí thức…



 

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất