Trong năm 2009, cuộc suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế Mỹ Latinh. Nhưng nhìn về lâu dài, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua có thể có những hiệu quả tích cực đối với các nền kinh tế hàng đầu khu vực, bởi nó đã dẫn đến việc G-20 thay thế G-8 làm đầu tàu kinh tế thế giới.
Kể từ Hội nghị cấp cao tại Pittsburgh (Mỹ) hồi tháng 9 vừa qua, Brazil, Mexico và Argentina hiện đang có tiếng nói ngang bằng với các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). G-20 đã cam kết đảm bảo cho các nước nghèo hơn dễ tiếp cận các nguồn tài chính, và thế giới có những biện pháp an toàn hơn để ngăn các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Các nền kinh tế Brazil và Mexico, hai đầu tàu của khu vực, đã bắt đầu tăng trưởng. Nhưng các mối quan hệ kinh tế khác nhau của họ với Mỹ đã khiến họ đi theo hai con đường khác nhau.
Kinh tế Mexico, quốc gia xuất khẩu sang Mỹ tới hơn 80% tổng lượng xuất khẩu của mình, trong quý 2 đã sụt giảm 10,3%. Trong quý 3 vừa qua, kinh tế Mexico đã tăng trưởng 3% so với quý 2, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì vẫn giảm 6,2%. Các quan chức chính phủ Mexico cho biết họ sẽ tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế để khỏi phụ thuộc quá lớn vào Mỹ.
Trong khi đó, kinh tế Brazil trong quý 1 chỉ sụt giảm 1,78% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Brazil, nhưng chỉ chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch thương mại, trong khi Argentina đứng thứ hai với 9% và Trung Quốc đứng thứ ba với 8,3%.
Các nhà kinh tế đã chỉ ra những khác biệt khác giữa Brazil và Mexico. Trong suốt 30 năm qua, Brazil đã bền bỉ phát triển việc sản xuất các loại năng lượng thay thế, trong khi Mexico phụ thuộc chủ yếu vào mỏ dầu khổng lồ Cantarell đang cạn kiệt.
Điều này khiến Brazil có thể thực hiện một chương trình chi tiêu nhà nước trị giá 236 tỷ USD, được công bố năm 2007, trong khi Mexico phải vật lộn để thực thi một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 50 tỷ USD, được tuyên bố đầu năm 2008.
Ủy ban kinh tế phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Caribbean của LHQ (ECLAC) đã ước tính rằng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2010 của Brazil có thể đạt 5,5%, trong khi dự báo tỷ lệ tăng trưởng của Mexico là 3,5%.
Nhìn ra các nước khác, ECLAC dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Bolivia có thể đạt 3,5% trong năm nay và 4,5% trong năm 2010. Còn nước láng giềng Peru có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay.
Peru định dựa vào Hiệp định thúc đẩy thương mại Mỹ-Peru, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2009, để thúc đẩy kinh tế. Nhưng chính Mỹ lại là nước châm ngòi cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu của Peru giảm mạnh. Để đối phó với khủng hoảng, Peru đã tiến hành một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 1,8 tỷ USD và các biện pháp ưu đãi thuế trị giá 2,6 tỷ USD để khuyến khích các mặt hàng xuất khẩu phi truyền thống.
Các nước Trung Mỹ được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 0,3% trong năm nay, dẫn đầu là Panama, với 2,5%. Panama đang thực hiện việc mở rộng lớn Kênh đào Panama, trị giá khoảng 25% GDP của họ. Trong khi đó, kinh tế của hầu hết các nước Trung Mỹ sẽ sụt giảm, với Honduras là -3%, El Sanvador -2,5%, Costa Rica -1,2% và Guatemala -0,1%.
Theo ECLAC, triển vọng kinh tế của các nước Mỹ Latinh sẽ sáng sủa hơn trong năm 2010, với mức tăng trưởng cao nhất là của Brazil với 5,5%; tiếp đến là Uruguay 5%; Panama, Chile và Bolivia đều là 4,5%./.
(chinhphu.vn)