Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 25/12/2008 21:30'(GMT+7)

10 sự kiện Kinh tế Việt Nam nổi bật nhất năm 2008

Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2008 do Tintuconline bình chọn. 

1. Đầu  tư nước ngoài tăng kỷ lục

Năm 2008 có trên 60 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) được đăng ký vào Việt Nam, tăng gấp 3 lần so với năm 2007, đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực, nâng tổng vốn FDI vào Việt Nam tiến gần đến con số 150 tỷ USD.

duanFDI.jpg

Khu đô thị quốc tế Đa Phước tại TP Đà Nẵng là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất Đà Nẵng

2. Các ngân hàng tính chuyện thu phí ATM

Chuyện thu phí sử dụng dịch vụ ATM đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chức nhà nước cấp thấp và người lao động tại các doanh nghiệp lớn. Lý do là hầu hết trong số họ đang nhận lương qua tài khoản ngân hàng: đã lãnh lương thấp và thường xuyên chịu sức ép của nhiều thứ chi phí sinh hoạt ngày càng cao, nay phải đương đầu với một loại phí nữa, người lao động và công chức nhỏ cảm thấy bức xúc.

Chính vì sức ép của dư luận nên mặc dù Hội Thẻ ngân hàng đã lên kế hoạch thu phí giao dịch trên ATM từ 1/7/2008, song đã việc làm này đã bị hoãn lại. Tuy nhiên đến giữa tháng 11 vừa qua các thành viên của Hiệp hội thẻ đã cùng ký vào một bản đề xuất thu phí ATM gửi lên Ngân hàng Nhà nước và thời gian dự kiến áp dụng là từ 1/1/2009. 1.000 đồng là mức phí mà khách hàng sẽ phải trả tiền cho mỗi lần giao dịch tài chính trên ATM, cho dù giá trị giao dịch lớn hay nhỏ. Ngoài ra sẽ còn nhiều khoản phí khác tùy theo chính sách khách hàng và dịch vụ mà loại thẻ khách hàng sử dụng.

Những người phản đối thu phí cho rằng, ngân hàng đang hưởng lợi trên số tiền nhàn rỗi lãi suất thấp mà chủ thẻ bắt buộc để lại trong tài khoản. Theo quy định, khách hàng phải duy trì 50.000-100.000 đồng, một khoản tiền được ngân hàng gọi là số dư tối thiểu. Trong khi đó, khách hàng vẫn phải chịu đựng cảnh ATM hết tiền vào ngày nghỉ, ngày lễ, mạng trục trặc hay chưa rút được mà máy đã trừ tiền..v..v

sk1.jpg

Ngân hàng Nhà nước cho rằng triển khai việc thu phí lúc này là chưa phù hợp

Ngân hàng cũng đưa ra lý do biện minh để thuyết phục khách hàng rằng, thị trường Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu chủ thẻ với trên dưới 10.000 ATM. Một chiếc ATM có giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng và chỉ hoạt động tốt trong 5 năm, sau đó phải nâng cấp. Ngoài ra, các chi phí như địa điểm, vị trí đặt máy, bảo quản, an ninh mỗi năm tốn thêm khoảng 200 triệu đồng một máy. Nếu cộng cả phí phát hành thẻ, quản lý và vận hành hệ thống, ngân hàng phải đầu tư 5.000-6.000 đồng cho mỗi giao dịch trên ATM.

Chưa hết, ngân hàng cũng phải duy trì lượng tiền mặt đáng kể trong máy để phục vụ nhu cầu rút của khách hàng, chừng vài trăm triệu đến một tỷ đồng mỗi máy. Tính chung toàn hệ thống, mỗi ngày có trên dưới 10.000 tỷ đồng nằm "chết" trong ATM mà ngân hàng không sử dụng được.

Hiện tại, các ngân hàng thành viên trong hệ thống BankNet (do BIDV, VietinBank và Ngân hàng Nông nghiệp chủ trì) đã thu phí giao dịch liên ngân hàng. Khách hàng của BIDV rút tiền trên ATM của VietinBank và ngược lại đều phải trả phí cho mỗi lần giao dịch. Một số ngân hàng trong hệ thống Smartlink (gồm Vietcombank và gần 20 ngân hàng cổ phần) đã kết nối với BankNet và khách hàng trong hệ thống của Smartlink khi giao dịch tại ATM của các thành viên BankNet cũng mất phí.

Mỗi khi phát sinh giao dịch liên ngân hàng, ngân hàng phát hành thẻ phải trả 3.000 đồng cho ngân hàng chấp nhận thẻ và trung tâm chuyển mạch (BankNet hay Smartlink). Tùy chính sách của từng ngân hàng, khách hàng sẽ phải chịu toàn bộ hay một phần trong số phí đó.

Tuy nhiên, với văn bản số 10447/NHNN-TT do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ngày 27/11, phương án đề xuất thu phí giao dịch ATM của Hội thẻ, với mức phí 1.000 đồng/giao dịch lại một lần “lỡ hẹn . Song, đề nghị của các ngân hàng không hẳn đã bị bác bỏ hoàn toàn: đúng hơn, Ngân hàng Nhà nước cho rằng triển khai việc thu phí lúc này là chưa phù hợp. “Chưa…” có nghĩa rằng đến lúc nào đó thì “sẽ..".

3. Biến động lãi suất ngành ngân hàngchính sách thắt chặt tiền tệ

Lãi suất trên thị trường đã sôi động từ cuối năm 2007 và cho đến đầu năm 2008 khi các Ngân hàng thương mại (NHTM) phải thực hiện đồng thời 4 quyết định thắt chặt điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã biến năm qua trở thành 1 năm có nhiều biến động nhất của ngành ngân hàng:

1. Quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10% lên 11%,  mở rộng thêm phạm vi tiền gửi dự trữ bắt buộc và NH Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng phải thực hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới. Theo đó từ đầu tháng 2/2008 tổng cộng có gần 20.000 tỷ đồng các NHTM phải nộp dự trữ bắt buộc tăng thêm cho NHNN. 

2. Ngày 15/2/2008 NHNN công bố quyết định phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN bắt buộc. Ba NHTM Nhà nước có quy mô lớn nhất mỗi ngân hàng phải mua tới 3.000 tỷ đồng. Hai NHTM cổ phần thuộc tốp đứng đầu phải mua 1.200 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Các NHTM cổ phần thuộc nhóm giữa phải mua 400 - 500 tỷ đồng/ngân hàng.

bank.jpg

Khối Ngân hàng nước ngoài có 9 chi nhánh phải mua từ 100 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng. Hai ngân hàng liên doanh phải mua 150 tỷ đồng/ngân hàng. Không chỉ vậy, các NH phải mua 20.300 tỷ đồng trái phiếu cùng một lúc, gấp từ 20 đến 40 lần so với mức 500 tỷ - 1.000 tỷ đồng tín phiếu trong các phiên đấu thầu thường kỳ. 

Điều đặc biệt nữa, nếu như các loại tín phiếu trước đây được giao dịch trên thị trường mở với NHNN để được vay tái cấp vốn thì quyết định lần này NHNN nói rõ là không được vay tái cấp vốn.

Do đó các NHTM khi thiếu hụt tạm thời thanh khoản thì không thể sử dụng tín phiếu mình đang sở hữu để vay tái cấp vốn ngắn hạn 1-2 tuần tại NHNN. Kỳ hạn của tín phiếu lại khá dài tới  364 ngày, hay gần 1 năm.

3. Từ tháng 2/2008, các loại lãi suất chủ đạo của NHNN tăng cao hơn trước. Theo đó, lãi suất cơ bản tăng từ 8,25%/năm lên 8,75%/năm; lãi suất tái cấp vốn tăng từ 6,5%/năm lên 7,5%/năm và lãi suất chiết khấu tăng từ 4,5%/năm lên 6,0%/năm.

4. NHNN ban hành Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN, ngày 1/2/2008 về sửa đổi Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán. Trái với mong đợi của các NHTM, Quyết định 03 còn thắt chặt cho vay chứng khoán hơn so với Chỉ thị 03 trước đây.

Với 4 quyết định được coi là cứng rắn và kiên quyết nói trên cùng với những phản ứng tiêu cực tức thì của thị trường tiền tệ đã biến năm 2008 trở thành năm mà thị trường tiền tệ "nóng" lên chưa từng thấy trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam, vốn VND trở khan hiếm. Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động tiền gửi, đua nhau đưa ra các hình thức khuyến mãi để thu hút khách hàng.

Chỉ trong có 1 tuần một số NHTM điều chỉnh lãi suất tới 2-3 lần. Lãi suất cho vay đã từng có lúc tăng đến 21%. Lãi suất cơ bản do NHNN quy định cũng liên tục biến động kể từ 1/2/2008 ở mức 8,25/% lên đến 8,75% vào 19/5/2008, sau đó là 12% vào ngày 11/6, và lên đến đỉnh 14% vào ngày 21/10/2008.

Lãi suất huy động vốn tăng từng ngày, người dân đổ xô đến ngân hàng xếp hàng để được gửi tiết kiệm bởi chưa bao giờ người dân lại thấy lãi suất ngân hàng lại lên cao đến thế. Không ít khách hàng hôm nay gửi ngân hàng này ngày mai lại rút lại tiền để gửi ngân hàng khác có lãi suất huy động cao hơn.

sk.jpg

Năm 2008 trở thành năm mà  thị trường tiền tệ nóng lên chưa từng thấy trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam

tất nhiên khi lãi suất huy động vốn tăng cao thì lãi suất đầu ra cũng tăng theo tức thì. Hệ lụy từ đó là các doanh nghiệp sản suất sẽ gặp vô vàn khó khăn bởi muốn đầu tư vào sản xuất họ cần phải có vốn. Trong khi lãi vay từ ngân hàng lại quá cao, sản xuất ra không đủ bù chi phí và trả lãi ngân hàng. Điều này đã dẫn đến việc các ngân hàng thờ ơ với các khoản vốn từ ngân hàng.

Tuy nhiên sau 1 thời gian dài  huy động vốn, các ngân hàng cũng hoàn thành tốt quy định về chính sách thắt chặt tiền tệ, nguồn vốn trong ngân hàng dư thừa, cộng thêm việc tiền gửi dự trữ bắt buộc được tăng lãi suất từ 3,6% lên 5%, nhưng vốn đầu ra ngày càng kém hấp dẫn đã buộc các ngân hàng phải giảm ngay lãi suất huy động và cho vay.

Những ngày cuối cùng của năm 2008 này lãi suất huy động vốn của các ngân hàng đối với VND và USD đã giảm đáng kể xuống chỉ còn khoảng 9% năm, và kể từ ngày 22/12/2008 lãi suất cơ bản do NHNN quy định đã quay trở lại mốc 8,5%/năm.

4. Khủng hoảng lan rộng trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2008

Năm 2008 là một năm rất đáng quên của TTCK Việt Nam. So với đỉnh 1.170,67 điểm của thị trường vào tháng 3/2007, đến ngày 17/12 VN-Index sụt giảm 74,3%, còn 301,02 điểm; chỉ tính riêng từ đầu năm 2008, chỉ số này sụt giảm 67,3%. Nếu tính đến mức đáy của VN-Index trong năm 2008, mức sụt giảm còn lớn hơn, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có TTCK sụt giảm mạnh nhất trên thế giới.

Thanh khoản của thị trường là một gam màu tối khi vào thời điểm tháng 5, 6/2008, khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ đạt 1 - 2 triệu cổ phiếu/ngày, buộc UBCKNN phải ép biên độ giao dịch (1% cho HOSE và 2% cho HASTC) nhằm ngăn chặn đà suy thoái mạnh của thị trường.

Ngay cả khi biên độ đã được nới rộng (5% cho HOSE và 7% cho HASTC) thì khối lượng giao dịch trung bình thời gian gần đây cũng chỉ trên dưới 10 triệu cổ phiếu/ngày. Hầu hết các thành viên tham gia thị trường đều thua lỗ nặng nề.

sk2.jpg

Giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư than trời, các công ty chứng khoán rơi vào cảnh điêu đứng...Đó là những gì đã diễn ra trên thị trường chứng khoán năm 2008

Giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư than trời, các công ty chứng khoán rơi vào cảnh điêu đứng, nhân sự trong các công ty chứng khoán hoang mang tìm đường "tháo chạy". Nhiều công ty chứng khoán đã chuẩn bị trước cho những khả năng xấu nhất hoặc tìm mọi cách cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đứng trước diễn biến xấu của TTCK, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo không để TTCK đi xuống. Hàng loạt các biện pháp đã đuợc đưa ra để bình ổn thị trường, trong đó đặc biệt nhất là biện pháp cho phép Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể mua vào một số cổ phiếu loại tốt, có hiệu quả và có tính thanh khoản cao trong những trường hợp cần thiết để bình ổn thị trường.

Sang đến tháng 7, 8/2008, sau một giai đoạn điều chỉnh mạnh, giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam trở nên đắt hơn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên với những khó khăn về kinh tế, tài chính và tín dụng của các nước phát triển trên thế giới đã khiến áp lực bán ra của khối nhà ĐTNN là rất lớn, thị trường vì thế lại rơi khó phục hồi, dù có các thông tin hỗ trợ như chính sách tiền tệ được nới lỏng hay giảm giá xăng dầu…

Ngoài ra, việc nhiều cổ phiếu mới chào sàn được xác định giá khởi điểm ở mức cao (có thể là hợp lý với điều kiện bình thường, nhưng sẽ là cao so với giá của các cổ phiếu khác đang niêm yết trong bối cảnh TTCK sụt giảm), cộng với tâm lý muốn thu hồi vốn, cứ bán rồi tính tiếp của một số cổ đông, dẫn đến việc giá các cổ phiếu này giảm liên tiếp nhiều phiên, gián tiếp ảnh hưởng đến các chỉ số chứng khoán...

Và cho đến những ngày sắp kết thúc năm 2008 này chỉ số chứng khoán trên sàn HOSE vẫn giao động quanh mức 300 điểm. Chắc hẳn các nhà đầu tư sẽ không thể quên được phiên giao dịch ngày 5/12 khi chỉ số chứng khoán rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, tại mức 299,86.

Diễn biến của thị trường chứng khoán trong năm  qua khiến cho những nhận định “bi quan” nhất cũng không “lường” nổi. Mối lo của nhà đầu tư vẫn còn đó khi mỗi ngày hồi hộp chờ phiên giao dịch với bảng điện tử rợp một màu đỏ. Nhưng với những nhà đầu tư lão luyện thì chính sự “khủng hoảng” của TTCK năm 2008 ấy lại được xem là một cơ hội...gặt hái thành công cho năm 2009.

5. Thị trường bất động sản năm 2008 ảm đạm

Năm 2008 là năm "gặp hạn" của thị trường địa ốc Việt Nam. Vật liệu xây dựng tăng giá liên tục, cùng với chính sách thắt chặt cho vay của các ngân hàng đối với bất động sản trước bối cảnh lạm phát tăng cao đã khiến cho thị trường bất động sản càng thêm khó khăn. Hàng loạt các dự án bị đình hoãn, các chủ đầu tư đứng bên bờ vực phá sản, các trung tâm môi giới nhà đất lâm cảnh "chợ chiều", khách hàng tháo chạy khỏi các chung cư cao cấp, chấp nhận mất tiền cọc do đã đến ngày đáo hạn ngân hàng. trong khi đó theo số liệu thống kê của  Công ty CBRE VN, phải có đến 80% người Việt Nam có nhu cầu về nhà ở nhưng lại không mua được nhà. Đây quả thực là 1 nghịch lý đau lòng cho thị trường bất động sản Việt Nam.

batdongsan.jpg

 Năm 2008 là năm "gặp hạn" của thị trường địa ốc Việt Nam

Cung hàng thừa những cầu hàng thì thiếu. Giá nhà đất ở cả 2 thành phố Hà Nội và TP HCM xuống mức thấp kỷ lục. Từ đầu năm tới nay giá nhà đất tại TP HCM đã giảm từ 30%-70% so với năm 2007. Còn tại Hà Nội những ngày tháng cuối năm này, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn không thoát khỏi cảnh "chợ chiều".

Trước tình hình đó Hiệp hội bất động sản và giới kinh doanh địa ốc đã đưa ra những kiến nghị nhằm vực dậy thị trường ,  tuy nhiên năm 2008 đã qua đi và "tảng băng" trên thị trường bất động sản vẫn quá cứng.

6. Hàng loạt các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản

Cuộc khủng hoảng suy thoái tài chính toàn cầu năm vừa qua đã ít nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam. Hậu quả của nó là góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao. Hàng loạt các giải pháp và các chính sách được chính phủ tung ra để kiểm soát lạm phát và công cụ chống lạm phát chủ yếu là chính sách tiền tệ thắt chặt.

doanhnghiep2.jpg

 Năm 2008 các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng

Với công cụ này gánh nặng chống lạm phát chủ yếu đè lên vai doanh nghiệp. Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Muốn có vốn để duy trì sản xuất, họ phải đi vay ở thị trường chợ đen với lãi suất cao. Một số ít doanh nghiệp là khách hàng truyền thống được ngân hàng cấp tín dụng nhưng cũng chỉ với thời hạn tối đa 3 tháng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đã đành là khó khăn về vốn,  rồi cộng thêm yếu tố tác động từ việc giá dầu thế giới tăng, kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng theo khiến hầu hết nguyên vật liệu các ngành sản xuất đều tăng. Thông thường, tăng giá đầu vào đồng nghĩa với việc giá đầu ra cũng phải tăng theo. Song, nghịch lý là trong khi giá đầu vào cứ tiếp tục leo thang thì khách hàng lại khó chấp nhận giá đầu ra quá cao. Và như vậy, doanh nghiệp chỉ còn cách bù lỗ cho khoản chênh lệch đó.

doanhnghiep3.jpg

Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn

Tất cả những yếu đó  khiến cho giới doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khó khăn, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ,  và các làng nghề cũng không ngoại lệ. Người ta thường ví các doanh nghiệp vừa và nhỏ giống như những khôi nhà, khi bão ập đến ngôi nhà nào yếu ít được phòng bị thì sẽ  bị tàn phá nặng nề. Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN công bố số liệu khảo sát cho thấy 95% trong tổng số 350.000 doanh nghiệp của nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đã có tới 80% DN gặp khó khăn, trong đó 60% DN làm ăn kém và khoảng 20% DN đang ngừng trệ, đóng cửa hoặc đã phá sản.

Cho đến những tháng cuối năm khi lạm phát đã được khống chế thì bức tranh DN vẫn chưa sáng sủa hơn. Dự báo năm 2009, kinh tế VN, nhất là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa sẽ phải đối mặt với những khó khăn còn trầm trọng hơn năm 2008, và sẽ có nhiều DN phải phá sản.

7. Gói kích cầu đầu tư 1 tỷ USD

Những tháng đầu năm 2008 chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhập siêu tăng (71%) cao  nhất trong nhiều năm qua. Hơn nữa, cơn "sốt" giá gạo, giá xi măng, sắt thép v..v cũng là một trong những thủ phạm làm cho tình hình giá cả thị trường càng biến động mạnh đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao.

Để đối phó với tình hình bất ổn đó Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khó khăn kinh tế nghiêm trọng trong cả nước.  Cho đến nay những nhóm giải pháp đó đã đạt được bước đầu quan trọng giúp Việt Nam duy trì mức tăng trưởng GDP cao, khoảng 6,5%, GDP  bình quân theo đầu người vượt mốc 1000 USD, tổng kim nghạch xuất khẩu đạt, 65 tỷ USD cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 22%, cao nhất trong 10 năm qua.

Những tháng cuối năm 2008 nền kinh tế lại phải đối mặt với tình trạng suy giảm. Bóng dáng của tình trạng "giảm phát" đã le lói xuất hiện.

Trước tình cảnh đó Chính phủ đã tuyên bố sẽ dùng tiền từ ngân sách, trái phiếu và vốn ODA để kích cầu đầu tư. Số tiền dùng để chi cho gói kích cầu này lúc đầu là 1 tỷ USD, tức là khoảng 17.000 tỷ VND, nhưng dự kiến gói kích cầu này có thể lên đến 6 tỷ USD. Gói kích cầu này của Chính Phủ đã thu hút  được sự chú ý của giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

skthem.jpg

Số tiền cho gói kích cầu này được lấy từ ngân sách nhà nước, trái phiếu và từ nguồn vốn ODA

Một câu hỏi mà các doanh nghiệp đặt ra là đối tượng của gói kích cầu đấy nhắm đến ai và việc giải ngân sẽ như thế nào. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ sử dụng quỹ dự trữ của mình để đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tiến hành việc miễn, giảm, hoãn, chậm thu, nộp thuế đối với các doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có mức ưu tiêu, mức giảm nhiều hơn.

Về chính sách tiền tệ, tiếp tục điều chỉnh tỷ giá hợp lý để không tạo ra biến động về tiền, tạo điều kiện ổn định cho sản xuất kinh doanh.

Chính phủ sẽ tiếp tục hạ lãi suất, giảm chi phí; có bước nới lỏng cần thiết để đảm bảo vĩ mô và phát triển trong hiện tại.

Một phần số tiền cũng được dùng để tăng đầu tư, ưu đãi đối với cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn, hạ tầng dân sinh như trường học, bệnh viện; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà để bán; đào tạo nghề; gia tăng chính sách xoá đói giảm nghèo; trồng, bảo vệ rừng…

8. Chuyện EVN trả lại 13 dự án điện cho chính phủtình trạng độc quyền của EVN

Từ đầu năm 2008 đến nay điện thiếu liên miên, từ Tổng Giám đốc đến Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không ít lần công khai xin lỗi khách hàng sử dụng điện vì lý do thiếu điện và cắt điện.

Mặc dù năm nào nhà cung cấp EVN cũng khẳng định đã “làm mọi biện pháp để đáp ứng đủ nhu cầu điện” nhưng mỗi mùa cao điểm tới, điệp khúc “thiếu điện” lại cất lên, dường như năm sau cao hơn năm trước.

Và lý do mà EVN đưa ra để giải thích cho những nguyên nhân dẫn đến thiếu điện là việc vận hành hệ thống điện thực tế có nhiều diễn biến bất lợi hơn so với dự liệu của EVN, các dự án điện do một số doanh nghiệp nhà nước đầu tư không được vận hành đúng tiến bộ, hoặc gặp phải sự cố....Có thể nói sự chậm chễ trong các dự án về điện là căn bệnh "kinh niên" của ngành điện.

skthem1.jpg
Nhiều người không đồng tình với chủ trương điều chỉnh tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng bản chất của tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu trong ngành điện lại chủ yếu là do EVN đã quá độc quyền trong việc cung cấp điện. Nhiều khách hàng là hộ tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp cho rằng EVN đã quá coi thường khách hàng.

Bởi 1 điều rất đơn giản là khách hàng chỉ có thể mua điện của EVN mà chẳng thế mua được của ai. Chỉ có độc quyền mới có hiện tượng cắt điện đột ngột không thèm báo trước, độc quyền nên EVN muốn làm gì thì làm để mặc cho khách hàng khổ sở thua thiệt còn mình thì vô can.

EVN luôn kêu ca là kinh doanh lỗ nên EVN đòi tăng giá điện và rồi EVN đỏng đảnh xin trả lại chính phủ 13 dự án điện. EVN đã đưa ra các phương án tăng giá cụ thể  lên Bộ Công Thương, nhưng việc tăng hay không tăng giá điện vẫn còn đang trở thành câu chuyện tranh luận chưa có hồi kết, bởi giá điện ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, và bởi vì rằng có tăng giá điện thì EVN vẫn không đủ nguồn cung. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đã từng nói " Đến năm 2020, Việt Nam vẫn thiếu điện".

Sau khi EVN trả lại Chính phủ 13 dự án điện ngay lập tức ngành dầu khí (PVN) đã có văn bản xin làm chủ đầu tư của 13 dự án này. Trước tình hình này Bộ Công Thương đã trình phướng án xử lý 13 dự án điện như sau: sắp xếp 13 dự án này thành 9 dự án chính và giao lại cho EVN triển khai các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 3, gồm 2 nhà máy có tổng công suất 2.000 MW. Tập đoàn Dầu khí VN sẽ làm chủ đầu tư các dự án thuộc trung tâm Điện lực Vũng Áng 3 với công suất 2.400 MW và Trung tâm điện lực Quảng Trạch cô"ng suất 2.400 MW.

sk6.jpg
Với lý do không đủ vốn đầu tư, EVN đã trả lại chính phủ 13 dự án điện

Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản VN (TKV) sẽ là chủ đầu tư Trung tâm điện lực Hải Phòng 3 gồm 2 dự án với tổng công suất 2.400 MW. Trong đó, TKV phải đáp ứng điều kiện đảm bảo đủ nguồn than trong nước cung cấp cho các dự án điện.

Các dự án còn lại gồm Duyên Hải 2 công suất 1.200 MW, Duyên Hải 3 công suất 2.000 MW, Long Phú 3 (tại Sóc Trăng) công suất 2.000 MW sẽ tiến hành theo phương thức chọn thầu trên cơ sở các đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài theo các tiêu chí kiến nghị của Bộ Công Thương.

Quả thật đây là 1 câu chuyện rất hy hữu xảy ra trong ngành điện Việt Nam năm 2008. 

Cũng theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để thực hiện khối lượng đầu tư các công trình điện đến năm 2015, EVN vẫn còn thiếu đến gần 600 nghìn tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn đầu tư các công trình điện thiếu như vậy thì EVN lại có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương xin trích quỹ khen thưởng phúc lợi hơn 1.002 tỷ đồng từ lợi nhuận năm 2007 với lý do để đầu tư nguồn nhân lực. Việc giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng một lần nữa lại được đặt ra.

Giới chuyên môn nhìn nhận 1.002 tỷ đồng là con số không phải là lớn so với số vốn đầu tư nguồn điện mà EVN đang thiếu (gần 600 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, trong bối cảnh điện cắt khắp nơi, hoạt động sản xuất, sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì khoản tiền đó nếu được đưa vào đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện cũng sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng thiếu vốn của EVN.

Năm 2008 có thể nói là năm mà sẽ làm cho người ta nhớ đến EVN nhiều nhất.

9. Một năm đầy biến động với giá vàng USD

Giới đầu tư vàng, dầu và USD có lẽ sẽ khó mà quên được năm 2008 này, bởi đây là 1 năm mà những mặt hàng này đã từng có những biến động chưa từng có.

Đầu tiên là mặt hàng vàng kim loại - đây là phương tiện được giao dịch phổ biến trên thế giới. Biến động giá vàng năm nay có khoảng cách giá rất lớn, từ đỉnh giá khoảng 1.000 USD/oz, có lúc đã xuống đến 680 USD/oz. Nếu đầu năm 2008 các nhà đầu tư chứng kiến thời điểm đỉnh cao của giá vàng khi ngày 1/3/2008 giá vàng trong nước lên đến 19,4 triệu/lượng, trong khi thời điểm đó giá vàng thế giới đang được giao dịch quanh mức 1000usd/ounce.

Thị trường vàng lúc đó dường như cháy hàng, người dân chen chúc nhau đi mua vàng. Hoạt động mua bán trở nên tấp nập. Rất nhiều nhà đầu tư đã "tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán để "lướt sóng" thị trường vàng. Tuy nhiên vì thị trường diễn biến trong năm qua rất phức tạp nên đã có nhiều nhà đầu tư "khóc ròng" vì vàng do dự đoán sai diễn biến của vàng.

dauvang.jpg

Năm qua cũng là năm mà hoạt động của các sàn giao dịch vàng trở nên nở rộ, tuy nhiên vì chưa có luật quy định rõ ràng nên "cuộc chơi" trên sàn vàng cũng có rất nhiều điều khúc mắc. Rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười diễn ra trên sàn vàng từng gây thiệt hai cho nhà đầu tư, ví dụ như vụ nhà đầu tư Nguyễn Anh Sơn kiện sàn vàng ACB đã thâm nhập vào tài khoản nhà đầu tư để bán vàng.  

Một mặt hàng luôn đi liền với giá vàng đó chính là đồng đô la. Nhìn lại tình hình tỷ giá trong năm 2008 vừa quá sẽ thấy thị trường ngoài tệ diễn biến phức tạp, tỷ giá giao dịch đã có lúc thấp hơn giá sàn như tại thời điểm đầu năm và vượt trần rất cao tại thời điểm giữa tháng 6.

Dòng tiền ngoại hối vào và ra không khớp nhau khi khối nhà đầu tư nước ngoài dồn vốn để đầu tư vào đầu năm và rút vốn ồ ạt tại thời điểm tháng 5, tháng 6 và quý IV/2008; yếu tố tâm lý bất ổn dẫn tới việc găm giữ ngoại tệ trên cả thị trường từ doanh nghiệp, nhà đầu tư và các đối tượng dân cư, thể hiện rõ nhất trong giai đoạn giữa tháng 6 khi tỷ giá USD/VND đẩy lên tới 19.400 VND/1 USD là những nguyên chính dẫn tới việc tỷ giá tăng cao.

Trong thời điểm biến động đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thể hiện được vai trò điều hành thị trường khi đã thực hiện những biện pháp can thiệp quyết liệt, đúng lúc và đồng bộ góp phần bình ổn tâm lý, tăng nguồn cung cho thị trường nên tỷ giá và tâm lý đã được bình ổn ngay sau đó. Tuy nhiên năm 2009 sắp tới được dự báo là năm rất căng thẳng của thị trường ngoại hối tại Việt Nam

10. Lạ lùng câu chuyện về giá xăng

Năm 2008 chắc chắn là một năm lịch sử của thị trường dầu thô, khi mà giá “vàng đen” lần đầu tiên đạt vượt ngưỡng 100 USD/thùng và đạt đỉnh cao mọi thời đại ở mức 147,27 USD vào tháng 7, để rồi sau đó rớt một mạch hơn 100 USD/thùng, tương đương mức giảm hơn 70%, trong vòng có 4 tháng, về ngưỡng 40 USD/thùng, rồi xuống mức 33-34 USD/thùng. Chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến mức trồi sụt giá dầu lớn đến vậy trong một thời gian ngắn.

Sở dĩ nói câu chuyện về giá xăng là câu chuyện lạ lùng nhất năm 2008 bởi khi giá USD giảm, thì giá dầu tăng lên do giá dầu tính bằng USD, nhưng nay giá USD giảm, nhưng giá dầu lại rớt thê thảm. Giá dầu thô những tuần cuối năm 2008 trên thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh, có lúc chỉ còn 33 USD/thùng, giá xăng được ước tính khoảng 33 USD- 34 USD/thùng.

Theo tính toán từ giới chuyên môn, với giá xăng A92 trên thị trường thế giới từ 33 USD - 34 USD/thùng thì giá xăng trong nước sau khi tính toán chi phí, thuế các loại sẽ ở mức giá 7.500 đồng- 8.000 đồng/lít là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có mức lãi hợp lý.

sk7.jpg

Thế nhưng, giá bán lẻ xăng A92 hiện nay vẫn ở mức 11.000 đồng/lít và doanh nghiệp đang lãi khá lớn. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có đầu mối nhập khẩu xăng dầu nào có kế hoạch điều chỉnh giảm giá. Trao đổi với báo giới, các nhà nhập khẩu xăng dầu vẫn điệp khúc cũ: “Sở dĩ chưa thể giảm giá tương ứng là do lượng xăng dầu đang bán đã nhập trước đó với giá cao hơn hiện nay.

Một sự lạ lùng khác quanh câu chuyện giá xăng dầu là Chính phủ có chủ trương tiếp tục coi kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, nhưng giá bán lẻ xăng dầu lại vẫn rất cao và giảm không đáng kể so với sự giảm xuống của giá thế giới. Đây là động thái ngược với chủ trương của Chính phủ. Qua mấy lần tăng giá xăng dầu - được coi là bất khả kháng - chúng ta có thể thấy giá xăng dầu đã tác động lớn đến tốc độ tăng giá tiêu dùng như thế nào.

Sự lạ lùng còn thể hiện ở quan điểm chia sẻ. Khi giá xăng dầu thế giới tăng lên, người sử dụng xăng dầu đã chia sẻ với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; khi giá xăng dầu thế giới xuống, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phải chia sẻ với người sử dụng xăng dầu chứ. Đành rằng, trong thời gian qua các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đã có mấy lần chia sẻ, nhưng chỉ là sự chia sẻ rất nhỏ giọt so với mức người sử dụng chia sẻ với doanh nghiệp! Đây là sự chia sẻ không bình đẳng, không sòng phẳng.

Sẽ không cường điệu một chút nào khi nói rằng, câu chuyện giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện nay là vẫn “cuộc giằng co” giữa một bên là dư luận quần chúng - những người suy cho cùng vẫn chỉ “đoán già đoán non” và các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu - những người biết rõ làm thế nào để hoạt động kinh doanh của họ có lợi nhất cho chính họ.

Những sự kiện nổi bất nhất trong năm do TTOL bình chọn
(Theo Tin tuc Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất