Thứ Năm, 5/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 27/11/2024 20:12'(GMT+7)

Đại biểu Quốc hội đề xuất bảo lưu khi đóng bảo hiểm thất nghiệp 144 tháng

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) cho biết: Tại Điểm d Khoản 3 Điều 60 của dự thảo luật có quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.

Tại Điều 65 của dự thảo luật quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp có đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng được 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Sau đó, cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định này, vì quy định như dự thảo luật sẽ thiệt thòi cho người có thời gian đóng bảo hiểm dài hơn là 144 tháng.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị điều chỉnh theo hướng người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tương đương với thời gian đóng, có nghĩa là đóng đủ 12 tháng là được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Hoặc nếu vẫn giữ quy định đóng đủ 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng, thì cần phải quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Điều này mới đảm bảo theo nguyên tắc đóng hưởng.

“Đây cũng là một trong những vấn đề mà người lao động thực sự rất quan tâm, vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, nhất là những người đang bị thất nghiệp và đang lúc gặp khó khăn”, đại biểu Chamaléa Thị Thủy nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng: Về hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật đã đề cập đến việc đăng ký lao động là cơ sở để xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm, nhưng chưa quy định rõ mối liên kết giữa cơ sở dữ liệu đăng ký lao động và cơ sở dữ liệu đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến lộ trình hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu này.

"Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định lộ trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu và quy định thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Hiện nay, việc thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp do hai đơn vị thực hiện trong khi dữ liệu lại không liên thông dẫn đến việc trục lợi. Do đó, Luật Việc làm sửa đổi cũng quy định rõ việc này", đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất