(TCTG)- Nhà Trắng lo ngại tham vọng gia tăng của nước đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ
Các cuộc thảo luận vào thứ 2 tuần tới giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Erdogan tại Nhà Trắng hứa hẹn nhiều điều tế nhị và quan ngại. 10 tháng sau chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ đầy ấn tượng-điểm cuối cùng trong chuyến công du đầu tiên một loạt nước châu Âu của mình, tổng thống Mỹ trông chờ rất nhiều vào người đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, nước thế tục và có đa số dân theo đạo Hồi nằm trong trục phía Nam của NATO có liên quan đến các hồ sơ nóng trong quan hệ với các nước láng giềng. Hơn nữa, Ankara đã gieo nhiều hy vọng khi cho mình là nước chủ chốt đóng vai trò trung hoà các nước trong khu vực và có ảnh hưởng cao, thậm chí là nước trung gian hoà giải đối với Trung Đông và Nam Á. Iran, Afghanistan, Pakistan, Irak sẽ nằm trong chủ đề thảo luận của cuộc gặp trên.
Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tính nhập nhằng trong vai trò của Ankara, nước từng bước xích lại gần Téhéran, Xy ri, Xu Đăng, Nga và phong trào Hamas. Có vẻ Ankara đang từng bước tách khỏi sự níu kéo chiến lược của phương Tây và điều này làm Washington lo ngại. Chính quyền Mỹ dường như đang gặp khó khăn trong việc giải mã trò chơi của Thổ Nhĩ Kỳ và ở trong tình trạng “người đề nghị bị từ chối”.
Điển hình là việc Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã thông báo vào hôm chủ nhật vừa qua rằng tại thời điểm này ông không thấy có thêm bất ổn tại Afghanistan và coi 1700 binh sỹ nước ông hiện có mặt tại đây là đủ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ tuần tra tại Kaboul, đào tạo lực lượng an ninh Afghanistan và cam kết không tham gia các hoạt động tác chiến. Họ từ chối đối đầu với quân nổi dậy theo đạo Hồi vì tránh vấp phải những người anh em đồng đạo. Tuy nhiên, có thể họ sẽ quyết định gửi các nhóm chuyên gia để đào tạo lực lượng an ninh của Afghanistan.
Để giải thích cho sự do dự đã cam kết, Ankara đánh giá cao việc quân đội nước mình rất quan tâm đến cuộc chiến chống phiến quân người Kurd thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK). Nhiều nhà phân tích nhắc tới một sự mặc cả có thể xảy ra liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quân đội tại Afghanistan để chống lại sự can dự ngày càng lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống quân nổi dậy người Kurd. Sự được mất là rất quan trọng cho Washington bởi người Thổ Nhĩ Kỳ đã bình thường hoá quan hệ với khu vực tự trị của người Kurd tại miền Bắc Irak.
“Tình hữu nghị” và “những câu chuyện tầm phào”
Trong khi người Mỹ đang chuẩn bị để rút quân khỏi Irak và rất cần sự hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ thì nước này lại viện dẫn khả năng làm trung gian hoà giải chính trị tại Irak nhờ vào mối quan hệ tốt với những người Kurd Irak cũng như người Hồi giáo Sunni và Chiit. Đây là một sự hứa hẹn mà Tổng thống Obama cần phải đánh giá kỹ.
Ngược lại, người Mỹ dường như ít tin tưởng đối với những lời đề nghị làm trung gian hoà giải về hồ sơ Irak của Ankara. Họ cần phải tranh thủ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Erdogan để thúc giục ông có lập trường ít nhập nhằng đối với Téhéran trong khi cộng đồng quốc tế đang liên kết nhằm gây sức ép đối với Iran. Trong cuộc bỏ phiếu mới đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm lên án lập trường của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu trắng. Điều này gây nên sự khó chịu từ các đồng minh của Mỹ. Họ không đánh giá được là Thủ tướng Erdogan đã đến Téhéran vào tháng 10 vừa qua để ký kết một thoả thuận khí đốt với Iran và tiếp theo đó là việc ông công khai ủng hộ “người bạn” Ahmadinejad và xem những lo ngại của phương Tây đối với vấn đề hạt nhân Iran là “những câu chuyện tầm phào”. Tổng thống Obama sẽ hối thúc Thủ tướng Erdogan cần đưa ra lập trường rõ ràng trong cuộc bỏ phiếu sắp tới tại Hội đồng Bảo an LHQ nhằm trừng phạt bổ sung chống Iran. Một quan chức giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ với báo LEFIGARO rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bỏ phiếu phủ quyết.
Theo báo LEFIGARO.fr (Bài dịch)