Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 30/11/2012 9:25'(GMT+7)

Đổi mới phương pháp giáo dục hiệu quả từ thiết bị dạy học tự làm

Thiết bị dạy học có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, giúp học sinh chủ động tìm tòi và lĩnh hội kiến thức một cách nhanh và dễ hiểu nhất từ mỗi bài học.

Nam Định là một trong 5 tỉnh, thành của cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thực hiện thí điểm “Đề án phát triển thiết bị dạy học tự làm giai đoạn 2010 - 2015”; đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Nam Định đã sớm xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hội thi thiết bị giáo dục tự làm từ cấp huyện đến cấp tỉnh; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cơ sở phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học để đưa vào ứng dụng trong quá trình cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Nhiều sản phẩm thiết bị dạy học được làm từ những nguyên liệu tận dụng, dễ tìm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như gỗ vụn, vỏ lon, ống nhựa, bóng đèn cháy, tre, đá, linh kiện máy vi tính hỏng, chai thủy tinh... an toàn và mang nhiều tính thực tiễn. Một số đồ dùng, đồ chơi dành cho học sinh cấp mầm non và tiểu học có sự đầu tư cao hơn về hình thức, sản phẩm bền, đẹp, được các giáo viên thiết kế phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của các em, có tác dụng rèn luyện kĩ năng hiệu quả như cây thông đa năng của nhóm cô giáo Trường Mầm non Mỹ Hà (Mỹ Lộc), bộ tranh vải của cô giáo Đặng Thị Hường, Trường Mầm non Giao Phong (Giao Thủy)… Được đánh giá cao trong Hội thi thiết bị dạy học tự làm tỉnh Nam Định lần thứ I còn có nhiều thiết bị của các thầy, cô giáo cấp THCS và THPT như Dụng cụ vẽ hình elip của thầy giáo Trần Gia Khánh (trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Vụ Bản); mô hình hệ tuần hoàn máu của thày giáo Phạm Minh Quyết (Trung tâm GDTX, huyện Trực Ninh)...

Các thiết bị dạy học tự làm đều đảm bảo được ba yếu tố: tính sáng tạo khoa học, tính thẩm mỹ sư phạm và tính kinh tế; góp phần định hướng cho giáo viên truyền thụ kiến thức nghiêng về thực hành, nâng cao hiệu quả dạy và học, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều. Đây là một trong những cách đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng toàn diện giúp học sinh tiếp thu bài học nhanh chóng và dễ dàng hơn. Sự phong phú, đa dạng về các dụng cụ dạy và học với tính thực tiễn ứng dụng cao đã phần nào khẳng định hiệu quả của cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo, là một tấm gương tự học và sáng tạo”, phong trào viết sáng kiến, kinh nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác giảng dạy của ngành giáo dục Nam Định./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất