Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 5/4/2019 14:40'(GMT+7)

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản

Lãnh đạo Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo tỉnh Sơn La thăm các gian hàng trưng bày nông sản an toàn của tỉnh Sơn La, năm 2018.

Lãnh đạo Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo tỉnh Sơn La thăm các gian hàng trưng bày nông sản an toàn của tỉnh Sơn La, năm 2018.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ

Ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La vừa trải qua một năm thành công với GDP toàn ngành đạt 7.229 tỷ đồng, tăng 12,63% so với năm 2017 và cao nhất trong vòng 5 năm qua. Trong đó, xuất khẩu 135.000 tấn nông sản, với tổng giá trị hơn 112,6 triệu USD, vượt hơn 40% kế hoạch đề ra. Chưa có năm nào sản xuất nông sản Sơn La lại có sự bứt phá đến vậy.

Theo thống kê, năm 2018, tỉnh Sơn La đã tổ chức thành công chín lượt “tuần hàng nông sản an toàn” và tiêu thụ khoảng 24.000 tấn nông sản tại các hệ thống siêu thị ở Hà Nội. Trong đó, hệ thống siêu thị BigC tiêu thụ 645 tấn rau, củ quả các loại, tăng 15 lần so với năm 2017.

Tại Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn Sơn La năm 2018, chỉ tính riêng sau ba tuần lễ tổ chức, tỉnh Sơn La tiêu thụ được 500 tấn nông sản, chủ yếu là nhãn. Sản phẩm nông sản của tỉnh chủ yếu được đưa vào các siêu thị lớn như Intimex, HaproMart, Vinmart, BigC, LotteMart. Sau khi Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn Sơn La kết thúc, nhiều đơn vị ký cam kết tiêu thụ nông sản với các công ty, nông hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2018, tỉnh Sơn La còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc và một số quốc gia khác. Thông qua những hoạt động trên, một sản lượng lớn nông sản đã được tiêu thụ và giúp thương hiệu nông sản của Sơn La được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn. Nhờ vậy, tỉnh xuất khẩu 3.500 tấn xoài sang thị trường Australia, Trung Quốc, kim ngạch 1,75 triệu USD; xuất khẩu khoảng 5.000 tấn nhãn sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, xuất chào hàng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, kim ngạch hơn 11 triệu USD.

Là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả thuộc diện lớn nhất nước, tỉnh Bắc Giang đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến thương mại nông sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh hiện nay đạt hơn 50.000 ha, trong đó, vải thiều là cây trồng chủ lực với diện tích gần 30.000 ha (lớn nhất toàn quốc), sản lượng 160 đến 190 nghìn tấn/năm; diện tích cây có múi (cam, bưởi) đạt hơn 9.000 ha, sản lượng hơn 70.000 tấn...

Bên cạnh Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc, năm 2018, tỉnh Bắc Giang lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại lớn nhất từ trước đến nay, nhận được sự quan tâm của các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước và Trung Quốc. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ vải thiều năm 2018 tại thị trường trong nước chiếm khoảng 55%; các doanh nghiệp nông sản của tỉnh kết hợp với chuỗi các siêu thị lớn như Saigon Co.op, BigC, Hapro... sớm đưa vải thiều chất lượng ngay từ đầu vụ vào tiêu thụ với giá bán ổn định trong suốt mùa vụ.

Bên cạnh đó, duy trì xuất khẩu vải thiều tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 45% tổng sản lượng; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 170,5 triệu USD, tăng 89,4% so với năm 2017. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức các đoàn đi khảo sát thị trường tại một số nước nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản. Thông qua các hoạt động xúc tiến, nhiều nông sản hàng hóa đã được xuất khẩu và tiêu thụ ổn định tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, vai trò của công tác xúc tiến thương mại của ngành nông nghiệp rất quan trọng, nhất là trong việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản ổn định và có giá trị cao, bao gồm cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Khi nước ta gia nhập các hiệp định thương mại, công tác xúc tiến thương mại nông sản luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần thúc đẩy nông nghiệp vượt qua khó khăn, mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành nông nghiệp.

KHƠI THÔNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Xúc tiến thương mại có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều địa phương làm tốt công tác này. Một số địa phương còn thiếu sự nhanh nhạy, linh hoạt, các doanh nghiệp cũng chưa quyết liệt, mặn mà trong mở rộng, tìm kiếm thị trường mới.

Sự bứt phá về tiêu thụ nông sản của các tỉnh Bắc Giang, Sơn La chủ yếu nhờ vào nỗ lực, quyết tâm và cách làm của từng địa phương.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La Lê Quang Trung cho biết, để xúc tiến thương mại nông sản đạt kết quả tốt, trước hết, ngành nông nghiệp phải có sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng cung ứng ra thị trường. Hiểu rõ được điều đó, Sơn La tập trung sản xuất các sản phẩm nông sản bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, xuất khẩu. Cùng với đó là xây dựng hồ sơ sản phẩm như: xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc, GAP, nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông sản, tạo niềm tin đối với khách hàng. Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng các bản tin, clip, hình ảnh về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản an toàn, giới thiệu quy trình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm nông sản.

Trong tiêu thụ nông sản, xuất khẩu là khâu đột phá nhưng cũng cần cân đối cung cầu, phù hợp điều kiện và năng lực sản xuất, kinh doanh của người dân và thương nhân trong tỉnh. Đồng thời, đối với cơ quan chức năng cần thực hiện tốt từ khâu chỉ đạo đến sản xuất thực tiễn.

Một điều quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải nắm thông tin về nhu cầu người tiêu dùng, đánh giá, phân tích thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Qua đó, định hướng sản xuất tạo mọi điều kiện cho nông dân sản xuất ra sản phẩm đủ số lượng, bảo đảm tiêu chuẩn; tiêu thụ được sản phẩm, lựa chọn nơi, thời gian, quy mô, hình thức xúc tiến thương mại cho từng loại sản phẩm cho phù hợp - tiết kiệm, nhưng hiệu quả cao.

Để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nông sản, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu cần tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản có trọng tâm, trọng điểm, có quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa... của thị trường nhập khẩu cụ thể.

Tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên, căn cứ trên năng lực sản xuất, xuất khẩu thực tế.

Tăng cường việc tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề phổ biến các quy định của thị trường nhập khẩu về yêu cầu đối với bao bì, nhãn mác, kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng nhập khẩu... cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước, trong đó có thể xem xét phát hành các ấn phẩm hướng dẫn về xuất khẩu nông sản, thủy sản sang một số thị trường trọng điểm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy.

Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng, cơ quan chức năng cần tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao. Duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc, mở rộng thị trường nông sản sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu hay Trung Đông. Lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN.../.

Hoàng Anh Thư (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất