Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 30/7/2010 21:20'(GMT+7)

21 tỉnh, thành phía Nam giao ban về phòng, chống tham nhũng

"Đừng để tham nhũng đã xảy ra rồi mới xử lý thì sẽ mất cán bộ và mất luôn niềm tin của nhân dân"

"Đừng để tham nhũng đã xảy ra rồi mới xử lý thì sẽ mất cán bộ và mất luôn niềm tin của nhân dân"

Sáng 30/7, tại UBND tỉnh Kiên Giang, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức hội nghị giao ban công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm của 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Theo dự thảo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm nay, các địa phương tiếp nhận và xử lý nhiều đơn thư, thông tin tố cáo, khiếu nại về tham nhũng thông qua nhiều hình thức như lập số điện thoại đường dây nóng, hộp thư (kể cả thư điện tử) tố giác tội phạm tham nhũng; lập website để công dân có địa chỉ tố cáo… Qua đó, các địa phương đã phát hiện 26 vụ, việc tham nhũng với số tiền hơn 162 triệu đồng; kiến nghị xử lý 52 người có hành vi tham nhũng, chuyển xử lý hình sự 9 người. Cả nước có 7 địa phương tự phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ với tổng giá trị tài sản hơn 7,5 tỷ đồng. Trong khi đó, một số tỉnh trong 6 tháng đầu năm không phát hiện, khởi tố mới vụ án tham nhũng nào.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu quan tâm nhiều đến việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng tiêu cực. Theo đại biểu tỉnh Long An, nếu thủ trưởng ở cơ quan, địa phương ngay ngắn, liêm chính, minh  bạch, dân chủ trong hoạt động thì cấp dưới sẽ hạn chế việc tiêu cực, tham nhũng.

Theo thống kê của các tỉnh, thành phố đã có 22 người đứng đầu bị xử lý về trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách. Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức, không có ai kiểm tra tính trung thực như thế nào nên hầu như việc kê khai này không mang lại hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Ông Lê Minh Cường, Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh Hậu Giang nói: “Việc kê khai tài sản, tôi thấy không tin tưởng bởi kê khai nhưng không ai giám sát…Còn giải pháp về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra tham nhũng theo tôi là biện pháp hữu hiệu nhất”.

Một trong những vấn đề được nhiều sự thảo luận là việc thực hiện quy chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, trong đó không chỉ bảo vệ về tinh thần mà còn về cả kinh tế và cần có sư khen thưởng kịp thời, hợp lý. Có đại biểu nêu một số trường hợp điển hình cán bộ sau khi dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng đã gặp phải thái độ “phân biệt đối xử” của đồng nghiệp cùng cơ quan. Ông Phạm Minh Triết, Phó Ban Chỉ đạo Ban Phòng chống tham nhũng tỉnh Tiền Giang nêu ý kiến:Việc tố cáo tham nhũng tôi cho là rất cấp thiết. Trong Luật Tố cáo cũng nói trách nhiệm địa phương và chính quyền các cấp trong việc bảo vệ người tố cáo. Người tố cáo vụ việc tham nhũng lên đến tiền tỷ mà chỉ khen thưởng 200.000 đồng là không hợp lý, vì vậy cần có cơ chế cho phù hợp”.

Một hạn chế đáng chú ý được nêu lên là việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra chưa đúng với thực trạng. Việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ qua kiểm tra của thủ trưởng cơ quan và giám sát của cơ quan chức năng còn hạn chế. Việc xử lý tham nhũng còn nhẹ, một số vụ việc, vụ án tham nhũng Trung ương chuyển về địa phương chậm xử lý, thiếu dứt điểm; tỷ lệ án treo trong xét xử tham nhũng ở một số địa phương còn cao. Những hạn chế vừa nêu đã làm giảm hiệu quả của pháp luật, lòng tin và sự tham gia của nhân dân ở các địa phương vào việc phát hiện, tố cáo tham nhũng.

Để việc phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Văn Nhuận, Phó ban Phòng chống tham nhũng tỉnh Long An cho rằng: “Sau khi triển khai công tác phòng chống tham nhũng thì việc kiểm tra của ban chỉ đạo và các ngành cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hiện tượng xảy ra chúng ta chặn đứng ngay thì sẽ hạn chế việc tham nhũng. Đừng để tham nhũng đã xảy ra rồi mới xử lý thì sẽ mất cán bộ và mất luôn niềm tin của nhân dân./.

(Theo VOV News) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất