Các chỉ số nhiệt độ trung bình toàn cầu, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà
kính và mực nước biển tăng đã đồng loạt xác lập những kỷ lục mới trong
năm 2015, khiến năm ngoái trở thành năm có tình hình khí hậu tồi tệ nhất
trong thời hiện đại.
Báo cáo "Tình hình Khí hậu" do Cơ quan Đại dương và khí quyển (NOAA) của
Mỹ đứng đầu được 450 nhà khoa học quốc tế biên soạn và công bố 1
năm/lần đã cho thấy một bức tranh đáng sợ về tình hình "sức khỏe" của
Trái Đất.
Trước hết, về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, văn kiện dày 300
trang này cho biết nồng độ 3 thành tố chính là carbon dioxide (CO2), khí
metan (CH4) và nitrous oxide (N2O) đều đã lập "đỉnh" mới trong năm
2015.
Kết quả đưa ra dựa trên 10.000 số liệu đo lường từ các cơ sở độc lập cho
thấy nồng độ CO2 trong không khí tại Hawaii, Mỹ đã lên mức 400,8 phần
triệu, lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 phần triệu.
Đây là mức tăng lớn nhất trong 1 năm trong vòng 58 năm thu thập dữ liệu.
Nồng độ CO2 trung bình toàn cầu trong năm ngoái là 399,4 phần triệu,
tăng 2,2 phần triệu so với năm trước đó. Theo nhà khí hậu học Jessica
Blunden, số liệu trên cho thấy năm 2016 sẽ dễ dàng vượt qua mốc lịch sử
này.
Báo cáo công bố ngày 2/8 này cũng xác nhận kết quả trước đó của NOAA và
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) về nhiệt độ trung bình toàn cầu của
bề mặt đất và bề mặt đại dương cao kỷ lục trong năm 2015 với dự báo năm
2016 sẽ tiếp tục “xô đổ” kỷ lục của năm trước.
Trong khi đó, mực nước biển tăng cũng đã đạt kỷ lục, với 70 mm cao hơn
mực nước trung bình năm 1993. Báo cáo cho biết mực nước biển đang tăng
trung bình 3,3 mm mỗi năm trong 2 thập kỷ qua, với tốc độ tăng nhanh
nhất là ở một số khu vực phía Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo tốc độ này sẽ sớm gia tăng lên
trong những thập kỷ tới khi các sông băng và vỉa băng ở các cực tan
chảy, đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người ở các khu vực duyên hải
trên khắp toàn cầu.
Ngoài các kỷ lục về chỉ số khí hậu, năm 2015 còn đánh dấu một năm tình
hình thời tiết cực đoan với một mùa mưa dài bất thường dẫn đến các đợt
lũ nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên thế giới.
Trong khi đó, diện tích khu vực phải trải qua những đợt hạn hán nặng nề
đã tăng gần gấp đôi, từ 8% trong năm 2014 đã tăng lên 14% trong năm
ngoái. Nhiệt độ tại Bắc Cực đang ở mức cao nhất so với số liệu thu được
từ đầu thế kỷ 20. Trong khi đó, dưới tác động của El Nino, Nam Cực lại
lạnh hơn mức trung bình, nhiệt độ của các tảng băng thay đổi từ mức cao
kỷ lục vào tháng 5 xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 8.
Trên toàn cầu, các núi băng tiếp tục tan chảy trong năm thứ 36 liên
tiếp. Trong khi đó, lượng tuyết mùa Xuân năm 2015 ở bán cầu Bắc cũng
đánh dấu mức thấp kỷ lục trong vòng 49 năm. Mùa Thu, nhiệt độ nước biển
cao cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ, tảo nở hoa, gây
ảnh hưởng đến nhiều khu vực.
Năm 2015, do ảnh hưởng của El Nino, Đại Tây Dương trải qua mùa bão ôn
hòa thứ 2 liên tiếp dù cường độ các cơn bão dữ dội hơn. Trong khi, vùng
biển Đông và trung tâm Thái Bình Dương hứng chịu 26 cơn bão lớn, mức cao
nhất kể từ năm 1992.
Đã có khoảng 101 cơn lốc nhiệt đới xảy ra ở tất cả các rốn bão đại dương
trong năm 2015, cao hơn mức trung bình 82 cơn bão của thời gian từ năm
1981 đến 2010./.
(TTXVN)