Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới 2017 với chủ đề "Trẻ em trong thế giới công nghệ số" của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, in-tơ-nét làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm sử dụng sai thông tin cá nhân, truy cập vào nội dung độc hại, bị bắt nạt trực tuyến. Các chuyên gia xã hội cho rằng, công nghệ số thay đổi đời sống và cơ hội sống của thế hệ trẻ nếu được tận dụng đúng cách. Công nghệ số có thể tạo nên sự thay đổi cho trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em sống ở các khu vực khó khăn và khó tiếp cận. Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ số dễ dàng khiến việc giám sát trẻ em bị hạn chế, đồng nghĩa sẽ đem lại nhiều rủi ro cho trẻ. Một cuộc thăm dò ý kiến toàn cầu với hơn 10.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 18 tại 25 quốc gia do UNICEF thực hiện vào năm 2016 cho thấy, 72% số thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi 15 đến 24 sử dụng in-tơ-nét, trong đó 74% số người được khảo sát cho rằng những người trẻ tuổi có nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến.
Việt Nam đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng thông qua việc ban hành và thực thi hệ thống pháp luật, chính sách. Thí dụ, Nghị định số 56/2017/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em có quy định khá rõ các quyền, biện pháp hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhưng hiện nay việc xử phạt vẫn chưa được thực hiện do thiếu hướng dẫn cụ thể. Nhiều phụ huynh chưa hướng dẫn và kiểm soát việc trẻ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, sử dụng in-tơ-nét hằng ngày. Thực tế ngày càng có nhiều trẻ em nghiện trò chơi điện tử, điện thoại thông minh, mạng xã hội.
Theo khuyến cáo của UNICEF, nhằm bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số, cần tạo điều kiện cho tất cả trẻ em truy cập vào nguồn tài nguyên trực tuyến chất lượng cao; bảo vệ trẻ em khỏi những tổn hại trực tuyến như lạm dụng, bóc lột, buôn người, bắt nạt trực tuyến và tiếp xúc với các tư liệu không phù hợp; bảo vệ sự riêng tư và danh tính của trẻ em. Trong đó, chú trọng dạy kỹ năng công nghệ số để trẻ có thông tin, được tham gia và an toàn trên mạng. Bên cạnh đó, bố mẹ có vai trò quan trọng trong sàng lọc, ngăn chặn và bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất trong không gian mạng cũng như các kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng. Ðiều đó sẽ góp phần giúp con em mình sử dụng thế giới số một cách thông minh, hiệu quả.
Một số chuyên gia đã nhấn mạnh bốn vai trò bảo vệ trẻ trong không gian ảo. Trong đó nhấn mạnh việc trang bị cho trẻ kiến thức: Không nói chuyện với người lạ trên in-tơ-nét; không nên cung cấp cho người khác thông tin cá nhân, gia đình, các địa chỉ, điện thoại, mối quan hệ, các hoạt động cá nhân. Ðối với phụ huynh, nên cài đặt "chế độ trẻ em" trên các thiết bị có truy cập in-tơ-nét; không nên chia sẻ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, tình trạng gia đình, con cái, họ tên, các địa chỉ, điện thoại, các mối quan hệ, hoàn cảnh... công khai trên mạng. Hỗ trợ, giám sát việc truy cập in-tơ-nét của con cái tránh khỏi các nguy hiểm do các tương tác trên môi trường mạng.
Ðối với các nhà cung cấp dịch vụ, cần đặt ra các tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em tốt hơn như xác minh độ tuổi truy cập vào các trang dịch vụ chỉ dành cho người lớn. Can thiệp kịp thời đối với các hoạt động khiêu dâm trẻ em trên mạng qua các dịch vụ phim, vi-đê-ô/hình ảnh trực tuyến. Ở cấp độ cao nhất, Nhà nước cần ban hành các hướng dẫn bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em một cách toàn diện hơn, không chỉ là bảo vệ trên mạng.
|