Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 27/12/2008 9:43'(GMT+7)

“Chính sách tiền tệ là thành công lớn nhất của năm 2008”

Theo ông, thành công nhất trong  năm 2008 là gì?

Đó là chính sách tiền tệ. Do tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng cuối 2007 và những tháng đầu năm 2008 tăng cao nên đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2008 một loạt ngân hàng mất tính thanh khoản

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chính sách tiền tệ thông qua điều hành lãi suất tiền gửi và lãi suất dự trữ bắt buộc kịp thời đã giúp ngân hàng vượt qua được thời kỳ sóng gió đó. Đến bây giờ cơ bản các ngân hàng hoạt động ổn định, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần đã dần trở lại gần như cuối năm 2007.

Chính sách tất nhiên chưa thể nói là cực chuẩn nhưng việc điều hành đã đúng quy luật của kinh tế thị trường, đó là thành công.

Nền tài chính quốc gia không sụp đổ, bảo đảm cho sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội. Đó là mối quan hệ nhân quả của chính sách tiền tệ đúng. Đó cũng là cơ sở để khẳng định năm 2008 chúng ta đã thành công nhiều hơn thất bại.

Thử tưởng tượng xem, nếu chúng ta không làm được việc đó thì không lường được toàn bộ nền kinh tế những tháng đầu năm 2008 sẽ như thế nào và bây giờ nền kinh tế và xã hội nước ta đi đến đâu?

Vậy ông nghĩ thế nào khi nhiều ý kiến, nhất là của doanh nghiệp phê phán chính sách tiền tệ đã “phanh” gấp quá, thắt chặt quá, dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp?

Đó có thể là những nhận xét theo cảm tính từ kinh nghiệm của một số ít, chứ chưa nhìn sâu vào bản chất của vấn đề và chưa có tính đại diện cao cho cả nền kinh tế.

Cuối tháng 10/2008, trong cuộc giao trực tuyến trên VnEconomy, một số bạn đọc cũng “kêu” với tôi là doanh nghiệp đã bị thiệt hại do biến động tỷ giá. Câu trả lời của tôi là những doanh nghiệp mà người điều hành chưa “đủ tầm” thì thường bị thiệt hại nhiều vì cùng một điều kiện tác động, nếu xử lý bằng cảm tính, bằng tâm lý “bầy đàn” mà bỏ quên yếu tố khoa học trong các vấn đề kinh tế thì thiệt hại cho doanh nghiệp bao giờ cũng lớn.

Khi đánh giá về chính sách tiền tệ phải đứng ở góc độ của toàn dân chứ không thể chỉ đứng trên quan điểm của doanh nghiệp.

Đã hoạt động trong nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp không thể đòi hỏi ngân hàng - cũng là doanh nghiệp - phải phục vụ mình vô điều kiện. Cũng nên đặt câu hỏi, tại sao các doanh nghiệp liên doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không kêu về vấn đề vay vốn ngân hàng mà chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu. Đấy là vì bản thân doanh nghiệp có 2, 3 đồng thì tiêu 10 đồng, tức là phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng. Điều này dẫn đến nền kinh tế phát triển nóng.

Khuyết điểm lớn nhất: Chính sách phát triển kinh tế nóng

“Kinh tế phát triển nóng” phải chăng xuất phát từ những yếu kém trong “4 phần” mà ông đã phân định ở trên?

Tôi xin chia sẻ nhận xét này. Khuyết điểm lớn nhất trong điều hành năm 2008 là đặt ra chính sách phát triển kinh tế nóng.

Tháng 11/2007 tuy đã có tiếng nói cảnh báo nhưng Chính phủ vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 8,5- 9%, tạo việc làm cho 1,7 triệu lao động, xuất khẩu vẫn tăng…

Việc đặt chỉ tiêu như vậy đã tạo ra hoàn cảnh khó khăn hơn cho nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2008. Cùng bị tác động mặt bằng giá kinh tế thế giới thì nền kinh tế nước ta khó khăn hơn do chính sách vĩ mô không dự báo được xu hướng cũng như bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới.

Thứ hai nữa là Chính phủ đã không đánh giá kịp thời tác động của khủng khoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam khi nhận định ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới không ảnh hưởng đến Việt Nam, trong khi độ mở của nền kinh tế nước ta lớn, doanh số xuất khẩu + nhập khẩu gấp 1,6 lần GDP.

Kinh nghiệm của cuộc khủng khoảng tài chính khu vực năm 1997 đã chỉ ra nền kinh tế Việt Nam luôn có độ trễ so với khu vực và quốc tế do chúng ta đang chuyển đổi. Đánh giá này góp phần làm lệch biện pháp điều hành dẫn đến khó khăn hơn cho nền kinh tế.

Còn trong nền kinh tế khó khăn, vì sức ép đáp ứng 80% vốn còn lại còn lại cho doanh nghiệp đã đẩy nhanh tổng phương tiện thanh toán ra quá nhiều và quá nhanh, dẫn đến đẩy lạm phát lên. Đến nay khi cầu giảm thì doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bán hàng, ngân hàng gặp khó khăn trong thu hồi nợ làm nợ xấu của ngân hàng tăng cao hơn.

Chứ nếu doanh nghiệp đã có 6 đồng, chỉ đi vay 4 đồng thì vấn đề không căng thẳng như bây giờ.

Đã đến lúc cơ cấu lại nền kinh tế

Ủy ban Kinh tế và các cơ quan tham mưu của Chính phủ có đạt được sự thống nhất về nhận định tình hình kinh tế năm 2009?

Riêng về nhận định thì hai bên đều thống nhất là năm 2009 tình hình kinh tế của nước ta sẽ khó khăn hơn 2008 rất nhiều.

Theo quan điểm riêng của Ủy ban Kinh tế thì khó nhất là gì?

Khó nhất là nhận thức đó chưa được thể hiện được bằng hành động kịp thời. Nhận thức đúng nghĩa là trong năm 2009 phải chấp nhận các doanh nghiệp phá sản, chấp nhận sự mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Như vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm “đỡ” cho những người thất nghiệp để họ có thể tái tạo việc làm. Đồng thời phải xem xét lại hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về phá sản để tạo thuận tiện cho việc đăng ký phá sản gắn với trách nhiệm của người chủ doanh nghiệp.

Muốn “đỡ” thì phải có chính sách, nhưng đến giờ này chưa có những nghiên cứu, tổng kết và đề xuất chính sách loại này, chưa thấy ai tiến hành thống kê trong số 400 ngàn doanh nghiệp đã có bao nhiêu phải đóng cửa và số lượng người lao động mất việc từ tháng 9/2008 đến nay là bao nhiêu?

Bộ Lao động và Thương binh - Xã hội cũng chỉ vừa mới có văn bản yêu cầu các tỉnh thống kê số lao động thất nghiệp. Còn quy định bảo hiểm thất nghiệp thì vừa mới ra đời.

Chính sách thì luôn có độ trễ. Từ lúc ban hành đến khi có kết quả có khi mất vài năm. Muốn rút ngắn thời gian thì phải có tác động và chi phí tất yếu từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp vay tiền để hỗ trợ ngay cho những người thất nghiệp.

Với nhìn nhận chủ quan của ông thì trong gần 400 ngàn doanh nghiệp hiện có bao nhiêu doanh nghiệp đang "ngắc ngoải"?

Có cơ sở để khẳng định nhiều doanh nghiệp đang ngắc ngoải, nhưng không đủ căn cứ để đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu phần trăm. Vì từ trước đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức.

Vậy nên chỉ có thể nhìn gián tiếp qua dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng. Vì doanh nghiệp phá sản đi kèm theo nợ xấu của ngân hàng. Hoặc là thông qua cơ quan thuế để xem có bao nhiêu doanh nghiệp trong năm 2008 đã không thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế.

Những khó khăn trên đang là thách thức lớn của khả năng hồi phục nền kinh tế, thưa ông?

Tôi nghĩ sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam năm 2009 sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố.

Thứ nhất, yếu tố ngoại. Nếu thị trường Mỹ, EU và đông bắc Á hồi phục nhanh , các gói cứu trợ của Mỹ, EU, Trung Quốc hoạt động tốt thì khoảng quý 3 năm 2009, tăng trưởng của các nước đó dương thì nền kinh tế của chúng ta vào những tháng đầu 2010 sẽ hồi phục.

Thứ hai là từ nội sinh. Chúng ta nói nhiều là nước ta dân số đông, thị trường tiềm năng, lợi thế để chào mời đầu tư nhưng lại chưa chú ý đúng mức đến việc khai thác thị trường này. Vấn đề sắp tới là biện pháp của Chính phủ khai thác thị trường này như thế nào. Nếu làm tốt thì quý 3 năm 2009 thì nền kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục và giữ được đà tăng trưởng.

Yếu tố thứ ba có tính quyết định là tầm nhìn, cách nhìn của Chính phủ. Nếu nhân dịp này cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế, thì có thể tốc độ phục hồi sẽ chậm lại, không phải là quý 3/2009 nhưng phát triển sẽ nhanh hơn rất nhiều vào năm 2010.

Như vậy, theo ông đã đến lúc cần phải cơ cấu lại nền kinh tế? Ông có thể nói rõ là nên cơ cấu theo hướng nào?

Việc này lẽ ra phải làm trước khi gia nhập WTO để đón sự kiện này nhưng chúng ta chưa làm kịp. Song bối cảnh mới hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách phải cơ cấu lại nền kinh tế.

Nhìn lại kinh tế nước ta sau 22 năm đổi mới, có thể chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là cơ cấu nền kinh tế theo hướng thay thế nhập khẩu từ năm 1986 đến 1997. Đây là thời kỳ hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, nền kinh tế nước ta chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.

Giai đoạn thứ 2 từ 1998 đến 2008, tôi tạm gọi như vậy, là giai đoạn cơ cấu nền kinh tế hướng tới xuất khẩu. Sau khủng khoảng tài chính khu vực nền kinh tế nước ta cũng gặp khó khăn, cuối 1999 cũng rơi vào tình trạng trì trệ. Trong giai đoạn này chúng ta tận dụng ưu thế về lao động, giá nhân công rẻ để thu hút đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Đến năm 2000 trở đi dần đẩy nhanh được tốc độ phát triển kinh tế. Và bây giờ từ 2009, theo tôi, phải chuyển đổi sang phát triển bền vững.

(Theo Vneconomy)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất