"Cần thay cách thi đầu vào bậc phổ thông, bởi với cách đánh giá hiện nay chỉ mang tính thời điểm, học bao nhiêu năm cũng chỉ có thi học kỳ, tốt nghiệp, đại học, và ở đó xuất hiện độ may rủi rất lớn...", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho hay.
1. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, điều đầu tiên trong đổi mới là cần xác định nội dung triết lý giáo dục. PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Hiện nay xã hội đều học theo kiểu để lấy bằng cấp, điều này gây ra nhiều hệ lụy như: Dạy thêm, học thêm tràn lan. Lò luyện thi mọc như nấm, hoạt động ngay cả trong kỳ nghỉ hè. Thi đại học theo hình thức 3 chung: Chung đề, chung thời gian thi, chung kết quả. Những điều này gây nên hệ lụy là tốn kém quá nhiều tiền của.
Như vậy, cần đổi mới triết lý dạy học theo UNESCO. UNESCO đã đưa ra triết lý GD, đại ý gồm các nội dung: 1. Phải coi GD là một then chốt hàng đầu trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống xã hội. 2. Học, học mãi, học suốt đời. 3. GD có bốn cái trụ là: Học để biết - học để làm - học để chung sống - học để tồn tại. Triết lý GD được UNESCO công bố năm 1996 do 13 nhà cải cách GD được lựa chọn trên toàn thế giới cùng xây dựng, nêu ra “bốn cột trụ của GD đi vào thế kỷ 21.
Muốn đổi mới giáo dục thì trước hết phải đổi mới tư duy những người làm công tác quản lý hệ thống giáo dục. Đó là đổi mới quan niệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là công cụ, để học sinh ra đời có thể học tiếp.
2. Cần thống nhất việc quản lý giáo dục và đào tạo về một Bộ, bằng cách chuyển Tổng cục dạy nghề của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cần thống nhất các hệ đào tạo tại trung học, cao đẳng, đại học, bởi ở hệ cao đẳng chúng ta cũng có đủ loại, từ cao đẳng nghề (do Bộ Lao động quản lý) tới cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục quản lý. Điều bất hợp lý là tại sao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng giành đào tạo? Tại sao không dùng một hệ thống cao đẳng thôi?
3. Cần thay đổi hệ thống giáo dục đào tạo 12 năm học phổ thông rút ngắn chỉ còn 11 năm. Nếu làm được điều này, PGS Trần Xuân Nhĩ ước tính sẽ tiết kiệm 10.000 tỷ đồng. Khi cấp 3 rút đi một năm, một triệu học sinh bớt được một năm học là đã tiết kiệm cho xã hội 1 triệu năm. Mỗi em một năm ăn tiêu hết 10 triệu đồng, khi rút một năm sẽ tiết kiệm cho xã hội một số tiền không nhỏ trong lúc đất nước còn khó khăn.
Hơn nữa, khi giáo dục phổ thông còn 11 năm sẽ giải quyết được một số vấn đề như quá tải, tạo điều kiện cho học sinh học 2 buổi một ngày. Số lượng giáo viên và cơ sở vật chất vốn dành cho học sinh của ba năm cấp 3, nay chỉ còn 2 năm sẽ cho kết quả tốt hơn.
Cấp 3 cũng nên phân loại thành ba trường: Đào tạo học sinh giỏi vào đại học, đào tạo nghề tương đối phức tạp và đào tạo nghề đơn giản. Học sinh ở mỗi nơi hoàn toàn có cơ chế chuyển hóa linh hoạt, và việc đánh giá được thực hiện trong cả quá trình học tập và rèn luyện.
Hệ đại học cũng không nhất thiết phải 4 năm, kiến thức nào không cần thì bỏ, và học tín chỉ cho phép học sinh học số năm kết thúc như mong muốn. Như vậy, nếu làm tốt thì đại học chỉ cần 3 năm, phổ thông rút một năm, học sinh có thể tốt nghiệp đại học năm 20 tuổi.
4. Cần thay cách thi đầu vào bậc phổ thông, bởi với cách đánh giá hiện nay chỉ mang tính thời điểm, học bao nhiêu năm cũng chỉ có thi học kỳ, tốt nghiệp, đại học, và ở đó xuất hiện độ may rủi rất lớn. Nếu đánh giá thường xuyên thì học sinh sẽ học thường xuyên tạo nên kết quả thực chất, thúc đẩy người học hơn.
5. Cần thay đổi cách tuyển sinh vào cao đẳng, đại học hiện nay theo hướng mở rộng đầu vào. Cụ thể là ngay từ khi còn học cấp III đã nên hướng nghiệp cho học sinh được vào các trường đại học. Sau đó cần chú trọng sàng lọc quá trình đào tạo, giám sát chặt chẽ đầu ra. Tất cả những điều trên nhằm mục đích tạo nên sản phẩm đầu ra cho xã hội là những người có thể làm nghề, mà không tốn kém chi phí.
7. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, phương pháp giảng dạy hiện giờ đang quá lạc hậu, cần thay đổi. Cần bỏ cách dạy thụ động sang chủ động, ví dụ đơn giản như đừng dạy học sinh “this is” mà hãy hỏi học sinh “what is” để khơi gợi trí thông minh, tưởng tượng của các em.
8. Về nội dung SGK không nhất thiết phải viết lại từ đầu, điều này gây lãng phí tiền của rất nhiều cho xã hội. Từ đổi mới hệ thống giáo dục, nội dung các môn học cũng phải thay đổi, cái gì cần thì dạy, thiếu thì bổ sung, thừa thì loại bỏ, từ đó sách giáo khoa cũng cần viết lại cho phù hợp hơn.
Cần tích hợp các loại sách cấp 1 và cấp 2. Môn học ngoại ngữ phải được dạy từ mẫu giáo trở đi. Chúng ta không nên bảo thủ phải dạy tiếng Anh cho trẻ từ lớp 3 bởi trí óc của trẻ phát triển, tiếp thu rất sớm. Độ tuổi vàng để tiếp thu kiến thức là từ 0 đến 6 tuổi, đặc biệt là 0 đến 3, vậy tại sao phải áp đặt dạy ở lớp 3?
9. Nên tăng thu nhập và tôn vinh giáo viên sao cho lương giáo viên bằng lương quân đội và cộng theo phần mềm (đây là phần quá tiêu chuẩn được quy định), như vậy lương giáo viên sẽ được tăng ít nhất là gấp đôi hiện nay. Cần phải có phụ cấp thâm niên cho khu vực khó khăn, lớp đông học sinh quá tiêu chuẩn, giáo viên phấn đấu học ngoại ngữ, tin học… Cần chú trọng tôn vinh giáo viên, danh hiệu nhà giáo cho những người đã nghỉ hưu xứng đáng nhưng chưa kịp xét duyệt.
10. Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập theo nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam IX. Có ngân sách cho giáo dục ngoài nhà trường là 6%. Đẩy mạnh phương thức học tập từ xa, học suốt đời./.
Theo GDVN