Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 27/12/2008 17:15'(GMT+7)

2 năm gia nhập WTO: Được và mất

 Năm 2008 có thể nói là năm khá đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Đây là năm thứ hai nước ta trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Từ sân chơi riêng lẻ, chúng ta chấp nhận ra sân chơi chung với những luật lệ ít nhiều còn xa lạ với năng lực quản lý, nhân lực và trình độ công nghiệp.

Những điểm sáng
Trong thời gian đầu, chúng ta đã lộ ra những nhược điểm cố hữu. Đặc thù thứ hai trong năm 2008 là lạm phát tăng cao và vào giai đoạn cuối năm lại phải hứng chịu ảnh hưởng từ cuộc đại suy thoái toàn cầu. Đặc thù thứ ba là các sự cố thiên tai chưa từng thấy liên tiếp xảy ra khiến sự khó khăn của kinh tế Việt Nam càng tăng thêm gấp bội. Việc liên tiếp xảy ra thiên tai một phần do quy luật của thiên nhiên, phần khác cũng là kết quả của sự non yếu trong quản lý xã hội, sự “ăn xổi ở thì” và sự thiếu kinh nghiệm trong xu thế duy trì chỉ số tăng trưởng.

Nhưng cũng cần ghi nhận, giữa bảng mầu không lấy gì làm sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2008, đã nổi lên những điểm sáng. Rõ ràng, trước rất nhiều tác động bất lợi từ trong cũng như ngoài, nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn đứng vững. Chỉ số tăng trưởng tuy bị điều chỉnh xuống nhưng vẫn đủ sức khẳng định sự phát triển nội tại của nền kinh tế. Xuất khẩu tăng lên, nhập siêu và giá cả ở những tháng cuối năm giảm đáng kể… Trong sự đóng góp cho mức tăng trưởng khiêm tốn này cũng cần kể đến vai trò của các Tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước. Mặc dù chưa thực sự tìm ra bước đi hiệu quả song vẫn giữ vị trí chủ đạo của nền kinh tế, nhất là khi các đơn vị này giữ trọng trách thực hiện các nhóm biện pháp khẩn cấp của Chính phủ trong việc “kiềm chế lạm phát, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và giữ ổn định thị trường”.

Điều nổi bật nữa là sự điều hành vĩ mô tuy giai đoạn đầu năm và ngay cả hiện nay vẫn chưa thoát khỏi sự lúng túng, nhất là trong khâu dự báo, nhưng trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng của tình hình lạm phát đã tìm ra những biện pháp hay, kịp thời để gỡ thế bí cho nền kinh tế. Tiêu biểu cho các biện pháp này là chính sách tiền tệ. Đây là biện pháp quản lý vĩ mô lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta và đã mang lại những kết quả khả quan trong kiềm chế lạm phát. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2008 vẫn đạt con số kỷ lục, cả năm khoảng trên 60 tỷ USD. Điều này thêm một lần khẳng định, Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Và đây cũng chính là tiền đề tạo ra thế phát triển cho một nền kinh tế.

Nhận ra khuyết điểm để vượt lên
Trong năm thứ 2 ra biển lớn, nền kinh tế Việt Nam cũng bộc lộ những điểm yếu cần khắc phục. Nguyên nhân bao trùm là sự quá chậm chạp trong việc loại bỏ các thói quen của một nền quản lý bao cấp. Điều này chẳng những tạo ra sự trì trệ, kém năng động trong sản xuất kinh doanh mà còn gây cản trở cho việc điều hành, triển khai đầu tư. Đầu tiên, với sự gia nhập WTO, chúng ta đã quá nôn nóng muốn xây dựng một nền kinh tế hiện đại, trong đó hạt nhân là tạo dựng được một nền công nghiệp tiên tiến. Chính vì thế, chúng ta đã lãng quên đặc thù và cũng là thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam là nông nghiệp. Sự chấp nhận đầu tư ồ ạt, thiếu chọn lọc hàng loạt dự án công nghiệp, hàng loạt khu công nghiệp mọc ra một cách thiếu qui hoạch không những không tạo ra hiệu quả kinh tế như mong muốn mà còn gây ra những hệ luỵ buồn. Đồng vốn đầu tư không đạt hiệu quả trong khi số nợ lại tăng lên. Đất canh tác bị thu hẹp gây khó khăn cho người nông dân, môi trường bị xâm phạm…, tất cả thực trạng này đã làm cho nền kinh tế thiếu sự vững chắc trong phát triển và bất ổn về an sinh.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường lại vẫn coi trọng kinh tế quốc doanh. Dồn quá nhiều vốn cho các TĐ Nhà nước trong khi hầu hết các đơn vị trong lĩnh vực này lại làm ăn không hiệu quả.Theo thống kê thì vốn dành cho các các “ngài quí tử” này lên đến hơn 50% ngân sách để họ cho ra chưa đầy 15% lãi. Điều này vô hình chung đã làm mất đi tính bình đẳng của các thành phần khác, ảnh hưởng lớn đến sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế. Trong khi đó, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn hiệu quả nhưng lại thật sự khó khăn về vốn trong giai đoạn Chính phủ thi hành biện pháp kiềm chế lạm phát.

Thứ ba, là trong quá trình xây dựng và điều hành kinh tế chúng ta chưa bao giờ coi trọng tính tổng thể. Vì vậy, trong 2 năm qua, nhất là trong năm 2008, tình trạng hỗn độn trong phát triển kinh tế ngành, địa phương càng tăng, sự chồng chéo và ngăn cản nhau bởi lợi ích cục bộ của ngành, của địa phương ngày càng phát sinh và tạo ra những rào cản lớn.

Ngoài 3 khiếm khuyết trên, trong năm 2008, vẫn còn những khuyết điểm cố hữu của nền kinh tế Việt Nam, như tham nhũng, chất lượng nguồn nhân lực và bố trí nhân lực chưa đúng vị trí. Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào ngày 10/12/2008 đã nhấn mạnh: “Năm 2009, Việt Nam sẽ phục hồi kinh tế”. Thế nhưng, nếu chúng ta không nhanh chóng có biện pháp giải quyết những khuyết điểm này thì nó sẽ trở thành căn bệnh trầm kha, kìm hãm đà đi lên trong năm 2009 của kinh tế Việt Nam như dự báo của WB./.

Ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công thương: Cơ hội và thách thức đan xen

Việc gia nhập WTO mở ra nhiều cơ hội lẫn sự cạnh tranh trên thị trường. Do nhanh chóng tự do hóa thị trường trong nước, bao gồm cả những lĩnh vực còn non trẻ, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài. Phạm vi giảm thuế rộng ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu thuế hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách. Đối với lĩnh vực phân phối, các nhà bán lẻ trong nước sẽ khó cạnh tranh được với các trung tâm phân phối lớn của nước ngoài khi họ được phép vào Việt Nam. Khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đất nước trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các biến động kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, WTO cũng mang lại những cơ hội không nhỏ đối với DN Việt Nam. Đó là: thủ tục hành chính được đơn giản hóa; mang lại cơ hội tiếp cận tài chính tốt hơn và có tính cạnh tranh hơn cho các DN nhỏ; việc tiếp cận thị trường Mỹ đem lại sự tăng trưởng trong xuất khẩu; nguồn FDI dồi dào mang lại nhiều cơ hội và giá trị tăng thêm; việc giảm thuế và các nghĩa vụ nhập khẩu đối với một số sản phẩm sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước tiếp cận với nhiều hàng hòa với mức giá hợp lý.

Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia cao cấp: 5 điểm yếu của DN Việt Nam

Việc gia nhập WTO 2 năm qua đã làm lộ rõ hơn những điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Thứ nhất, về quy mô, DN Việt Nam đại đa số vẫn là DN nhỏ và vừa, kể cả DN quy mô lớn trong nước cũng chỉ bằng DN quy mô trung bình của các nước trong khu vực. Trong khi nền kinh tế toàn cầu hiện đòi hỏi tính quy mô lớn. Thứ hai, hầu hết DN Việt Nam hiện còn thiếu 6M, là: tiền; nguồn nhân lực chất lượng cao; thiết bị công nghệ phần lớn lạc hậu; vật tư đầu vào phần lớn phải nhập khẩu; trình độ quản trị DN còn yếu; marketing còn non kém. Thứ ba là năng suất lao động thấp dẫn đến sức cạnh tranh yếu. Thứ tư là hiệu quả kinh doanh của DN thấp, chi phí kinh doanh cao, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận hạn chế. Điều đáng lo ngại là tỷ suất này 2 năm qua có xu hướng giảm nên không tạo động lực cho DN tiếp tục phát triển. Thứ năm là chiến lược phát triển và liên kết DN còn yếu, chưa có cách tiếp cận mới.

TS Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TƯ (CIEM): Ba bài học của Việt Nam

Qua 2 năm gia nhập WTO, Việt Nam rút ra được ba bài học lớn. Đầu tiên là bài học chúng ta biết cải cách chúng ta hay không. Những hấp dẫn của VN sau 2 năm qua chính là việc thế giới nhìn Việt Nam là một đất nước dám đổi mới, dám cải cách để phát triển. Bài học thứ hai là chúng ta nhìn rõ chúng ta là ai. Đáng buồn là thời gian qua, chúng ta đã chuyển cơ hội thành thách thức nhiều hơn là biến thách thức thành cơ hội. Thách thức lớn nhất là chúng ta đối mặt với chữ mới: vốn mới, luật chơi mới, cơ hội mới. Qua đó, chúng ta nhận ra chúng ta còn rất nhiều yếu kém: thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng. Cạnh tranh của ta hiện vấp phải 2 thiệt thòi: cạnh tranh về giá dễ vấp phải chống bán phá giá; cạnh tranh về tài nguyên dễ vấp phải hàng rào kỹ thuật. Bài học thứ ba là nhận ra tầm quan trọng của ổn định vĩ mô mới. Trong đó, bài học lớn nhất là bài học phải biết phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Một bài học nữa trong ổn định vĩ mô là quan hệ với báo chí, phải minh bạch thông tin, nói cả cái tốt và cái xấu để người dân được rõ. Trong hội nhập, muốn thắng phải có sự khác biệt, đó là sự khác biệt về trí tuệ và bản lĩnh./.


(Theo VOVNews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất