Ngày 8-12, tại hội nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Copenhagen, ông Michel Jarraud - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, 2009 là năm nóng nhất trong số 5 năm đứng đầu về nhiệt độ Trái Đất kể từ 1850 đến nay.
Ông Michel Jarraud nói rằng, thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tính từ năm 2000 đến năm 2009 có thể được coi là thập kỷ Trái Đất nóng nhất, thậm chí nóng hơn các thập kỷ 1990, 1980.
Tổng Thư ký WMO dẫn các thông số của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, nhiệt độ Trái Đất nóng nhất ghi nhận được trong 5 năm khác nhau tính theo độ nóng tăng dần gồm 1998, 2007, 2006, 2003 và 2009.
Từ trụ sở chính của LHQ ở New York, Mỹ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng, mục tiêu của Hội nghị Cop-15 là phải đạt được thỏa thuận về một hiệp ước biến đổi khí hậu ràng buộc vào năm 2010.
Ông cho biết, đó là cam kết của LHQ. Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng xung lực để các quốc gia thành viên LHQ ký hiệp ước đã hình thành và đây là thời điểm cần phải đưa ra quyết định.
Ông Ban Ki-moon sẽ chủ trì phiên họp cấp thượng đỉnh của Hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 18-12 tới.
Tổng Thư ký LHQ cho rằng Copenhagen có thể và phải là một bước ngoặt trong các nỗ lực của thế giới trong việc ngăn chặn sự biến đổi khí hậu đồng thời mở ra một thời đại mới phát triển xanh.
Tại Hội nghị Cop-15, trong hai ngày làm việc đầu tiên đã xuất hiện những lập trường khác nhau giữa nhóm các nước châu Phi, nhóm 77 của khối các nước đang phát triển và Trung Quốc, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).
Các nước đang phát triển đã có chung tiếng nói tại các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, trong đó có nhiều khía cạnh khác với quan điểm và lập trường của Mỹ và EU.
Đại sứ Sudan Ibrahim Mirghani thay mặt nhóm 77 và Trung Quốc nói rằng, các nước đang phát triển bác bỏ mục tiêu ký kết một hiệp ước ràng buộc khác của các nước đã phát triển.
Theo ông Ibarahim Mirghani, hiệp ước ràng buộc mà các nước phát triển đang hướng tới đã gộp các nghĩa vụ của các nước phát triển theo tinh thần Nghị định thư Kyoto với các nghĩa vụ tương tự của các nước đang phát triển.
Trong Nghị định thư Kyoto, các nước phát triển cam kết cắt giảm trung bình 5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của mức năm 1990 trong 5 năm liên tục từ 2008 đến 2012.
Nhóm 77 và Trung Quốc chỉ trích các nước công nghiệp đang tìm cách chuyển trách nhiệm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sang các nước đang phát triển.
Đại sứ Ibrahim Mirghani cho rằng trong khi các nước đang phát triển bị đòi hỏi phải cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì các nước phát triển liên tục xả ra môi trường lượng khí thải này ngày càng nhiều.
Tại hội nghị Cop-15, châu Phi đã bày tỏ lập trường thống nhất rằng việc thực hiện đầy đủ Nghị định thư Kyoto là thỏa thuận ràng buộc duy nhất cần phải đạt được ở Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần này. /.
Theo TienPhongOnline