Xin giới thiệu cuộc trò chuyện của Tạp chí VNQĐ với nhà văn Hoàng Quốc Hải, GS. TS. Trần Đình Sử,
PGS. TS. Trương Đăng Dung về những vấn đề liên quan đến lịch sử, chân lí
lịch sử và văn học viết về lịch sử.
- Chúng ta sẽ nói về
văn học và lịch sử, văn học viết về lịch sử. Vấn đề đó ngay lập tức gợi
lên suy nghĩ gì đối với các vị khách mời trong cuộc trò chuyện ngày hôm
nay?
GS. TS. Trần Đình Sử: Ý nghĩ đến với tôi
lúc này là sự đa dạng của những lối viết - thể/loại viết về lịch sử.
Bên cạnh loại tiểu thuyết lịch sử “chính hiệu” như Bão táp triều Trần, Tám đời vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Sông Côn mùa lũ của
Nguyễn Mộng Giác… viết về các thời quá khứ còn có truyện ngụ ngôn lịch
sử như truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Hàng loạt tiểu thuyết lịch sử chỉ có
sự kiện lớn mà không có nhân vật lịch sử nổi tiếng như Ba người khác, Nỗi buồn chiến tranh, Thời của thánh thần… Có loại, nội dung tiểu thuyết lịch sử giấu trong một bố cục tiểu thuyết đời thường như Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Xác phàm
của Nguyễn Đình Tú… Một loại khác nữa là những tiểu thuyết lịch sử có
diễn ngôn khác với diễn ngôn chính thống, đó là tiểu thuyết tân lịch sử
chủ nghĩa.
GS. TS. Trần Đình Sử
PGS. TS. Trương Đăng Dung: Tôi nghĩ đến ưu
thế của tiểu thuyết lịch sử so với các loại hình nghệ thuật khác trên
cùng chủ đề. Tại sao các loại hình khác không có được vị trí như tiểu
thuyết lịch sử? Tôi lấy ví dụ như kịch lịch sử. Sự khác biệt lớn nhất là
hành động kịch chuyển động trước mắt tôi, còn bản thân tôi thì chuyển
động quanh tiểu thuyết trong khi tưởng như nó đứng im. Như vậy là tự do
của độc giả lớn hơn tự do của khán giả kịch. Tương tự với những hình
thức thể loại khác. Giới hạn của phương thức tiếp cận tạo ra giới hạn
của loại hình - thể loại.
- Hiện nay nhiều loại hình nghệ thuật
lấy lịch sử làm chất liệu, cảm hứng, đề tài… phục hoạt quá khứ trong cái
nhìn của hiện tại. Mối quan hệ giữa lịch sử và văn học viết về lịch sử
như thế nào, thưa nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung?
PGS. TS. Trương Đăng Dung:
Lịch sử văn học muốn trở thành “bản tường trình của những ấn tượng”
(Lukács). Công việc của nhà nghiên cứu lịch sử văn học, bề ngoài cũng
giống như của nhà sử học là phục chế lại quá khứ, gợi lại một thời đại
đã qua bằng các dữ liệu lịch sử. Tuy nhiên, hai công việc này khác nhau
về bản chất. Cái quá khứ như là dữ kiện lịch sử không thể làm lại đúng
như thực tế của nó, cho dù nhà sử học phân tích, hệ thống hóa các cứ
liệu một cách tỉ mỉ nhất. Trong công trình lịch sử của nhà sử học, sự
thật hay sự kiện lịch sử chỉ có thể “phục chế” lại, nỗ lực của nhà sử
học chỉ có làm cho cái một thời từng là sự thật trở nên có thể tin được
mà thôi. Đối tượng của sử học đã bị thời gian nuốt mất. Trong khi,
những tác phẩm văn học có thể hiện diện, trở thành đối tượng hiện hữu
của lịch sử văn học. Chính sự khác nhau này dẫn đến việc ứng xử với dữ
kiện lịch sử và dữ liệu văn chương khác nhau. Tác phẩm văn học là một
cấu trúc đang chờ được giải mã, cái cấu trúc ẩn chứa sự thông báo mà quá
trình khám phá ra nó thì nghĩa (cái được biểu đạt) và cái biểu đạt đều
phải được chú ý như nhau.
PGS. TS. Trương Đăng Dung
- Thưa quý vị, chúng ta sẽ trả lời thế nào trước chất vấn: “Nhà văn triệu hồi lịch sử để làm gì?”.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Tại sao nhà văn viết về lịch sử? Trước hết là do đòi hỏi của chính lịch
sử và cũng là đòi hỏi của công chúng đương đại. Nghĩa là cả quá khứ lẫn
hiện tại đều đòi hỏi hậu thế phải giải mã lịch sử. Vì rằng, những gì
được ghi chép trong chính sử, đôi khi chỉ là những kí hiệu của thông tin
chứ chưa hẳn là thông tin. Vì vậy cần có người giải mã. Thiên chức ấy
thuộc về các nhà văn. Vì vậy xuất hiện một lớp nhà văn viết về đề tài
lịch sử để đáp ứng yêu cầu của lịch sử và công chúng đương đại.
Việc
triệu hồi lịch sử là để đương đại (tức lớp hậu thế) đối thoại với các
bậc tiên hiền, các bậc anh hùng cái thế đã làm rạng vẻ giống nòi, ngõ
hầu học được gương sáng của tiền nhân. Nhưng đôi khi nhà văn do tâm trí u
mê lại triệu về lũ ma vương, ác quỷ như vua quỷ, vua lợn… tức là triệu
về những bóng ma lịch sử thì tác hại do văn chương đem lại cũng khôn
lường.
Triệu hồi lịch sử còn nhằm mục đích giúp công chúng và nhà cầm
quyền hiểu được lịch sử của dân tộc mình. Bởi lịch sử của bất cứ dân
tộc nào cũng vậy, nó không chỉ có vinh quang mà còn nếm trải biết bao
cay đắng. Nếu dân tộc nào biết rút ra từ lịch sử của mình những bài học,
thì dân tộc đó có trí khôn và sức mạnh gấp đôi. Nhưng tiếc thay, bài
học lịch sử lớn nhất của dân tộc lại là: người ta đã không biết rút ra
những bài học từ lịch sử.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
GS.TS Trần Đình Sử: Nhà
văn triệu hồi lịch sử để làm gì? Chúng ta hiểu rằng, tiểu thuyết cung
cấp một bức tranh có tính bách khoa về thời đại mà nhân vật lịch sử của
mình sống. Và vì thế bên cạnh nhân vật lịch sử, nhà văn buộc phải hư cấu
thêm nhiều nhân vật khác. Các tài liệu sử học mà nhà văn dựa vào thường
chỉ nêu các sự kiện chính và nhân vật chính. Bản thân sự kiện và nhân
vật trong sách sử cũng rất giản đơn, sơ lược, thiếu chi tiết, khi viết
buộc nhà văn phải tưởng tượng thêm thắt. Nhân vật lịch sử còn có anh em,
họ hàng, có vợ con, người hầu, có bạn bè, tình nhân, hàng xóm, những
điều mà các cuốn sử không mấy khi kể đến, mà có kể đến cũng thường không
có các chi tiết về khuôn mặt, giọng nói, tính nết. Không có chi tiết
thì không viết tiểu thuyết được. Như vậy, nhà tiểu thuyết lịch sử không
chỉ làm sống lại nhân vật và sự kiện lịch sử mà còn cho người đọc sống
lại không khí của quá khứ, qua đó, thể hiện những mối liên hệ từ quá khứ
đến hiện tại đang diễn ra.
- Lịch sử đã gửi vào tương lai những
bí ẩn, thậm chí oan khuất của mình, chờ đợi những bình minh của diễn
giải, hướng đến khả năng tiệm cận với chân lí. Văn học đã đến như một
khả năng ở hiện tại, nối kết vào lịch sử bằng đặc trưng nghệ thuật, đề
xuất một phiên bản lịch sử trong không gian thẩm mĩ. Phải chăng, lịch sử
cũng đòi hỏi được tái xuất, đòi trả lại cho mình xác thân từ quá khứ?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Bản thân lịch sử cũng đòi hỏi sự xuất hiện trở lại của mình bằng những
kí hiệu cần được giải mã. Nhà văn có lương tri phải đáp ứng các đòi hỏi
đó, nhưng không phải nhà văn nào cũng có khả năng đáp ứng. Hiện nay nước
ta có nhiều nhà văn viết về đề tài lịch sử. Đó là hiện tượng đáng mừng.
Tuy vậy, sự thành công không nhiều. Đó là điểm chung của các nhà văn
viết về đề tài lịch sử trên thế giới. Cho đến nay, những tác phẩm viết
về đề tài lịch sử của nhân loại vào hàng bất tử, có nhẽ không đủ đếm
trên đầu ngón tay. Vì vậy nhiều tín hiệu gửi đi từ quá khứ hiện vẫn còn
câm nín. Việt Nam không là ngoại lệ.
- Pierre Bourdieu (một học
giả người Pháp), trong cuốn “Quy tắc của nghệ thuật”, khi bàn về “Quyền
lực của việc viết” đã khẳng định quyền lực của nhà văn là vô hạn, viết
vượt qua mọi hình thức có tính thiết chế hóa. Tôi nghĩ rằng điều đó về
mặt lí thuyết là đúng. Không ai có thể dò xét hay cấm đoán trí tưởng và
công việc viết lách của nhà văn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là quyền lực ấy
được trao cho ai? Không phải ai cũng xứng đáng để nhận được thứ quyền
lực vô hạn ấy. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng nở rộ văn học viết về
lịch sử như hiện nay, buộc chúng ta phải xem xét đến gốc rễ vấn đề chính
là tiền đề xuất hiện của văn học viết về lịch sử như một hiện tượng văn
học, văn hóa và xã hội. Theo quý vị, tiền đề đó là gì?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Nhận định của học giả Pierre Bourdieu về “Quyền lực của người viết”, đó
là quyền tối thượng. Nhưng không phải bất cứ người viết nào cũng được
trao. Không phải bất cứ tác giả nào cũng giành được quyền thiêng liêng
đó. Về hiện tượng nở rộ các nhà văn viết về đề tài lịch sử hiện nay như
bạn hỏi, theo quan điểm triết học về “hạt nhân duy lí” thì những gì xuất
hiện hoặc tồn tại đều có nguyên nhân xã hội của nó. Việc này thì cả
Gustave Le Bon trước kia và Pierre Bourdieu sau này đã lí giải cặn kẽ.
Hơn nữa bản thân các nhà văn đều tự biết, bất tất phải lí giải thêm.
GS. TS. Trần Đình Sử:
Nhà sử học người Anh là D.M. Trevelliana xác nhận rằng, “nhà thơ Walter
Scott một mình đã hiểu được một cách chân thực lịch sử của con người
hơn tất cả mọi nhà sử học chuyên nghiệp cộng lại”. Nhà văn M. Gorki cũng
nói, “lịch sử đích thực của con người phải do nhà văn viết chứ không
phải do nhà sử học viết”. Các ý kiến đó đã cho thấy tầm quan trọng của
việc khắc hoạ con người đối với tiểu thuyết lịch sử. Có lẽ đó là lí do
văn học viết về lịch sử ra đời và phát triển như thế.
- Tôi nghĩ
rằng, ngoài tiền đề có tính thực tiễn như nhà văn Hoàng Quốc Hải vừa
nêu, hay những ưu trội về khả năng tiệm cận thực tại quá khứ như nhà
nghiên cứu Trần Đình Sử chỉ ra, văn học viết về lịch sử còn có tiền đề
triết học và mĩ học của nó. Được biết, vừa rồi nhà nghiên cứu Trương
Đăng Dung xuất bản cuốn chuyên luận “Phản ánh nghệ thuật trong mĩ học
Lukács Gyorgy”. Có thể nói, đây là cuốn chuyên luận đầu tiên ở Việt Nam
nghiên cứu một cách chuyên sâu về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật.
Thiết nghĩ, cuốn sách này có thể soi sáng các vấn đề của phản ánh nghệ
thuật nói chung và văn học viết về lịch sử nói riêng. Xin ông nói rõ hơn
về vấn đề này, bởi lẽ, điều chúng ta đang nói đến ở đây là nhà văn viết
về lịch sử như thế nào, chính là câu chuyện của phản ánh nghệ thuật -
một vấn đề cốt lõi của mĩ học.
PGS. TS. Trương Đăng Dung: Trong công trình Phản ánh nghệ thuật trong mĩ học Lukács Gyorgy
mới xuất bản của tôi, có một phần nghiên cứu các quan điểm của Lukács
về sự ra đời của tiểu thuyết lịch sử cổ điển, đặc trưng và triển vọng
của tiểu thuyết lịch sử. Đây là những đóng góp quan trọng của Lukács
trong việc lí giải vấn đề thể loại trên bình diện triết học và lí luận
phản ánh nghệ thuật. Trong công trình của mình, Lukács nhấn mạnh rằng,
tài năng của nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử thể hiện qua việc phản ánh
những nguyên nhân dẫn đến sự thật trong trái tim con người, những sự
thật mà các biến động của chúng đã bị giới sử học bỏ qua. Ông viết: “Các
nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn các nhân vật lịch
sử, vì các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống, còn
các cá nhân lịch sử thì đã sống”. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, “sự thể
hiện lịch sử không thể có được nếu không có mối liên hệ mang tính chất
ấn tượng gắn với hiện tại”. Ông cũng đặt ra câu hỏi rồi tự trả lời như
một khẳng định: “Có phải việc sao chép lại một cách tự nhiên ngôn ngữ,
tư duy và cảm xúc về đời sống quá khứ là trung thành với quá khứ? Tất
nhiên là không”.
- Rõ ràng ở đây vấn đề cốt yếu là ứng xử của nhà văn đối với lịch sử. Vậy, nhà văn phải ứng xử với lịch sử ra sao, thưa quý vị?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Trong tác phẩm văn học viết về lịch sử thì lịch sử chỉ là cái cớ để tác
giả gửi gắm tư tưởng của chính mình. Từ đó tác giả gửi đi những thông
điệp lịch sử. Lịch sử là chính sử, nhà văn không thể bỏ qua việc tham
bác chính sử, vì đó là hồn cốt của quá khứ. Nếu anh viết về lịch sử mà
không tham khảo lịch sử, không có cái căn cốt, chứng cứ về lịch sử thì
rất khó thuyết phục được người đọc. Nhà văn viết về lịch sử phải hiểu
lịch sử, nhưng đồng thời phải thoát ra khỏi lịch sử. Vì anh là nhà văn,
anh không phải người chép sử. Bản thân lịch sử, độ tin cậy đến đâu? Nhà
văn phải có tấm kính như là kính chiếu yêu để nhìn các sự kiện được sử
gia ghi chép, để xem đó có phải là sự thật lịch sử không. Nếu tin tưởng
hoàn toàn vào sử gia là anh tin tưởng một cách mù quáng, thà đừng đọc sử
còn hơn. Ví dụ, khi Lê Thánh Tông lên ngôi, làm lễ tế giao rất lớn, Ngô
Sĩ Liên đã chép mang tính phê phán, rằng làm như thế là quá sự cần
thiết. Về nguyên tắc, vua đương thời không được xem sử đương thời, nhưng
Lê Thánh Tông bằng quyền uy của mình đã ngang nhiên vào sử quán để đọc,
và chửi mắng Ngô Sĩ Liên thậm tệ. Từ đó suy ra, liệu Ngô Sĩ Liên có dám
viết một cách trung thực về vụ án Lệ Chi viên không? Đó chính là điều
ta phải cân nhắc về độ tin cậy đối với chính sử. Nhưng, cũng phải dè
chừng thái độ hoài nghi tất cả.
- Tôi nhớ hình như F. Nietzsche
đã từng nói đại ý rằng, quá khứ như cánh đồng lúa mì, còn lịch sử như là
chiếc bánh mì. Quan điểm này ám chỉ lịch sử như là sự chế biến. Lịch sử
cũng là một sự hư cấu, văn chương viết về lịch sử là sự hư cấu trên cái
nền của hư cấu. Quý vị nghĩ sao về vấn đề này?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nietzsche
coi quá khứ như cánh đồng lúa mì, có nghĩa là lịch sử ở thể chưa hoàn
thành. Còn khi nó trở thành chiếc bánh mì, tức là nó ở thể đã hoàn
thành. Điều đó không có nghĩa Nietzsche coi lịch sử là sự hư cấu. Nói
lịch sử là sự hư cấu là không có căn cứ. Nói lịch sử tiệm cận với sự
thật thì đúng hơn. Cái gì lịch sử ghi chép mà sai thì không phải hư cấu.
Thứ lịch sử được chép rất trịnh trọng nhưng sai sự thật là do dụng ý
của nhà cầm quyền, buộc các sử gia phải viết như thế. Đó gần như là sự
xuyên tạc sự thật chứ không phải hư cấu. Nhưng, nhà văn tinh ý phải nhìn
thấu qua đó để thấy sự thật. Nói tóm lại, lịch sử theo quan niệm của
chúng ta là sự tiệm cận với thực sử, không phải là hư cấu. Còn nhà văn
viết về lịch sử là hư cấu. Nhưng, phải hư cấu thế nào để người ta nhận
ra đây mới là sự thật lịch sử. Nhà văn phải giải mã lịch sử để tìm đến
chân lí. Nhà văn không phụ thuộc lịch sử. Nhưng, nếu không có cái cốt
của lịch sử thì làm sao anh giải mã được. Tôi viết Trắng án Nguyễn Thị Lộ nhằm giải mã câu chuyện lịch sử đó, nhằm tìm kiếm những gì sử gia không chép hoặc không được chép.
-
Một nhà văn đã đặt ra câu hỏi: “Ta sẽ nhìn vào đâu để sáng tác? Ta nhìn
vào mắt lịch sử để viết về sự ưu tư, nhẫn nại hay sự phẫn nộ, cùng quẫn
của nó? Nhìn vào trái tim lịch sử để viết về sự rực cháy hay độ băng
giá của nó? Ta nhìn vào bàn tay lịch sử để viết về những nâng đỡ nhân ái
hay về sự vằm xé bạo tàn? Nhìn vào bước chân của lịch sử để tiên đoán
số phận dân tộc hay để lường trước cho thân phận cá nhân của chính ta?”.
Vậy, thưa quý vị, nhà văn sẽ nhìn vào đâu để sáng tác?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nhà
văn có bản lĩnh, người ta sẽ nhìn thấy những vấn đề rất cần thiết của
quá khứ. Nghĩa là người ta nhìn thẳng vào trái tim và khối óc của lịch
sử, quá khứ, chứ không nhìn vào những hành vi vụn vặt. Có nhiều người
nhìn vào nhân vật lịch sử và lấy làm thích thú với những hành vi như đa
tình, hung bạo, nhỏ nhen… từ đó say sưa tưởng tượng, hư cấu và xem đó
như một phát hiện của mình. Nhưng như thế là những nhà văn quá thấp,
thấp hơn cả bàn chân của nhân vật lịch sử. Như thế làm sao nhìn được vào
trái tim và khối óc của lịch sử. Trái tim và khối óc của lịch sử phải
thông qua nhân vật lịch sử, nó không phải là cái hư không. Con người có
phần CON và phần NGƯỜI, chỉ thấy họ làm tình thế nào nghĩa là chỉ thấy
cái phần con mà không thấy phần người. Phần người mới là phần làm nên
lịch sử. Cái rung động của vĩ nhân cũng khác cái rung động của kẻ hạ
đẳng, họ chiêm ngưỡng cái đẹp chứ không chiếm đoạt cái đẹp. Có nhiều
tiểu thuyết chỉ phản ánh cái chất hạ đẳng của nhân vật lịch sử, không
thấy được cái chất lãng mạn anh hùng của nhân vật. Người ta không thấy
trái tim và khối óc của lịch sử mà chỉ thấy chuyện trong phòng the của
nhân vật. Cái ấy là tư duy thấp kém của nhà văn, lỗi ấy không thuộc về
lịch sử mà thuộc về nhà văn.
- Nhưng, có thể nhận ra rất rõ, sau
một thời gian dài chúng ta say sưa với những vấn đề vĩ mô, trọng đại,
những dấu ấn mang tính sử thi, hùng tráng, văn học sau giải phóng, đặc
biệt là sau Đổi mới có xu hướng lớn là quay về với con người đời tư, với
những diễn biến thuộc về thân phận cá nhân, những câu chuyện xoay quanh
đời sống hằng ngày… Vậy thì, việc phê phán cái nhìn vụn vặt, bản năng,
sinh học, phần khuất trái trong con người… có phải là một sự thiếu khách
quan, thiếu công bằng với tâm thế, xu hướng sáng tác chung của thời đại
không?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Viết như thế nào là quyền của nhà văn. Nhưng phải nhìn vào trái tim và
khối óc của lịch sử. Cái nhìn như anh nói là cái nhìn phiến diện, phi
bản chất, chỉ thấy tính CON không thấy tính NGƯỜI. Có thể lấy Trần Quốc
Tuấn làm ví dụ. Năm 18 tuổi, Quốc Tuấn yêu cô ruột của mình là công chúa
Thiên Thành. Đó là điều cả hoàng gia, hoàng tộc không ai ngờ tới. Khi
Thiên Thành sắp làm lễ kết tóc (lễ cưới) với Nhân Đạo vương, được Nhân
Đạo vương đón về vương phủ của mình, đang đêm Quốc Tuấn lẻn vào tư thông
với Thiên Thành và nhất quyết giành nàng về với mình. Nhà Nhân Đạo
vương ngậm ngùi chấp nhận. Quốc Tuấn thành thân với Thiên Thành và hai
người sống hạnh phúc trọn đời. Nếu xét trên khía cạnh đạo đức thì lịch
sử cũng như đương đại không thể bỏ qua. Nhưng nếu xét trong hoàn cảnh xã
hội cụ thể, ta thấy chàng trai mới lớn này yêu tha thiết một cô gái
thật đáng yêu trong hoàng tộc, dù người ấy là cô ruột thì cũng có sao.
Bởi trước đó ông chú của bố mình là Trần Thủ Độ cũng yêu chị họ của
mình, rồi bố mình cũng lấy con của cô ruột kia mà (Trần Liễu cha của
Trần Quốc Tuấn lấy công chúa Thuận Thiên là con của Lý Huệ Tông và Trần
Thị Dung. Trần Thị Dung là cô ruột của Trần Liễu…). Hôn nhân lộn xộn của
các bậc bề trên khiến Quốc Tuấn không phân biệt được đúng, sai. Vì vậy,
lịch sử có thể bỏ qua cho ông. Hơn nữa, các hành vi của Quốc Tuấn trong
suốt cả cuộc đời là vì nước vì dân. Chính sự nghiệp của ông đã cứu đất
nước mấy phen khỏi họa diệt vong do sự xâm lăng tàn bạo của đế quốc Mông
Cổ. Bởi vậy, lịch sử không bắt bẻ ông, mà còn tôn vinh ông là bậc
thánh. Nhà văn có tài năng và nhân cách, chọn điểm rơi của nhân vật,
thường là từ trái tim lên đỉnh đầu; còn với cây bút tầm thường, thường
nhặt điểm rơi từ cạp quần nhân vật trở xuống.
- Có ý kiến cho
rằng: Lịch sử “là thì tương lai của hiện tại, và là tương lai của mọi
tương lai khác”, quý vị nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Tôi không tán thành quan điểm này. Lịch sử là cái đã qua nhưng không
mất hút, không quyết định hiện tại và tương lai, nó ánh xạ lên hiện tại
và tương lai. Nó là bài học cho hiện tại và tương lai. Như phần trên tôi
đã nói, lịch sử chỉ ánh xạ tới hiện tại chứ không thể quyết định hiện
tại. Quyết định hiện tại là xã hội hiện tại, con người hiện tại tự quyết
định lấy vận mệnh của mình. Rồi từ đó, thành quả xấu, tốt của mình sẽ
ảnh hưởng đáng kể tới tương lai, nhưng không thể quyết định tương lai.
Tương lai thuộc về tương lai quyết định. Trong đó thân phận của nghệ
thuật hiện tại hoặc tương lai đều thuộc về xã hội mà người nghệ sĩ sinh
sống.
PGS. TS. Trương Đăng Dung: Đối tượng của lịch
sử, như tôi nói, đã bị thời gian nuốt chửng. Cái mà chúng ta gọi là lịch
sử chỉ là nỗ lực của nhà sử học mà thôi. Vì vậy, cách nói như trên chỉ
mang tính hình tượng, ám dụ về khả năng chi phối đến hiện tại và tương
lai của lịch sử cũng như sự ứng xử, thái độ của con người đối với lịch
sử. Lukács Gyorgy, trong nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử luôn nhấn
mạnh, lịch sử có mối liên hệ với điều gì đó ở hiện tại của con người.
Việc đánh thức quá khứ chính là đánh thức cái tiền sử của hiện tại. Văn
học là sự tự thể hiện của con người, do vậy khi nối kết vào lịch sử, văn
học viết về lịch sử đã phô bày chính câu chuyện của thực tại mà họ đang
sống.
- Lịch sử là cái đã qua, nhưng văn chương viết về lịch sử
luôn gắn với hiện tại, bởi người kể chuyện và người nghe chuyện đều là
người của hôm nay. Có cái gì đó trong lịch sử liên quan đến bản thân
người viết, đến cuộc sống, xã hội, bối cảnh của chủ thể ở thì hiện tại,
thậm chí tác động, chi phối đến những khả năng định hình trong tương
lai. Vậy thì, nói lịch sử là tương lai của hiện tại, tương lai của mọi
tương lai, có lẽ là cách nhấn mạnh đến từ trường của quá khứ, nhưng nó
cũng mở ra tính khả thể của những diễn giải về lịch sử. Trong quan sát
của tôi, hiện nay quan điểm tân lịch sử, lịch sử như là một diễn ngôn,
lịch sử mang tính cá nhân, lịch sử như một sự đề xuất mang tính khả
năng… đang hiện diện ngày một rõ nét trong tư duy học thuật - nghệ thuật
đương đại khi nghĩ và viết về lịch sử. Theo quý vị, tại sao lại có sự
xuất hiện của những quan điểm nghiên cứu và sáng tác như thế?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Các hiện tượng này, theo tôi, nó xuất hiện bởi con người đã mất đi niềm
tin vào lịch sử. Nhưng, đó là cách quan sát của người thiếu trí tuệ.
Lịch sử vẫn là lịch sử, nó có thế nào thì tồn tại thế đó, mọi sự bóp méo
hay xuyên tạc đều nhằm những mục đích nhất định. Không ai có thể chôn
vùi lịch sử, vấn đề là chúng ta có đủ trí tuệ, sự tỉnh táo để nhận diện
được lịch sử hay không.
GS. TS. Trần Đình Sử: Chủ
nghĩa lịch sử mới, bắt đầu xuất hiện từ những năm sáu mươi, bảy mươi,
thịnh hành vào những năm tám mươi của thế kỉ XX. Với quan điểm này, tính
khoa học của sử học bị chất vấn. Các nhà tân chủ nghĩa lịch sử nêu câu
hỏi: Phải chăng lịch sử là một ngành khoa học? Khi mỗi triều đại lên
chấp chính liền cho viết lại lịch sử và gọi đối thủ lịch sử của mình là
nguỵ triều. Tình trạng nhà Mạc, chúa Trịnh là như thế mà ngày nay sử học
đang mới khắc phục phần nào. Ngay lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ
nhất không hề chỉ ra được nguyên nhân, số thương vong, mỗi sách nói một
khác. Câu hỏi liệu lịch sử có thể tái hiện được toàn bộ quá khứ như nó
đã thực sự diễn ra không, đã được trả lời một cách đầy hoài nghi, bởi sự
thật lịch sử đã là quá khứ, không tồn tại, nó chỉ hiện diện trong văn
bản, do văn bản kiến tạo nên, mà ở đó diễn ngôn lịch sử bị ý thức hệ chi
phối. Rút cuộc lịch sử chỉ là diễn ngôn, là văn bản, ghi chép, trình
bày, diễn đạt các sự kiện đã xảy ra theo một quan điểm nào đó, chứ không
phải sự thật như nó vốn có.
- Càng ngày, con người càng nhận ra
quyền uy của ngôn ngữ, của chủ thể tính cũng như cái bóng to lớn của
tinh thần, tưởng tượng. Nói cách khác, không tồn tại một thực thể tĩnh
tại khách quan bên ngoài phạm vi triển hoạt của ngôn ngữ. Do đó, tưởng
tượng đóng vai trò như là thao tác đưa con người đến với thế giới. Mặc
dù, những lí giải và chứng minh của B. Anderson về “cộng đồng tưởng
tượng” gợi lên nhiều hứng khởi, nhưng trong các điều kiện cụ thể của chủ
thể, vấn đề giới hạn của tưởng tượng, hư cấu cũng cần phải được ý thức?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Ngôn ngữ, chức năng của nó là công cụ giao tiếp. Nhưng ngôn ngữ, một
khi được những tài năng lớn thổi hồn vào thì nó có sức mạnh siêu thần
nhập hóa. Tưởng tượng hoặc hư cấu đối với nhà văn là vô biên. Với hiện
thực hư ảo, thời gian và không gian không tuân theo quy luật tuyến tính
nữa, theo đó nhà văn tha hồ bay nhảy. Tuy nhiên, nhà văn phải nhận thức
đầy đủ về giới hạn của mình, tức các giá trị thiêng liêng của dân tộc và
nhân loại đều không được phép phỉ báng. Nói cụ thể, mọi sáng tác của
nhà văn dưới bất cứ hình thức nào, đều phải hướng về các giá trị cao cả.
Đó là Tổ quốc và Nhân dân.
PGS. TS. Trương Đăng Dung: Theo
Lukács, cảm thức lịch sử là yếu tố quan trọng làm xuất hiện tiểu thuyết
lịch sử. Con người ý thức được rằng lịch sử là cái tồn tại, là tiến
trình liên tục của những thay đổi và nó trực tiếp can thiệp vào cuộc đời
của từng con người. Nghĩa là các sự kiện lịch sử đã làm cho con người
cảm nhận được điều kiện lịch sử của tồn tại người, rằng có cái gì đó
liên quan đến số phận của con người. Như tôi đã nói, tài năng của nhà
văn là mang đến sự thật trong trái tim con người.
- Xin dành câu
hỏi cuối cùng cho nhà văn Hoàng Quốc Hải, người ta nói đến sự can đảm
của nhà văn khi viết về lịch sử, vậy phẩm tính can đảm chỉ cần trong khi
viết về lịch sử hay là phẩm tính phổ quát khi viết của nhà văn?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Văn
chương viết về lịch sử là cực khó. Để một tác phẩm đứng được, trước hết
nhà văn phải là nhà văn hóa, sau đó, nếu không là nhà tư tưởng thì ít
ra cũng phải có tư tưởng. Thời nào cũng sẽ có tài năng, nhưng có thể nó
chưa hiển lộ. Nhìn vào thực tại, với những mong mỏi ngày một cao hơn,
người ta có lẽ sẽ bi quan. Tri thức nhân loại cứ mười năm lại tăng gấp
đôi, nhà văn sẽ có điều kiện để tích lũy, học hỏi và đó là cơ hội để làm
xuất hiện những tài năng. Nhưng, điều quan trọng, theo tôi, để thành
công dù trong lĩnh vực sáng tác hay nghiên cứu, phê bình, anh vẫn phải
là người có Tâm, Trí và Dũng. Có tâm để biết được mình cầm bút hướng đến
giá trị gì, đem lại điều gì cho cộng đồng; có trí để hiểu và lí giải
được các vấn đề mà thực tại đặt ra; có dũng khí để dám nhìn thẳng vào
trái tim và khối óc của lịch sử, để rút ra bài học từ quá khứ và cất lời
về nó.
- Xin cảm ơn quý vị đã tham gia cuộc trò chuyện cùng chúng tôi!./.
VNQĐ
(Nguồn: vannghequandoi.com.vn)