Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 8/12/2010 9:26'(GMT+7)

3 giai đoạn hoàn thiện lộ trình phòng chống tham nhũng

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 9/12 hàng năm là Ngày Quốc tế Phòng chống tham nhũng. Đây là cơ hội để nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về ảnh hưởng của tham nhũng và các biện pháp đấu tranh, đồng thời vận động tham gia phối hợp hành động với Liên Hợp Quốc phòng, chống tham nhũng.

Hiện nay, đấu tranh chống tham nhũng là mối quan tâm toàn cầu, bởi tham nhũng xảy ra ở cả những quốc gia phát triển và đang phát triển. Thực tế cho thấy, nó ảnh hưởng nhiều nhất tới người nghèo.

Các Chính phủ, khu vực tư, tổ chức phi Chính phủ, phương tiện truyền thông và nhân dân trên toàn thế giới đang liên kết đấu tranh chống lại tham nhũng. Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và cơ quan Phòng chống Ma tuý và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) đóng vai trò chủ đạo trong các nỗ lực phòng chống tham nhũng toàn cầu.

UNODC là cơ quan bảo vệ công cụ pháp lý duy nhất về chống tham nhũng có hiệu lực ràng buộc quốc tế - Công ước Liên Hợp Quốc (có hiệu lực kể từ ngày 14/12/2005) về phòng chống tham nhũng. Là một công cụ phòng, chống tham nhũng toàn diện, Công ước được phê chuẩn bởi hơn 2/3 tổng số 192 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc.

Công ước này rất quan trọng vì giờ đây tất cả nỗ lực phòng chống tham nhũng ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu đều có chung một khuôn khổ duy nhất về nghĩa vụ và hướng dẫn thực thi Công ước.

UNODC với vai trò là cơ quan bảo vệ Công ước sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên và những quốc gia đã tham gia ký kết Công ước thông qua tăng cường năng lực tư pháp, bảo đảm tính liêm chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giới thiệu những cách làm hay và xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng hiệu quả.

UNDP giải quyết vấn nạn tham nhũng thông qua các nỗ lực xoá đói giảm nghèo, tiến tới phát triển bền vững và hỗ trợ các quốc gia thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

UNDP hỗ trợ các quốc gia tăng cường năng lực quản trị để các cơ quan Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, hỗ trợ và tham vấn cho các quốc gia đang phát triển trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

UNDP chú trọng tới việc nâng cao vai trò của các phương tiện truyền thông và xã hội dân sự, khuyến khích người dân quan tâm hơn tới việc giám sát các hoạt động của chính quyền.

Công ước được Việt Nam phê chuẩn ngày 30/6/2009 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 18/9/2009. Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng bao gồm 53 hoạt động chính về tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng và nội dung Công ước, nội luật hoá các quy định để đáp ứng yêu cầu của Công ước.

Lộ trình thực hiện Công ước được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn I (từ nay đến năm 2011) tập trung vào mục tiêu hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, chú trọng tới các biện pháp phòng ngừa; quy định chức năng, thẩm quyền và cơ chế phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền về phòng, chống tham nhũng; thực thi, kiểm tra, giám sát, đánh giá các giải pháp phòng, chống tham nhũng; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng.

Giai đoạn II (từ 2011 – 2016) sẽ đánh giá kết quả bước đầu thực hiện các hoạt động, các giải pháp phòng chống tham nhũng đã triển khai trong giai đoạn I; và tiến hành bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các giải pháp phòng chống tham nhũng.

Giai đoạn III (từ 2016 - 2020) tập trung đánh giá toàn diện việc thực thi Công ước, bổ sung cơ chế, kiện toàn tổ chức nâng cao năng lực và hiệu quả phòng chống tham nhũng.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực thực hiện Kế hoạch và chuẩn bị là quốc gia được đánh giá việc thực thi Công ước vào năm 2011./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất