Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 11/3/2009 10:31'(GMT+7)

Việt nam xếp thứ 89/133 về mức độ cạnh tranh du lịch

Tuy đã tăng hạng so với báo cáo năm trước (96/130) nhưng trong khu vực ĐNA, Việt Nam vẫn không tạo được bước đột phá về tính cạnh tranh. Quốc gia ĐNA duy nhất Việt Nam được xếp trên trong BXH mức độ cạnh tranh du lịch của WEF là Campuchia (chỉ có 8 quốc gia ĐNA được khảo sát).

Bản báo cáo được thực hiện bởi hai chuyên gia phân tích kinh tế Jennifer Blanke và Thea Chiesa. Theo báo cáo, trong năm 2008, thu nhập từ ngành du lịch Việt Nam ước tính đạt 3,521 tỷ USD, chiếm 4,3% tổng GDP. Hai chuyên gia cũng đưa ra con số dự đoán tăng trưởng thu nhập hàng năm của du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2009- 2018 là 6,2%. Công nghiệp không khói của Việt Nam cũng thu hút 1,5 triệu người lao động, chiếm 3,3% tổng số người lao động trên cả nước, và dự đoán giai đoạn 2009- 2018, nhân lực du lịch tăng hàng năm là 1,6%.

Bản báo cáo về mức độ cạnh tranh du lịch 2009 có chủ đề "Quản lý trong tình hình rối ren", phản ánh những khó khăn mà ngành công nghiệp không khói đang đối mặt và phải vượt qua để đảm bảo tăng trưởng mạnh. Theo thang điểm của WEF, mức độ cạnh tranh du lịch của Việt Nam đạt 3,7 điểm. Đứng đầu BXH của WEF là Thuỵ Sỹ với 5,68 điểm, tiếp theo là Áo (5,46 điểm), Đức (5,41), Pháp (5,34), Canada (5,32), Tây Ban Nha (5,29), Thuỵ Điển (5,28), Mỹ (5,28), Úc (5,24), Singapore (5,24)...

Xếp hạng của WEF dựa trên chỉ số cạnh tranh du lịch (TTCI), trong đó đo lường 14 vấn đề "trụ cột" trong hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch, như các quy luật và luật lệ về việc kinh doanh du lịch, sự bền vững môi trường, mức độ an toàn và an ninh, CSHT du lịch, mức độ cạnh tranh về giá cả, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa...

Trong các chỉ tiêu này, thế mạnh của Việt Nam tập trung nhiều nhất ở mức độ cạnh tranh về giá, trong đó chỉ số sức mua tương đương của Việt Nam đứng thứ 5, cho thấy hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam rẻ hơn so với nhiều nước trên thế giới. Việt Nam cũng được đánh giá có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên. Ở "trụ cột" này, Việt Nam xếp thứ 23 thế giới về số lượng cảnh quan thiên nhiên được Unesco công nhận là di sản thế giới và đứng thứ 21 thế giới về tổng số sinh vật được khoa học biết đến. Tuy nhiên, cũng ở chỉ tiêu này, Việt Nam chỉ được xếp thứ 122/133 về chất lượng môi trường tự nhiên, cho thấy các quy định bảo vệ môi trường ở Việt Nam cần chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, các yếu tố khác phục vụ việc khai thác và bảo tồn những thế mạnh này lại không tương xứng. Các tiêu chí về CSHT giao thông và CSHT du lịch của Việt Nam đều có thứ hạng rất thấp. Chất lượng đường sá của Việt Nam xếp thứ 102/133, kém Singapore 99 bậc và Thái Lan 70 bậc. Trong đó, chất lượng CSHT đường sắt xếp thứ 66, cầu cảng xếp thứ 112, hàng không xếp thứ 92, kém Singapore 91 bậc và Thái Lan 64 bậc. Đáng chú ý, mức độ rủi ro trong giao thông của Việt Nam được WEF xếp ở vị trí 116.

(Theo thethaovietnam)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất