Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 27/12/2009 17:44'(GMT+7)

10 sự kiện Việt Nam nổi bật năm 2009

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội lần thứ VII, MTTQ Việt Nam.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội lần thứ VII, MTTQ Việt Nam.

1. Chặn đà suy giảm kinh tế

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra ở nhiều khu vực trong nước, nhưng với các biện pháp điều hành năng động và linh hoạt của Chính phủ, Việt Nam chặn được sự giảm sút kinh tế; lấy lại đà phục hồi và phát triển kinh tế theo chiều hướng tích cực, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2009 ở mức 5,2%.

2. Hoàn tất quá trình phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc

Với việc ký kết các Văn kiện về phân giới cắm mốc, quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền, Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc 35 năm đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền, dài khoảng 1.400km. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, có giá trị mãi mãi cho hai quốc gia, hai dân tộc, tạo cơ sở cho việc xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài giữa hai nước.

3. Hoàn thành trọng trách Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an LHQ

Việt Nam hoàn thành tốt trọng trách Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ tháng 7 và tháng 10/2009, là một mốc quan trọng, có ý nghĩa trong tiến trình chủ động, hội nhập sâu rộng quốc tế của Việt Nam, đóng góp tích cực vào hoà bình, an ninh thế giới.

4. Đại hội lần thứ VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đây là Đại hội đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức tuần tự từ cấp cơ sở đến toàn quốc; thể hiện đường lối nhất quán của Đảng ta về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua việc phát huy vai trò tham gia giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Đại hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài hưởng ứng mạnh mẽ đợt thi đua đặc biệt, lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước năm 2010.

5. Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài

Với chủ đề "Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước", Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11/2009, có hơn 1.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Hội nghị là diễn đàn phát huy trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, khẳng định tinh thần hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc cùng hướng về cội nguồn, kề vai góp sức xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, giàu mạnh.

6. Cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ vốn ODA cao kỷ lục, hơn 8 tỷ USD

Các nhà tài trợ cho Việt Nam đã cam kết tăng nguồn vốn ODA cho Việt Nam năm 2010, cao nhất từ trước tới nay (hơn 8 tỷ USD). Trong đó, có 1,4 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại và khoảng 6,6 tỷ USD là nguồn vốn vay ưu đãi. Như vậy, trong lịch sử 16 năm Việt Nam tiếp nhận vốn ODA (kể từ năm 1993) với tổng số tiền khoảng hơn 55,5 tỷ USD, số vốn năm sau cao hơn năm trước, thể hiện rõ nét sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà tài trợ đối với đường lối, chính sách phát triển, nỗ lực đổi mới của Việt Nam, niềm tin lớn lao vào triển vọng phát triển đất nước và kinh tế của Việt Nam.

7. Khánh thành, đi vào vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất và đã sản xuất mẻ xăng dầu đầu tiên tại Việt Nam; Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã sản xuất thành công mẻ xăng, dầu đầu tiên, được chế biến từ nguồn dầu thô của đất nước; đánh dấu bước khởi đầu phát triển của ngành lọc hóa dầu Việt Nam.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, tổng công suất trên 4.000MW; tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khởi công vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.

Dự án Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, được xây dựng tại khu vực xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè; công suất lắp máy 1.200MW; tổng mức dự tính đầu tư 32.600 tỉ đồng. Nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016, hoàn thành công trình vào năm 2017.

8. Thể thao Việt Nam nâng tầm vị thế

Lần đầu tiên đăng cai một Đại hội thể thao lớn của châu lục - Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (Asian Indoor Games 3), Việt Nam đã để lại nhiếu dấu ấn tốt đẹp. Với 94 huy chương các loại, trong đó có 42 huy chương vàng (HCV) lần đầu tiên thể thao Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn sau Trung Quốc.

Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 25 (SEAGames 25) diễn ra tại Vientiane (Lào) cũng là một kỳ đại hội thành công với thể thao Việt Nam. Với 83 HCV, thể thao Việt Nam hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về số lượng cũng như thứ hạng. Việc chỉ thua Thái Lan có 3 HCV cũng khẳng định thể thao Việt Nam đã đạt những bước tiến bộ và hoàn toàn có thể cạnh tranh ngôi thứ trong tương lai không xa. Mặc dù thất bại trong trận chung kết, nhưng bóng đá nam và nhiều môn thể thao khác đã tạo tiền đề cho Thể thao Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

9. Quan họ và ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại

Vượt qua 111 hồ sơ của 34 quốc gia tham gia, quan họ và ca trù của Việt Nam là 1 trong số 12 hồ sơ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại trong năm 2009. Quan họ của Việt Nam được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hoá; đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hoá, bài bản, ngôn từ và cả về trang phục. Quan họ và ca trù được trao truyền từ nhiều thế hệ và trở thành bản sắc của địa phương hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, làm giàu thêm bức tranh văn hoá của Việt Nam và của nhân loại.

10. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp

Trong vòng hơn một tháng, ba cơn bão số 9, 10 và 11 liên tiếp đổ bộ vào nước ta, trong đó hai cơn bão số 9 và số 11 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người và của tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Cơn bão số 9 và số 11 làm chết và mất tích 298 người; thiệt hại về vật chất ước tính hơn 19.000 tỷ đồng.

Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt xuất huyết, dịch cúm gia cầm H5N1, đặc biệt là dịch cúm A/H1N1 đã lây lan ra cộng đồng, với trên 11.000 người bị nhiễm; trong đó có 51 trường hợp bị tử vong./.

(VOV)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất