Thứ Hai, 23/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 21/3/2016 23:11'(GMT+7)

38 tập phim “Gia phả của đất” ra mắt khán giả

Toàn cảnh họp báo (Ảnh DP)

Toàn cảnh họp báo (Ảnh DP)

Bộ phim “Gia phả của đất” đã lột tả bức tranh đầy màu sắc về nông thôn Bắc Bộ thời kỳ đổi mới với cái nhìn chân thực về cuộc sống người nông dân trải dài từ cuối những năm 70. Một mảnh đất, một vùng quê, cũng có số phận như con người. Theo thời gian, vùng quê đó đã viết nên những trang Gia phả cho riêng mình. Và cái Gia phả ấy huy hoàng huy u tối, vinh quang hay tủi nhục, là do chính những người sống cùng nó viết nên. “Gia phả của đất” - kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hoàng Minh Tường - người được mệnh danh là “cây bút của làng quê viết về nông thôn có hạng”, do NSƯT Trận Quốc Trọng đạo diễn.

“Gia phả của đất” là sự khẳng định nỗ lực muốn tạo nên một dòng phim đậm bản sắc việt. Những thân phận con người ở các vùng quê bình dị gắn với biến cố thời cuộc, sự chuyển mình của làng quê qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, cuộc sống của bao người nghèo ở vùng nông thôn vẫn luôn là hiện thực được cả xã hội quan tâm.

Phát biểu tại họp báo đạo diễn NSƯT Trần Quốc Trọng chia sẻ: Đây là bộ phim được đầu tư tỉ mỉ, công phu với quãng thời gian sản xuất kéo dài gần hai năm. 38 tập phim đã chuyển tải những nội dung quan trọng nhất của nguyên tác, đồng thời cũng phát triển và sáng tạo thêm để làm nổi bật những mảnh đời, những thân phận người dân nghèo gắn bó vả cuộc đời với nông thôn, đồng ruộng.

Chuyện phim kể về một vùng quê Bắc Bộ với thời gian trải dài từ cuối những năm 70 tới ngày hôm nay. Xã Thanh Bình, một mảnh đất thuần nông đã phải chứng kiến rất nhiều câu chuyện, đau thương có, mà nực cười cũng có trong giai đoạn xã hội phát triển từ thời kỳ bao cấp sang đổi mới. Trong bức tranh nông thôn đấy, đạo diễn đã khắc hoạ sinh động những nhân vật điển hình mang đậm tâm tính con người ở một xã nông nghiệp Bắc Bộ: người thì giáo điều; kẻ thì hám thành tích, luôn tìm cách đầu cơ trục lợi, và không thiếu những thủ đoạn nham hiểm, thừa cơ đục nước béo cò; người trung thực, luôn đấu tranh và chịu rất nhiều thiệt thòi cho gia đình để quyết tâm nhổ tận gốc sự yếu kém đã bám dễ trên mảnh đất quê hương mình. Bộ phim cũng cho thấy những cuộc đối đầu vô cùng quyết liệt và gian truân trong việc lựa chọn những người cán bộ vì quyền lợi hay vì lý tưởng. Suốt một khoảng thời gian dài, những vấn đề của làng quê cứ thế diễn ra tạo nên những vết sẹo không thể xoá mờ, nhưng cũng làm nên sự thay da đổi thịt trên chính mảnh đất quê hương.

Đã từng thành công không ít bộ phim về đề tài nông thôn như “Hương đất”, “Bí thư Tỉnh uỷ”, “Bão qua làng” ..., đạo diễn NSƯT Trần Quốc Trọng đã dành nhiều tâm huyết với “Gia phả của đất” không có người xấu hoàn toàn và cũng chẳng có người tốt toàn diện. Họ đa phần là những người nông dân bị cuốn theo dòng chảy của cả một thời kì, để rồi sự thuần phác, vô tư, nhiệt tình bị lợi dụng bởi chính sự tha hoá biến chất của những kẻ tham vọng tiền quyền và tư duy ý chí.

Ngoài nội dung sâu sắc, khán giả sẽ còn cảm nhận được một sự kì công về mặt tạo hình, phục dựng bối cảnh làng nghề Việt Nam những năm 70. Đoàn làm phim đã lựa chọn nhiều vùng quê khác nhau để tạo nên một vùng nông thộn Bắc Bộ điển hình. Đặc biệt, “Gia phả của đất” cũng là một trong những bộ phim đầu tiên VFC sử dụng công nghệ chỉnh màu hiện đại, nhằm mang lại hiệu ứng tốt nhất về hình ảnh, không khí làng quê với không gian và thời gian trải dài suốt nhiều thập kỉ.

Bộ phim có sự kết hợp giữa những diễn viên kì cựu và những gương mặt trẻ. Vai chính do NSƯT Hoàng Hải đảm nhận (chủ tịch hợp tác xã Cơ) đã lột tả chân thực hình ảnh người cán bộ đầy nhiệt huyết, chân chất, dần bị những ham hố quyền lực, mưu tính thiệt hơn làm tha hoá. NS Đàm Hằng cũng được lựa chọn để cùng lúc đảm nhận hai vai diễn với tính cách trái ngược hẳn nhau, qua đó thể hiện khả năng diễn xuất rất đa dạng. Đây có thể coi là điểm sáng tạo đặc biệt mà đạo diễn đã dụng công khi xây dựng nhân vật. Ngoài ra, thành công của bộ phim không thể không nhắc đến sự đóng góp của NSND Minh Châu, NSƯT Đình Chiến, NSƯT Đỗ Kỷ, Phú Đôn với độ chín về nghề nghiệp, tạo nên những nhân vật vô cùng ấn tượng. Các diễn viên trẻ như Danh Tùng, Huyền Trang, Huyền Sâm,... cũng đã đảm nhận những vai diễn rất quan trọng.

Như lời nhận xét của NSƯT Trần Quốc Trọng, “Gia phả của đất” có thể xem như một thách thức trong xu hướng xem truyền hình hiện nay, khi có quá nhiều chương trình truyền hình thực tế lựa chọn các nghệ sĩ giải trí để thu hút người xem./.

Duy Phong


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất