Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 26/8/2019 11:14'(GMT+7)

10 năm văn học trẻ Thủ đô

Tác giả trẻ đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.

Tác giả trẻ đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.

Tại Hà Nội vừa diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, đặt ra một số vấn đề cơ bản của văn học trẻ hôm nay, như: Các tác giả trẻ đang ở đâu, có đóng góp gì đáng kể? Hạn chế chủ yếu của người viết trẻ là gì?...

Ở bất cứ giai đoạn nào, sự xuất hiện của tác giả trẻ cũng góp phần tạo nên làn gió mới cho nền văn học nước nhà. Tại Hà Nội, mảnh đất tinh hoa hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa thì điều đó càng cần được quan tâm, định hướng.

10 năm qua, Hà Nội đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ, đóng góp vào đời sống văn chương Thủ đô qua dấu ấn tác phẩm. Họ gồm những người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội và cả ở những địa phương khác vì công việc, mưu sinh mà gắn bó với mảnh đất này. Có thể kể ra những cái tên thường xuất hiện tại các sự kiện hoặc có những tác phẩm xuất bản khá ấn tượng, như: Đỗ Doãn Phương, Bình Nguyên Trang, Phong Điệp, Di Li, Vi Thùy Linh, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Minh Cường…; và trẻ nhất là thế hệ 9X, như: Nguyễn Thị Kim Nhung, Ngô Gia Thiên An, Phạm Thu Hà…

Trong cuộc Tọa đàm, các nhà phê bình văn học nhận định, văn học trẻ Thủ đô 10 năm qua tạo được dấu ấn nhất định, một bộ phận người cầm bút sớm có ý thức trong sáng tạo nên tìm tòi phá cách, hướng tới chiều sâu, tạo hiện tượng trên văn đàn. Tuy nhiên, so với các thế hệ trước, phần lớn họ vẫn đang ở trong tình trạng xuất hiện ồn ào, nồng nhiệt, sau đó dễ bị lãng quên vì tác phẩm chưa chứa đựng chiều sâu tư tưởng, nghệ thuật, chưa phản ánh phong phú các vấn đề lớn của đời sống xã hội, đất nước, con người.

Cụ thể, ở lĩnh vực thơ, hằng năm đều có số lượng lớn tác phẩm được phát hành nhưng vẫn chưa có tác giả thật nổi bật; đề tài chủ yếu còn luẩn quẩn trong việc bộc lộ cảm xúc, góc nhìn cá nhân, phạm vi nhỏ hẹp.

Tương tự, lĩnh vực văn xuôi mặc dù có những giải thưởng song thiếu tác giả, tác phẩm ấn tượng, thuyết phục được giới chuyên môn, công chúng. Đặc biệt, hai lĩnh vực phê bình và văn học dịch gần như bị bỏ trống, nhạt nhòa.

Một số điểm còn hạn chế của người viết trẻ được chính họ thẳng thắn nhìn nhận tại Tọa đàm như: tác giả trẻ còn dễ dãi trong sáng tác, chạy theo yếu tố câu khách, cho ra đời tác phẩm kém chất lượng, ảo tưởng về giá trị. Ngoài ra, có tác giả tự cô lập mình, nhận thức lệch lạc về văn học, đời sống dẫn tới sự hoài nghi, bất mãn. Các nhà phê bình cho rằng, với văn học trẻ cần đánh giá bằng thái độ khách quan, bình tĩnh, công bằng nhằm tránh vội vàng lạc quan để rồi thất vọng hay xét nét, bi quan để rồi quay lưng với họ.

Văn học trẻ có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với nền văn học nước nhà, hầu hết tác giả trẻ đều bày tỏ mong muốn được các tổ chức xã hội quan tâm hơn nữa để có cơ hội tham gia nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy sáng tác.

Nhìn lại, các cuộc thi, trại viết mang tính chất đổi mới, phát hiện dành cho văn học trẻ đã được tổ chức nhưng còn ít ỏi; hội thảo, tọa đàm, đêm thơ nhạc, chương trình tham quan, thực tế… thỉnh thoảng xuất hiện nhưng chưa mạnh về tính tương tác, thực tế.

Ngoài các yếu tố khách quan, câu chuyện đổi mới, nâng cao chất lượng văn học trẻ còn đặt ra nhiệm vụ cho mỗi người viết chính là sự tự ý thức để bứt phá khỏi sự cũ kỹ, lười biếng, ảo tưởng.

Tọa đàm “Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây” đặt vấn đề khá trọng tâm, trực diện về những ưu điểm, nhược điểm của người viết trẻ, từ đó góp phần nhận diện vai trò, vị trí của họ trong nền văn học đương đại.

Hiện nay, môi trường hoạt động của văn học trẻ phân hóa khá đa dạng. Ngoài các tác giả hoạt động độc lập còn có nhiều hội, nhóm do những người viết tổ chức tự phát, số lượng đông đảo nhưng không chuyên nghiệp, chất lượng. Ngược lại, những cây bút đang là học sinh, sinh viên có tiềm năng tại các nhà trường ít nhiều đã bộc lộ năng lực, đam mê nhưng vẫn thiếu định hướng, hỗ trợ cần thiết.

Vì vậy, các cấp quản lý cần nắm bắt thực trạng, sâu sát hơn để đưa ra giải pháp hiệu quả, khuyến khích các tác giả trẻ hăng say sáng tạo.

10 năm qua, những đơn vị, tổ chức như Ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội đã có sự quan tâm nhất định tới đời sống văn học trẻ Thủ đô thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, sự kiện văn chương, giới thiệu tác phẩm dự giải thưởng, tác giả vào danh sách kết nạp hội viên…

Sắp tới, dự kiến Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội sẽ được tổ chức. Hy vọng hoạt động này sẽ góp phần khuyến khích lực lượng viết trẻ tích cực sáng tạo và những cái tên mới sẽ xuất hiện./.

Mai Lữ (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất