Thứ Bảy, 30/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 20/12/2013 15:29'(GMT+7)

10 nghiên cứu khoa học của năm 2013


1. Tàu Voyager rời Thái dương hệ

Tháng 9 vừa qua, tàu vũ trụ Voyager 1 của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên rời Thái dương hệ của chúng ta và đi vào thế giới khác.


Con tàu được phóng lên vào năm 1977 với mục tiêu đi tới sao Mộc và sao Thổ, tới nay đã ở cách Mặt trời 19 tỷ km. Các nhà khoa học đã lắng nghe các rung động phát đi từ lớp plasma bao quanh Voyager - các âm thanh vọng lại từ không gian giữa các vì sao, sau khi lớp plasma này bị một cơn sóng Mặt trời lớn đập vào trong tháng 4. Các rung động cho phép các nhà khoa học tính toán độ dày của lớp plasma. Dựa vào sự khác biệt về giá trị độ dày này, họ kết luận rằng Voyager không còn ở trong Thái dương hệ nữa.

2. CO2 đạt đỉnh mới


Hồi tháng 5, mức độ khí CO2 ở bầu khí quyển của Trái đất đã chạm mốc kỷ lục, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 400 ppm. Con số này vượt xa so với mức tối đa 350 ppm mà một số nhà khoa học và các nhóm môi trường khẳng định là giới hạn CO2 tồn tại an toàn trong bầu khí quyển. Chỉ vài tháng sau đó, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thấy rằng ảnh hưởng của con người lên hệ thống khí hậu Trái đất đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Chúng ta hiện chắc chắn tới 95% rằng con người đã gây ra hiện tượng Trái đất ấm lên.


3. Nhân bản vô tính tế bào gốc của con người


Hồi tháng 5, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật nhân bản vô tính vốn dùng trong điều trị bệnh để lần đầu tiên tạo ra một tế bào gốc phôi của con người. Tiến trình liên quan gồm việc lấy phần nhân, vốn chứa vật liệu di truyền, từ một tế bào bình thường rồi chuyển nó vào một trứng chưa thụ tinh đã bị loại bỏ nhân.


Dù hướng nhân bản vô tính này từng được sử dụng trên loài chuột và khỉ, người ta chưa từng thành công khi thử nghiệm trên tế bào người. Phát hiện mới có thể mở ra hướng đi mới trong việc điều trị các căn bệnh nan y vô phương cứu chữa hiện nay. Tuy nhiên tiến trình nhân bản yêu cầu sử dụng trứng hiến tặng, vốn không dễ kiếm và có thể đặt ra các vấn đề về đạo đức.


4. Miếng thịt burger đắt nhất thế giới


Miếng thịt bò băm (burger) đầu tiên được nuôi trong phòng thí nghiệm đã được mang ra nấu và ăn trong một cuộc họp báo ở London, Anh, trong tháng 8 năm nay. Miếng thịt này là sản phẩm do các nhà khoa học tại Đại học Maastricht ở Hà Lan tạo ra, thông qua chương trình nghiên cứu do Google bỏ vốn.


Sử dụng tế bào gốc trích xuất từ 2 con bò, các nhà khoa học đã nuôi lớn các tế bào, biến chúng thành các sợi cơ. Các sợi cơ thu được sau đó được ép lại, trộn với vụn bánh mỳ, gia vị và màu thực phẩm để trở thành miếng thịt nhân tạo. Thứ người ta thu được là một miếng burger có giá siêu đắt, lên tới gần 500.000 USD, với hương vị "gần giống thịt", theo nhận xét của những người đã ăn thử.
Miếng burger đầu tiên làm từ thịt nhân tạo của thế giới
5. Tìm ra hướng chặn đứng HIV


Một đứa trẻ sinh ra với HIV và được điều trị ngay bằng hàng loạt thuốc kháng virus trong 18 tháng đầu đời được phát hiện không còn virus trong cơ thể, dù không tiếp tục sử dụng thuốc trong 12 tháng liên tiếp. Các kiểm tra tìm kháng thể HIV-1 đều cho kết quả âm tính.


Tuy nhiên các nhà khoa học hiện vẫn băn khoăn không biết đứa trẻ, được đặt cho biệt danh là "bé Mississippi" này, đã thực sự được chữa khỏi HIV hay chưa.


6. Tìm thấy dấu hiệu sự sống cổ xưa nhất


Các nhà khoa học làm việc ở khu vực Pilbara tại Tây Australia đã tìm thấy một hóa thạch cổ xưa nhất từ trước tới nay, được tạo thành từ một đám vi trùng đã sống cách đây 3,5 tỷ năm.


Hóa thạch của quần thể vi trùng này được các nhà khoa học từ Đại học Old Dominium của Australia tìm thấy trong một khối sa thạch. Kết quả kiểm tra cho thấy hóa thạch là dấu hiệu cổ xưa nhất về sự sống trên Trái đất.


7. Di hài đức vua nằm trong bãi đỗ xe


Hồi tháng 2 năm nay, các mẩu xương của vua Anh Richard III đã được phát hiện tại quanh một bãi đậu xe ở vùng Leicester của nước này, hơn 500 năm sau khi ông chết. Kết quả kiểm tra phóng xạ carbon, kiểm tra di truyền và phân tích xương đều xác nhận đó là di cốt của ông.


8. Phục sinh ếch tuyệt chủng


Tháng 3/2013, các nhà khoa học Australia thông báo họ đã thành công trong việc nuôi các tế bào gốc có chứa gene di truyền của một loài ếch đã tuyệt chủng. Thành tựu trên là bước đi đầu tiên trong dự án Lazarus, nhằm đưa loài ếch trên trở lại cuộc sống.


Loài ếch được phục sinh có tên khoa học là Rheobatrachus silus, có đặc tính kỳ lạ là chứa trứng trong dạ dày. Có nguồn gốc tại Queenland, chúng đã tuyệt chủng từ giữa những năm 1980.


Nghiên cứu đã được tạp chí Time đánh giá là một trong 25 nghiên cứu, phát minh hàng đầu của năm.


9. Thuốc mới chống cúm


Trong tháng 2, các nhà khoa học từ Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Thịnh vượng chung nói rằng họ đã tham gia thiết kế một loại thuốc chống cúm mới, có khả năng ngăn không cho nhiều loại cúm lây lan, gồm cả các loại kháng thuốc.


Để lây nhiễm vào tế bào của chúng ta, cúm thường bám vào các thành phần đường trên bề mặt tế bào và sau đó phải loại bỏ đường để lây lan. Thuốc mới hoạt động bằng cách cản trở không cho virus loại bỏ đường, qua đó ngăn không cho nó lây lan sang tế bào khỏe.


10. Tìm thấy núi lửa lớn nhất thế giới


Hồi tháng 9 năm nay, các nhà khoa học đã tìm thấy ngọn núi lửa lớn nhất Trái đất, nằm dưới Thái Bình Dương. Núi lửa mang tên Tamu Massif, bao gồm một vòm tròn lớn đơn lẻ có hình dáng giống cái khiên, được hình thành từ lớp nham thạch đông cứng lại sau đợt phun trào cách đây khoảng 144 triệu năm.


Núi lửa có bề rộng 650 km nhưng chỉ cao khoảng 4 km, diện tích khoảng 2,5 triệu km2. Tamu hoạt động mạnh cách đây khoảng 144 triệu năm, vào đầu Kỷ Phấn trắng.


Theo
Thể thao & Văn hóa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất