Thứ Sáu, 13/9/2024
Dân số và phát triển
Thứ Hai, 25/6/2018 17:0'(GMT+7)

1,7 triệu trẻ em Việt Nam lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trẻ em ngoài nhà trường có nguy cơ phải lao động sớm rất cao. Tình trạng nghèo đói làm hạn chế khả năng chi trả của gia đình cho các chi phí học tập của trẻ em và cũng là nguyên nhân khiến trẻ em phải lao động sớm.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn vận động chính sách và giải pháp phồng ngừa lao động trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 25/6 tại Hà Nội.

Theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (UNICEF), một nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế tìm hiểu về những đặc điểm kinh tế của trẻ em tham gia lao động ở Việt Nam đã phát hiện ra rằng trẻ em đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất của hộ gia đình do tình hình kinh tế khó khăn hoặc thiếu lực lượng lao động.

“Tại Việt Nam, những cú sốc, đặc biệt là mùa màng thất bát, tác động to lớn đến việc học hành của trẻ. Những hộ gia đình này cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, giảm thời gian học hành và tăng tỷ lệ trẻ em bỏ học để lao động,” bà Lê Hồng Loan nói.

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức nên có thể khó phát hiện. Phòng chống lao động trẻ em đòi hỏi cần có các chính sách đồng bộ để hỗ trợ pháp luật quốc gia về lao động trẻ em. Nền giáo dục với chất lượng tốt, bảo trợ xã hội và việc làm bền vững cho cha mẹ là các biện pháp để phòng ngừa lao động trẻ em.

Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi. Đặc biệt, lao động trẻ em tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, với khoảng 1,7 triệu trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam đã có các quy định của luật pháp và triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết, trong đó có mục tiêu 8.7 về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm nhất.

“Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chúng ta cần có sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hội nhập và tham gia các hiệp định thương mại tự do thì việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, trong đó có lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được được quan tâm hơn. Do đó, việc giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính trẻ em, gia đình, cộng đồng và người sử dụng lao động.

Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2012 đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ làm việc và điều kiện làm việc, quy định về lao động đối với người chưa thành niên. Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua tiếp tục có các quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em./.

Theo ước tính của ILO, trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu trẻ em độ tuổi từ 5-17 tuổi là lao động trẻ em. Lao động trẻ em vẫn tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (chiếm 70,9%). Gần 1/5 lao động trẻ em làm việc trong ngành dịch vụ (chiếm 17,1%), trong khi 11,9% lao động trẻ em làm việc trong ngành công nghiệp./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất