Thứ Tư, 2/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 15/1/2011 15:25'(GMT+7)

10 sự kiện tiêu biểu ngành du lịch Việt Nam năm 2010

Năm 2010 Việt Nam đã đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế

Năm 2010 Việt Nam đã đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế

 

1. Đón 5 triệu khách du lịch quốc tế, 28 triệu khách du lịch nội địa, thu nhập ước đạt 96.000 tỷ đồng

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, năm 2010 là năm đầu tiên lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng tháng đều tăng cao nhất trong vòng 20 năm qua. Hết quý I/2010, khách quốc tế đã tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2009. Trong các quý II, III lượng khách đều tăng vượt trội. Ngay cả mùa hè là mùa thấp điểm của khách du lịch quốc tế nhưng sáu tháng đầu năm 2010 khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 32,6%. Chính sự tăng trưởng nhanh và đều đặn này nên ngành du lịch vượt kế hoạch đề ra, đạt 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 32% so với năm 2009, đạt doanh thu khoảng 96 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2009, ước đóng góp khoảng 4,5% GDP.

2. Các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2010)

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ một Công ty Du lịch với nhiệm vụ phục vụ các đoàn khách quốc tế của Đảng, Nhà nước cho đến khi được phê chuẩn thành Tổng cục Du lịch, ngành Du lịch Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, từng bước “Phát triển du lịch, một ngành kinh tế mũi nhọn” như mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã xác định.

Ngành Du lịch đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” cho những thành quả 50 hoạt động.

Ngành Du lịch đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” cho những thành quả 50 hoạt động.

Phát triển du lịch đã góp phần mở rộng giao lưu văn hóa, nâng cao đời sống dân trí, phát triển nhân tố con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội; Hoạt động du lịch còn góp phần khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đấy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với nước ngoài, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần vào chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Với những thành tựu trong 50 năm qua, ngành Du lịch đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” và nhiều danh hiệu cao quý khác.

3. Chương trình kích cầu du lịch “Việt Nam - Điểm đến của bạn”

Chương trình kích cầu du lịch 2010 mang tên “Việt Nam - điểm đến của bạn” do Tổng cục Du lịch Việt Nam phát động.

Chương trình kích cầu du lịch 2010 mang tên “Việt Nam - điểm đến của bạn” do Tổng cục Du lịch Việt Nam phát động.

Nhằm khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới cũng như các nỗ lực của ngành du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới, Ngành du lịch đã có những kế hoạch ứng phó kịp thời và nhanh chóng khi đưa ra được các chương trình kích cầu du lịch phù hợp, qua đó hạn chế sự giảm sút, tiến đến phục hồi đà tăng trưởng du lịch một cách ngoạn mục, như Chương trình Ấn tượng Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước trong năm 2009 và chương trình kích cầu du lịch “Việt Nam - Ðiểm đến của bạn” trong năm 2010 có sự phối hợp, ủng hộ của các ngành, các cấp.

4. Năm Du lịch quốc gia 2010 tại Hà nội

Năm Du lịch Quốc gia 2010 tại Hà Nội được đánh giá là thành công với nhiều hoạt động du lịch quy mô quốc tế như Liên hoan Ẩm thực Hà Thành, Liên hoan Du lịch Quốc tế Thăng Long – Hà Nội, Phiên họp liên uỷ Đông Á và Nam Á của Tổ chức Du lịch Thế giới…

Riêng du lịch Hà Nội cũng đạt được những bước tiến mới như khai thác các sản phẩm du lịch mới mang tính đặc thù như du lịch Phố cổ bằng xe điện,  du lịch võ thuật, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái Ba Vì… Hàng loạt di sản của Hà Nội được công nhận là di sản văn hoá thế giới như Bia đá tiến sỹ Văn Miếu, Hội Gióng, Hoàng thành Thăng Long cũng là những điều kiện thuận lợi để du lịch Hà Nội tạo sức bật lớn hơn trong tương lai.

5. Trình Thủ tướng Chính phủ “Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và các đề án phát triển Du lịch giai đoạn 2011-2020

Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030 được tập trung vào các vấn đề: Xây dựng sản phẩm du lịch, tuyên truyền quảng bá, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác và hội nhập quốc tế, phát triển tổ chức lãnh thổ về du lịch. Việc xây dựng chiến lược mới, ngành du lịch Việt Nam hy vọng tạo nên một bước đột phá trong thời gian tới.

6. Chiến dịch quảng bá xúc tiến Du lịch tại Trung Quốc, Đông Bắc Á, Tây Âu và Đông Nam Á

Giới thiệu du lịch Việt Nam tại Đức là hoạt động xúc tiến lớn nhất trong năm 2010 tại thị trường Tây Âu.

Giới thiệu du lịch Việt Nam tại Đức là hoạt động xúc tiến lớn nhất trong năm 2010 tại thị trường Tây Âu.

Thực tế cho thấy, quảng bá mạnh ở thị trường nào, khách ở thị trường đó tăng rất cao. Chiến dịch quảng bá xúc tiến Du lịch tại Trung Quốc, Đông Bắc Á, Tây Âu và Đông Nam Á đã hút được nhiều khách du lịch tới Việt Nam năm 2010. Điều này chứng minh rằng, chiến dịch quảng bá, xúc tiến của du lịch Việt Nam đã đi vào đúng trọng điểm cần xúc tiến, đạt hiệu quả thu hút khách.

7. Khai trương Kênh truyền hình Du lịch

Ngày 9.10.2010, đúng vào dịp đất nước ta đang long trọng cử hành Đại lễ Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi, Kênh truyền hình Du lịch chính thức hòa sóng trên hệ thống Truyền hình cáp thuộc Đài truyền hình Việt Nam.

Nhấn nút khai trương chính thức Kênh truyền hình Du lịch.
Nhấn nút khai trương chính thức Kênh truyền hình Du lịch.

Kênh truyền hình Du lịch là kênh chính thống, được xây dựng nhằm tuyên truyền, quảng bá về Du lịch Việt Nam. Nội dung kênh tập trung giới thiệu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Du lịch, tô đậm hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện và hấp dẫn, cung cấp thông tin và quảng bá sản phẩm du lịch.

8. Tổ chức Hội thảo quốc gia: “Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” và Hội thảo quốc tế: “Du lịch - Động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội” do Tổ chức Du lịch Thế giới tổ chức tại Việt Nam

Du lịch đã đóng vai trò to lớn trong tạo công ăn việc làm, đóng góp vào thu nhập quốc dân và là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, cần phải có biện pháp giải quyết những thách thức trong phát triển du lịch, các giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích phát triển kinh tế từ du lịch, tăng cường sự đóng góp tích cực của du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia và cả khu vực.

9. “Tour Du lịch quốc tế leo núi cắm cờ Thăng Long – Hà nội 1000 năm tuổi” trên đỉnh Fansipan năm 2010

Đây cũng là lần đầu tiên cờ Tổ quốc và cờ lễ hội cấp Quốc gia được cắm trên đỉnh núi Fansipan.

Đây cũng là lần đầu tiên cờ Tổ quốc và cờ lễ hội cấp Quốc gia được cắm trên đỉnh núi Fansipan.

Diễn ra từ 30.10-3.1.20101 tại tỉnh Lào Cai với sự tham gia của hơn 100 vận động viên đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trên địa bàn Hà Nội, 8 tỉnh Tây Bắc, Hiệp hội leo núi Côn Minh (Trung Quốc) và cơ quan du lịch Thái Lan. Hành trình khám phá Đỉnh núi Fansipan cao 3143m, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn là đỉnh núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất Đông Dương là sự kiện nhằm khơi dậy niềm tự hào của người dân Việt Nam và qua đó giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống lịch sử lâu đời, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.

10. Hội trợ triển lãm Quốc tế Du lịch (ITE) TP. Hồ Chí Minh 2010

Gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ.

Gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ.

Diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 30.9 đến 2.10.2010 với chủ đề “Campuchia, Lào, Việt Nam – Ba Quốc gia, Một Điểm đến” không chỉ nhằm tăng cường hợp tác phát triển du lịch của 3 quốc gia Việt Nam – Lào – Campuchia, khai thác tiềm năng, phát triển các thế mạnh sản phẩm du lịch của mỗi nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông, cũng như quảng bá giới thiệu điểm đến Việt Nam với các thị trường quốc tế trọng điểm, mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch trong khu vực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tiếp cận, trao đổi, hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài đến từ các thị trường khách trọng điểm và tiềm năng của khu vực./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất