Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 14/7/2013 18:3'(GMT+7)

150.000 cựu TNXP chưa được hưởng chế độ chính sách

Cựu thanh niên xung phong trong một lần hành trình về nguồn (Ảnh: Trường Phong/PLVN)

Cựu thanh niên xung phong trong một lần hành trình về nguồn (Ảnh: Trường Phong/PLVN)

Những năm qua, nhiều chính sách ưu đãi theo tinh thần Quyết định 104, Quyết định 290, Quyết định 40 và mới đây là Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ đã phần nào tri ân những đóng góp của thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên việc triển khai còn chậm, thủ tục còn rườm rà khiến nhiều cựu thanh niên xung phong vẫn chưa được giải quyết chế độ thỏa đáng. Trong khi, hầu hết cựu thanh niên xung phong tuổi đã cao, nhiều người vẫn sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, do vậy, đẩy nhanh việc thực hiện những chính sách cho cựu thanh niên xung phong là rất cần thiết. 

Theo thống kê của Trung ương Hội cựu thanh niên xung phong, hiện nay, cả nước còn 150.000 cựu thanh niên xung phong chưa được hưởng chế độ chính sách, chiếm trên 50% tổng số cựu thanh niên xung phong. Trong đó, còn hàng ngàn gia đình liệt sỹ, hàng vạn thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc hóa học, phụ nữ cô đơn già yếu… Nhiều người không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế, không được trợ cấp mai táng phí khi qua đời. Nhiều trường hợp cựu thanh niên xung phong nhiễm chất độc, di hại cho đến đời con, đời cháu mà vẫn chưa được giải quyết chế độ trợ cấp.

Bà Ngô Thị Lan, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong phường Ngọc Hà, Hà Nội cho biết: chỉ tính riêng một hội cơ sở như Hội thanh niên xung phong phường Ngọc Hà với 98 hội viên, trong đó đã có 41 hội viên không có chế độ chính sách gì. Trong đó, chủ yếu là những thanh niên xung phong phục vụ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hội cũng vận động các hội viên gây quỹ giúp đỡ, thăm hỏi và giúp đỡ nhiều cựu thanh niên xung phong, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đây chỉ là nỗ lực của cá nhân mỗi thanh niên xung phong vì nghĩa tình đồng đội, điều quan trọng là cần sớm giải quyết chế độ ưu đãi đã được Nhà nước quy định.

Bà Ngô Thị Lan cho biết thêm: “Phường Ngọc Hà khó khăn là một số đồng chí từ một số nơi đến, như Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa.. phải về địa phương để làm làm chứng nhận là làm thanh niên xung phong ngày đó, nhưng thanh niên xung phong đa số là lớn tuổi nên đi lại rất  khó khăn. Vướng mắc về chính sách, nhất là có những đồng chí theo Quyết định 40, đã hoành thành hồ sơ hiện đang trông chờ Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ giải quyết. Nếu khó khăn quá thì Hội vẫn giúp đỡ theo nghĩa tình đồng đội. hoặc cả tổ dân phố sẽ hỗ trợ về kinh tế. Ngoài ra, hiện nay kỷ niệm chương vẫn chưa làm vì nhiều hội viên cũng muốn để chứng minh mình là thanh niên xung phong hoạt động thời kỳ đó”.

Ông Phan Bảo Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Vĩnh Phong, huyện Phúc Thọ, Hà Nội luôn trăn trở khi các văn bản quy định về chế độ ưu đãi đều đã được ban hành. Trong khi đó, nhiều đồng đội của ông vẫn đang sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều người đến khi già yếu, ốm đau, bệnh tật, vết thương tái phát cùng với di hại của chiến tranh rồi qua đời, mà vẫn chưa hề được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước.

Còn nhiều thủ tục rườm rà 

Ông Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng: Nguyên nhân của việc tồn đọng chính sách hầu hết là do đa số không có hồ sơ gốc, tuổi đời cao, sức khỏe yếu, do đó khó khăn trong việc xác định hồ sơ nơi đi, nơi đến khi còn là thanh niên xung phong. Bên cạnh đó, một số văn bản của Trung ương Đoàn chưa nhất quán. Trong khi, Quyết định về thù lao cho người đứng đầu Hội đang hưởng lương hưu chưa phù hợp với tình hình thực tế, bởi phần lớn cựu thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ chuyên trách Hội cơ sở không thuộc đối tượng đang hưởng lương hưu, mặt khác lại chưa quy định chế độ đối với các chức danh còn lại.

Do đó, theo ông Nguyễn Anh Liên, để sớm giải quyết những tồn đọng chính sách cho cựu thanh niên xung phong thì không chỉ căn cứ vào hồ sơ cá nhân, mà cần có sự hỗ trợ của những đồng đội cùng tham gia chiến đấu trong thời kỳ đó. Đồng thời, có phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong vấn đề này.

“Việc chúng tôi đề xuất và các cơ quan tham mưu cũng đã đồng tình và Thủ tướng Chính phủ cũng nhất trí là muốn giải quyết chế độ chính sách thì phải lập Hội đồng chính sách của cấp cơ sở tức là xã, phường. Hội đồng đó gồm có cấp ủy, chính quyền đoàn thể, mặt trận, có đại diện của cựu thanh niên xung phong và nhiều nơi làm tốt thì đã có kết quả bước đầu. Tất cả những tồn đọng chính sách đối với người có công đúng là có những trường hợp không có cách nào giải quyết được, nhưng nếu có tấm lòng thì sẽ có cách giải quyết, thì như vậy chúng tôi đem tấm lòng của mình ra góp cho Đảng, Nhà nước, chính quyền để giải quyết chính sách cho đồng đội”.

Chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đã dần hoàn thiện nhằm giải quyết chính sách thỏa đáng cho các cựu thanh niên xung phong đã có công đối với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ tổ quốc, nhưng để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành sớm xem xét và giải quyết./.

Theo VOVnews


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất