Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 11/3/2009 16:25'(GMT+7)

100% lực lượng ở nông thôn phải được đào tạo

Đề án khuyến nông – khuyến lâm – khuyến ngư giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn 2020 (gọi tắt là Đề án khuyến nông) do Bộ NNPTNT chủ trì xây dựng có mục đích góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn …

Đề án mục tiêu đến năm 2015, 100% cán bộ khuyến nông các cấp được huấn luyện về nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành; năm 2020, 100% số xã, phường có sản xuất nông nghiệp được tiếp cận và khai thác hiệu quả các kênh thông tin khuyến nông.

Đề án nêu rõ, nông dân phải là trung tâm của hoạt động khuyến nông, vì vậy từ việc bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo cho người nông dân về kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế trong nông nghiệp, thủy sản, thông tin tuyên truyền đến xây dựng mô hình khuyến nông… phải giúp người nông dân có đủ khả năng và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học nông nghiệp vào sản xuất, đồng thời chủ động trong quản lý và xuất nông phẩm với quy mô vừa, lớn và hiện đại.

Đóng góp ý kiến cho Đề án, hầu hết đại diện lãnh đạo các Bộ đều cho rằng, đối tượng của Đề án nên mở rộng, gồm tất cả những người làm nông nghiệp, trong đó lấy công tác đào tạo là trọng điểm.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu đề xuất, ngoài đào tạo cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu về khuyến nông – khuyến lâm – khuyến ngư như về giá cả thị trường, xu hướng phát triển ngành nghề, mô hình làm nông nghiệp… trong đó thông tin phải có tính chất định hướng cho người nông dân.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong thời gian tới, nhất là tiến đến năm 2020, cơ cấu, mô hình nông nghiệp nông thôn sẽ có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại hóa, sẽ phát triển nhiều mô hình như hợp tác xã, doanh nghiệp làm nông nghiệp… thay thế cho các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay. Do đó cần phải dự báo chính xác thông tin, xu hướng phát triển, có các hình thức khuyến nông phù hợp.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh đề nghị, công tác khuyến nông – khuyến lâm – khuyến ngư cần phải được xã hội hóa, khuyến khích người nông dân làm dịch vụ nông nghiệp.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, 100% lực lượng ở nông thôn đều phải được đào tạo để người nông dân có điều kiện nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, biết quản lý kinh tế trong nông nghiệp nông thôn... Có đào tạo là có tất cả, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, cần phải xác định rõ ngành nghề đào tạo, phương pháp đào tạo, lực lượng đào tạo để từ đó tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Đề án. Hướng đến trọng tâm là nông nghiệp, nông dân, địa bàn nông thôn với các nghề nghiệp chính là trồng trọt, chăn nuôi, ngư nghiệp, lâm nghiệp, muối… kể cả các hình thức chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Yêu cầu Đề án phải đánh giá được tình hình của công tác khuyến nông trong thời gian qua từ đó, có mục tiêu, giải pháp cụ thể Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng giao Bộ NNPTNT tiếp tục hoàn thiện Đề án.

Kiều Liên (Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất