60 năm trước, ngày 2-12-1953, tại Tân Trào, địa danh lịch sử trong chiến khu Việt Bắc, một tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam mang tên gọi "Ban Nghiên cứu Lịch sử, Ðịa lý, Văn học" với 14 cán bộ, nhân viên do nhà sử học Trần Huy Liệu làm trưởng ban, được thành lập. Ðây là tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay.
Tròn 60 năm xây dựng và trưởng thành, hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 37 đơn vị trực thuộc bao gồm các tổ chức đầu ngành về nghiên cứu, đào tạo, bảo tàng và xuất bản với đội ngũ cán bộ nghiên cứu là 1.688 người, trong đó có 141 GS và PGS. Sản phẩm khoa học định kỳ có 13 tạp chí khoa học tiếng Anh và 33 tạp chí tiếng Việt - hệ thống lớn nhất và phong phú nhất các tạp chí khoa học xã hội ở nước ta, nhiều tạp chí được học giả quốc tế đánh giá cao. Về đào tạo, viện là địa chỉ đào tạo sau đại học có uy tín trong cả nước. Học viện Khoa học xã hội hiện nay đào tạo theo 64 ngành, trong đó có 34 ngành tiến sĩ với 1.240 nghiên cứu sinh.
Với 60 năm lao động và sáng tạo, đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã công bố hàng nghìn công trình khoa học, hàng chục nghìn bài báo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước và hơn bảy nghìn đầu sách. Các kết quả này đã được Ðảng, Nhà nước và xã hội tôn vinh, đánh giá cao, trong đó có 20 công trình và cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 24 công trình và cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước. Nhiều công trình khoa học khác tuy không nhận giải thưởng, nhưng cũng đã và đang tồn tại như là các nguồn tri thức căn bản, chỉ dẫn và định hướng các hoạt động kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề thực tiễn, thúc đẩy xã hội vận động theo chiều tốt đẹp, mở mang dân trí, làm phong phú đời sống tinh thần xã hội.
Từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, chính là bắt đầu từ khoa học xã hội mà đất nước đã chuyển đổi thành công từ cơ chế hành chính tập trung - bao cấp sang cơ chế thị trường và thị trường đã được nhìn nhận như một nhân tố mang tính cấu trúc bên trong nền kinh tế để xây dựng chủ nghĩa xã hội; từ một xã hội chỉ hội nhập kinh tế chuyển sang hội nhập quốc tế ngày càng đầy đủ, tích cực và chủ động; từ nghi ngại, kỳ thị với toàn cầu hóa, coi toàn cầu hóa chỉ là một thứ vũ khí của kẻ thù đến chấp nhận toàn cầu hóa như một thời cơ bên cạnh những thách thức, theo đó, hội nhập quốc tế là phương thức để phát triển, và trên tất cả, là thực hiện sự chuyển đổi từ một phương thức phát triển khép kín, rập khuôn và kém hiệu quả sang một phương thức phát triển mở, mới, năng động, tích cực và hiệu quả cao... Sự chuyển đổi này không bắt đầu từ gì khác ngoài khoa học xã hội.
Nhìn từ góc độ này, có thể khẳng định rằng, khoa học xã hội và nhân văn đang ngày càng được đánh giá đúng mức, có vai trò to lớn, mang ý nghĩa quyết định trong việc chuyển cả một xã hội sang những bước ngoặt phát triển có tính lịch sử.
Bắt đầu là từ sự "đổi mới tư duy" và tiếp sau đó là sự định hình dần thành hệ thống các quan niệm, quan điểm, các triết lý với những chỉ dẫn lý luận, phương pháp luận ở trình độ có sức mạnh cải tổ xã hội. Dân trí và văn hóa thật sự được mở mang theo một xu hướng tích cực, khẳng định các chân giá trị và theo đó hình thành nguồn lực mới, có tác động thúc đẩy quá trình đổi mới. Tất cả những gì được coi là giáo điều, bảo thủ, trì trệ trong hoạt động kinh tế, trong sinh hoạt tư tưởng - tinh thần, trong quản lý xã hội... đều được tư duy lại và được khắc phục một cách ý thức. Khoa học xã hội và nhân văn với tinh thần đổi mới, đã làm cho chính nó thoát xác khỏi những quan niệm giáo điều, thúc đẩy xã hội chuyển sang trạng thái phát triển năng động, tích cực, hiệu quả, lấy con người làm trung tâm...
Phương pháp luận về con người và văn hóa đối với sự phát triển xã hội được thay đổi tận gốc. Tính năng động và vai trò tích cực của nhân tố con người được đánh giá đúng mức và từng bước được phát huy nhằm tạo ra một trình độ mới cho sự phát triển xã hội. Vai trò của kinh tế tri thức, của khoa học, giáo dục trong phát triển kinh tế - xã hội... được chú ý xem xét với tinh thần và lợi thế của người đi sau nhằm đáp ứng những thách thức cũng như cơ hội của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Các quan niệm mới của giới học thuật thế giới đã được tiếp thu dù chưa thật sâu sắc, nhưng cũng đủ lĩnh hội về tinh thần cơ bản. Ðến nay, hầu hết các quan điểm có tính chất thời đại đều đã có mặt tại Việt Nam. Hầu hết các ấn phẩm nổi tiếng của khoa học xã hội đương đại đã được chú ý xuất bản rất kịp thời; một số tác phẩm được dịch và công bố gần như đồng thời với nguyên tác. Nhiều tên tuổi trước kia bị nhìn nhận chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác, nay từng bước đã được nhìn nhận lại.
Những kết quả này đã tác động tích cực và góp phần làm thay đổi con người và xã hội Việt Nam hiện đại. Ðây cũng chính là chức năng, sứ mệnh và diện mạo mới mà mấy chục năm nay Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thể hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế - hai thành tựu quan trọng đưa đất nước vượt qua mức khởi điểm của thu nhập trung bình; tạo đà, thế và lực mới cho công cuộc tiếp tục đổi mới và phát triển...
Tuy nhiên, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam nói chung và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng, không phải không còn những hạn chế, yếu kém. Hiện nay, viện vẫn chưa có nhiều tác phẩm khoa học và nhà khoa học tầm cỡ khu vực và thế giới; chưa có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín thế giới. Công tác đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đạt trình độ sau đại học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất cao của thực tiễn và của chính khoa học xã hội; khoảng cách so với các nền khoa học xã hội quốc tế tiên tiến vẫn chưa được rút ngắn.
Bước vào thế kỷ 21, khoa học xã hội với tính nhân văn vốn có của nó đã trở thành công cụ không thể thiếu của mọi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển. Thiếu khoa học xã hội và nhân văn, các đề án kinh tế - xã hội sẽ thiếu đi sự thẩm định, phản biện cần thiết về mặt xã hội và con người. Coi nhẹ sự thẩm định, phản biện của khoa học xã hội và nhân văn về các chính sách kinh tế - xã hội sẽ dễ rơi vào tình trạng chủ quan, thiếu luận cứ, có thể làm hạn chế tính khả thi và do vậy, có thể sẽ làm nảy sinh thêm các vấn đề xã hội.
Vững vàng về khoa học cơ bản; năng động và thực tiễn về khoa học triển khai; hiện đại và tiên tiến về công cụ và phương pháp để phát triển khoa học xã hội ngang tầm với trình độ khu vực và thế giới nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước là tâm nguyện của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 60 năm đã qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có đủ cơ sở để tự hào, hy vọng và tin tưởng rằng, với nền tảng là lịch sử hàng nghìn năm văn hóa, văn minh Việt Nam đậm đà bản sắc, với những thành tựu to lớn và quan trọng của sự nghiệp nghiên cứu khoa học mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã cống hiến cho Tổ quốc qua các cuộc kháng chiến trường kỳ cũng như qua các chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, chắc chắn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ ngày càng có nội lực mạnh mẽ hơn để đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
GS, TS NGUYỄN XUÂN THẮNG
Ủy viên T.Ư Ðảng,
Chủ tịch Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam
Theo Nhân Dân