Công tác dân số hiện nay sẽ chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số.
Trong đó mục tiêu đặt ra trong việc tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 là 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại buổi Míttinh phát động tháng hành động và ngày dân số Việt Nam năm 2017, do Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội.
Tháng hành động quốc gia về dân số năm nay có chủ đề: thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho hay, công tác dân số luôn được Đảng, Nhà nước xác định con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của quá trình phát triển và luôn quan tâm tới công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình trong mục tiêu phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực dân số, thời gian qua mặc dù đạt được những kết quản đáng khích lệ và tự hào song Việt Nam vẫn còn phải đối diện với những thách thức rất lớn như quy mô dân số khá lớn và tiếp tục tăng thêm, kết quả kiểm soát tốc độ gia tăng dân số chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều.
Bên cạnh đó, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tạo sức ép ngày càng lớn đến việc đảm bảo an sinh xã hội. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã và đang diễn ra mạnh và lan rộng ở nhiều địa phương, vùng miền…
Do vậy, Phó Chủ tịch nước kêu gọi các ngành các cấp và tầng lớp nhân dân thống nhất nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phải đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển.
Phó chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy nhanh việc quán triệt và triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 21 đảm bảo các mục tiêu, đúng định hướng và sát với yêu cầu thực tiễn ở địa phương, cơ sở.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, qua các nghiên cứu cho thấy, ước tính dị tật bẩm sinh ở Việt Nam chiếm khoảng từ 1,5-2% số trẻ sinh ra hằng năm (khoảng 22.000-30.000 trẻ).
Để giảm số trẻ em bị ảnh hưởng bởi các bệnh tật bẩm sinh, giảm nhẹ gánh nặng của gia đình, xã hội, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai chương trình tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
Hiện nay, Đề án tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đã được Bộ Y tế triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Tại Trung ương, các thai phụ có thể đến 6 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương, Đại học Y dược Huế, Trung tâm sàng lọc Cần Thơ, Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh tỉnh Nghệ An.
Tại các tuyến quận, huyện thai phụ có thể đến Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn. Trong giai đoạn 1977-2017, số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,6 con xuống còn 2,09 con tại thời điểm 2016.
Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% trong năm 1988 lên 67% trong năm 2016. Các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 trẻ sơ sinh sống vào những năm 1990 xuống 69/100.000 năm 2009 và còn 58.3/100.000 vào năm 2016.
Cũng trong sáng nay, đại diện Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phát lệnh diễu hành, tuyên truyền cổ động về công tác dân số - Kế hoạch hoá gia đình để hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam năm 2017./.
Thùy Giang/TTX