Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 27/12/2009 16:42'(GMT+7)

Thế giới một tuần sôi động

Người biểu tình  phản đối  Hiệp ước Copenhagen.

Người biểu tình phản đối Hiệp ước Copenhagen.

Sau hai tuần làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh và biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạnh) đã kết thúc đầu tuần này với việc thông qua “Hiệp ước Copenhagen”.

Nội dung chính của “Hiệp ước Copenhagen” đề cập các vấn đề: Về tình trạng nóng lên toàn cầu: Hiệp ước qui định nhiệt độ trái đất cần giữ dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp;  Về quỹ đóng góp: Các nước giàu cam kết 10 tỷ USD trong 3 năm từ 2010-2012 để hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đặt chỉ tiêu đến năm 2020 huy động 100 tỷ USD từ nhiều nguồn khác nhau như nhà nước, tư nhân, song phương và đa phương;  Về cơ chế kiểm chứng: Cam kết của các nước giàu sẽ được thực hiện dưới sự giám sát "nghiêm ngặt, thiết thực và minh bạch" theo Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Các nước đang phát triển sẽ trình lên các báo cáo cấp quốc gia về lượng khí thải cam kết theo nguyên tắc "tôn trọng chủ quyền quốc gia";  Hiệp ước không tán thành mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2050, một mục tiêu mà nhiều quốc gia giàu có ủng hộ song lại bị những nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, phản đối.

Một đề xuất đính kèm Hiệp ước Copenhagen, kêu gọi biến thỏa thuận này thành một văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý vào cuối năm 2010.

Hiệp ước là một thành công của Hội nghị, do cho đến những buổi thảo luận cuối cùng, các đại biểu vẫn bất đồng gay gắt trên nhiều điểm. Chính vì thế, Hội nghị Copenhagen cũng đã làm lộ rõ thêm sự phân hóa giữa một bên là các nước đang phát triển và bên kia là các nước công nghiệp phát triển. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi thỏa thuận đạt được tại Copenhagen là bước đột phá để hành động, song cho rằng cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm giảm đáng kể tình trạng ấm lên toàn cầu.

Ngày 24/12, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố "Sách Vàng về tình hình quốc tế" năm 2010, đánh giá về sức mạnh tổng hợp của 11 nước lớn, cho rằng quyền lực tổng hợp của 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Đức đứng đầu trên thế giới. Sách Vàng chỉ rõ, Mỹ là siêu cường quốc, có ưu thế về nhiều mặt, trong đó đứng đầu về 4 chỉ số: kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ và đóng góp quốc tế. Cũng theo Sách Vàng, Trung Quốc xếp vị trí thứ 7, với điểm mạnh là dân số, song đã xuất hiện tình trạng dân số già hóa. Về quân sự, Trung Quốc xếp thứ 2, chủ yếu là vì quân số đông, số lượng trang bị lớn. Nhìn chung, trang bị quân sự đặc biệt là trình độ hiện đại hóa vũ khí của Trung Quốc vẫn lạc hậu so với các nước phương Tây.

Trả lời phỏng vấn trực tiếp của 3 kênh truyền hình chủ yếu ở Nga (Kênh I, Nước Nga và NTV) nhằm tổng kết tình hình nước Nga trong năm 2009 sắp đi qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nêu lên 3 thành tích chủ yếu mà nhà nước và nhân dân Nga đạt được trong năm nay, gồm: duy trì ổn định xã hội; ổn định tài chính, trước hết là bảo vệ hệ thống tài chính và giữ giá đồng rúp, và tiếp tục duy trì sản xuất. Tổng thống Medvedev cũng nêu lên 2 điều cơ bản chưa làm được trong năm 2009 là Nga vẫn duy trì hệ thống kinh tế cũ, chủ yếu dựa vào xuất khẩu nguyên-nhiên liệu, khiến nhiều xí nghiệp không có khả năng cạnh tranh và nạn thất nghiệp tăng với tỷ lệ người không có việc làm khá cao.

Chủ tịch Cuba Raul Castro.

Trong bài phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội Cuba khoá VII, ngày 20/12, Chủ tịch Raul Castro tố cáo Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách chống phá Cuba. Song, ông đồng thời nhấn mạnh La Habana sẵn sàng đối thoại với Washington nhằm giải quyết bất đồng giữa hai nước trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Nhà lãnh đạo Cuba khẳng định sau một năm cầm quyền, chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với Cuba không hề thay đổi. Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu phá hoại cuộc cách mạng của Cuba và tiếp tục phớt lờ yêu cầu của cộng đồng quốc tế cũng như của chính người dân Mỹ về việc thay đổi chính sách thù địch chống La Habana.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần hồi phục sau khủng hoảng, một trong những trở ngại chính là chính sách bảo hộ thương mại. Điều này đang được Liên minh châu Âu (EU) thực thi khi kéo dài thêm 15 tháng áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc. Quyết định này không những gây tác động tiêu cực đến hàng triệu lao động trong ngành giày da của Việt Nam và Trung Quốc, mà còn gây chia rẽ cho chính EU. Với mức thuế mà EC áp đặt với giày dép từ Trung Quốc là 16,5% và Việt Nam là 10%, nhiều quốc gia thành viên EU đã mô tả loại thuế này là "theo chủ nghĩa bảo hộ". Liên minh Giày dép châu Âu, nhóm gồm các hãng giày lớn như Adidas và Clarks, đã lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định nói trên của EU.

Một ngày sau quyết định của EU, ngày 23/12, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhập từ EU với mức thuế chống bán phá giá từ 16,8% - 24,6% bắt đầu từ ngày 28/12/2009..

Giao thông trở nên hỗn loạn do  bão tuyết ở bang Virginia, Mỹ.

Tuần qua là một tuần châu Âu và Bắc Mỹ trải qua thời tiết khắc nghiệt khi bão tuyết hoành hành khắp nơi khiến Mùa Giáng sinh năm nay khá ảm đạm. Tại các thành phố châu Âu, giao thông nhiều nơi bị tê liêt khi tuyết rơi dày đặc. Hàng nghìn chuyên bay bị hủy bỏ. Tại Nga, cố đô Saint Peterburg đã đón một lễ Giáng sinh "trắng" đúng nghĩa bởi màn tuyết rơi dày nhất kể từ năm 1881, lên đến 14 cm. Nhà chức trách thành phố đã phải huy động 1.216 máy xúc tuyết, 340 xe tải và 1.144 công nhân dọn tuyết.

Tại Mỹ, chính quyền thủ đô Washington DC và các bang khác thuộc miền Đông nước Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp do bão tuyết. Đây được coi là một trong những đợt bão tuyết tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua tại các bang miền Đông nước Mỹ.

(Theo: Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất