Theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 3/5/2016, đã có 29
bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ TT&TT hoàn thành liên thông hệ
thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ (VPCP).
Như ICTnews đã đưa tin,
trong công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 8/4, Văn phòng
Chính phủ cho biết, thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ
điện tử, cơ quan này đã kết nối hệ thống quản lý văn bản với 63 tỉnh,
thành và 11 bộ, ngành. Đồng thời, TP.HCM đã là địa phương đầu tiên trong
cả nước đã chính thức liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với
Văn phòng chính phủ qua Trục liên thông trên hệ thống Mạng truyền số
liệu chuyên dùng.
Liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép gửi, nhận văn bản điện
tử giữa Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương qua hệ thống
Trục liên thông; đồng thời hệ thống cho phép tự động nhận biết được
trạng thái xử lý văn bản giữa 2 cơ quan.
Kinh nghiệm liên thông văn bản điện tử giữa TP.HCM và Văn phòng Chính
phủ cho thấy, việc liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử giữa Văn
phòng với các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giảm tỷ lệ sử dụng giấy
tờ, giảm thời gian xử lý công việc, cung cấp công cụ để kiểm tra, giám
sát quá trình thực thi công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính
xác, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động
của cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng trong công văn nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã đề xuất lịch
triển khai kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương với Văn
phòng qua trục liên thông chia làm 2 giai đoạn, trong đó: ở giai đoạn 1
(từ ngày 25/3 đến 30/4/2016) có 30 bộ, ngành, địa phương triển khai liên
thông với Văn phòng Chính phủ; giai đoạn 2, (từ ngày 1/5 đến
30/5/2016) có 42 bộ, ngành, địa phương thực hiện liên thông văn bản điện
tử với Văn phòng Chính phủ.
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa cho hay, thực hiện
kế hoạch của Văn phòng Chính phủ, trong giai đoạn 1 từ ngày 25/3 - 30/4/2016,
đã có 21 bộ, ngành, địa phương hoàn thành liên thông hệ thống quản lý
văn bản với Văn phòng Chính phủ, gồm 4 Bộ TT&TT, KH&ĐT, Công
Thương, Xây dựng và 17 tỉnh, thành phố là Hà Nội,
Hải Phòng, Đồng Nai, Tiền Giang, Hải Dương, Cà Mau, Long An, Khánh Hòa,
Bình Dương, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Nam Định,
Hà Giang, Bắc Ninh và Đắk Nông.
Như vậy, so với kế hoạch của Văn phòng Chính phủ, giai đoạn 1 vẫn còn
9 bộ, ngành, địa phương chưa liên thông hệ thống quản lý văn bản điện
tử với Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện
liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với 9 bộ, ngành, địa phương
chưa liên thông của giai đoạn 1 và 42 bộ, ngành, địa phương của giai
đoạn 2 từ ngày 1/5 -30/5/2016.
Tuy nhiên, cũng theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày
3/5/2016, giai đoạn 2 đã có 7 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Hưng Yên,
Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Trị, Bạc Liêu và Lào Cai hoàn thành liên
thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ.
Trong các địa phương đã liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử
với Văn phòng Chính phủ, một số địa phương như Đắk Nông, Hà Giang,
Tuyên Quang, Cao Bằng... mặc dù khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, về triển
khai các ứng dụng CNTT nhưng đã tìm cách khắc phục và hoàn thành tốt
việc liên thông.
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai do đang trong giai đoạn thay thế phần mềm cũ
nên không được đưa vào kế hoạch liên thông hệ thống quản lý văn bản điện
tử với Văn phòng Chính phủ song với quyết tâm của UBND tỉnh, sự hỗ trợ
của Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, tỉnh Lào Cai đã hoàn
thành liên thông trước thời hạn dự kiến./.
Theo ICTnews