Thứ Hai, 23/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 2/3/2016 14:11'(GMT+7)

Đóng góp cụ thể, thiết thực phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: TH)

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: TH)

Ngày 2-3, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đến tham dự Hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và đông đảo các văn nghệ sỹ.

Chủ tịch nước đồng chí Trương Tấn Sang; đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đồng chí Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chủ trì Hội nghị.

 
 Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh đã nhấn mạnh mấy vấn đề mà Hội nghị lần này cần tập trung và bàn bạc kỹ. Đó là, (1) về việc triển khai thực hiện Đề án khoa học cấp Nhà nước “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam – thực tiễn và định hướng phát triển”. (2) về việc tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc và các lớp tập huấn chuyên môn. (3) về hoạt động tặng thưởng, hỗ trợ các công trình, tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. (4) về công tác nghiên cứu, khảo sát tình hình văn học, nghệ thuật. (5) về việc thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Đề án 213 “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”. Ngoài 5 nhiệm vụ nêu trên, cần góp ý để cải tiến phương thức hoạt động của các tiểu ban chuyên môn, nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động của Hội đồng.

Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao

Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ Đại hội XI, đồng chí Đào Duy Quát nêu rõ: Hội đồng đã có nhiều cố gắng triển khai, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đạt được những kết quả nổi bật, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật của đất nước trong tình hình mới.

Về triển khai thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đồng đã chủ trì nghiên cứu Đề án khoa học cấp Nhà nước Lý luận văn nghệ ở Việt Nam – Thực trạng và định hướng phát triển nhằm nghiên cứu, tổng kết toàn diện quá trình hình thành và phát triển của thực tiễn lý luận văn nghệ ở Việt Nam; đặc biệt là lý luận văn nghệ từ đầu thế kỷ XX đến nay. Từ đó, đánh giá thành tựu, hạn chế và đề xuất những vấn đề đặt ra trong thực tiễn lý luận văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; hệ thống hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng luận cứ khoa học và định hướng phát triển lý luận văn học, nghệ thuật ở Việt Nam.

Thông qua các cuộc khảo sát tình hình văn  học, nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài, Hội đồng đã góp phần giúp các cấp, các ngành nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa, văn học, nghệ thuật, đẩy mạnh chương trình hành động của Tỉnh ủy, Thành ủy thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về văn học nghệ thuật; tạo niềm tin và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ trong hoạt động phát triển văn học, nghệ thuật. Phương thức này được hầu hết các địa phương, đơn vị đánh giá cao. Từ thực tiễn công tác khảo sát trong nước, Hội đồng đã có văn bản, tư vấn, kiến nghị với Đảng và Nhà nước để hoàn thiện đường lối và thể chế hóa thành luật, cơ chế, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật. Về khảo sát nước ngoài, Hội đồng chú trọng lựa chọn các nước đến khảo sát có những điểm tương đồng nhất định về văn hóa, văn học, nghệ thuật đối với Việt Nam; coi trọng việc đề xuất, kiến nghị của Đảng, Nhà nước những kinh nghiệm, thiết thực, phù hợp với thực tiễn nước ta.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đồng đã chủ động tham mưu, góp sức đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật.  Hội đồng đã chủ động, tích cực bám sát thực tiễn đời sống văn nghệ thông qua các đợt đi khảo sát các địa phương, các cơ quan, đơn vị văn hóa – văn nghệ, các trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, đại học sư phạm trọng điểm nên đã kịp thời chỉ ra ưu điểm và nhất là những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong giảng dạy, nghiên cứu văn học nghệ thuật cũng như trong hoạt động sáng tác, lý luận, phê bình, quảng bá, xuất bản, phát hành, trao thưởng. Từ đó, Hội đồng đã kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp đấu tranh với những biểu hiện sai trái, lệch lạc đó.

Hội đồng đã tổ chức 9 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 1800 lượt cán bộ lý luận, phê bình, các phóng viên, biên tập viên văn hóa – văn nghệ cho các báo, đài, tạp chí về quan điểm, đường lối văn nghệ của Đảng, về nghiệp vụ lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, giúp học viên nhận diện đúng các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật.

Bên cạnh đó, Hội đồng đã tổ chức tốt công tác tặng thưởng, hỗ trợ các công trình, tác phẩm, bài viết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.  Thông qua các hoạt động này, đã khẳng định, cổ vũ những tác phẩm lý luận, phê bình có chất lượng tốt, phục vụ trực tiếp việc định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Thúc đẩy và phát huy tiềm năng của đội ngũ lý luận, phê bình văn học nghệ thuật; tập hợp, động viên được lực lượng lý luận, phê bình trong cả nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận và khẳng định, trong thời gian từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trên thế giới tiếp tục có những biến động quan trọng và phức tạp. Công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta có những thuận lợi, nhưng đồng thời phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Công tác tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, ngoài những thuận lợi, sẽ xuất hiện những vấn đề mới, phức tạp. Trong đó, sự đa dạng tư tưởng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là xu hướng tất yếu. Vì vậy, sau khi Ban Bí thư có quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế, tổ chức bộ máy của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nhiệm kỳ Đại hội XII, Hội đồng khóa mới sẽ bám sát chức năng, nhiệm vụ; bám sát phương hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, xây dựng, phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, con người Việt Nam nêu trong Nghị quyết 33 (khóa XI) và Nghị quyết 23 (khóa X) về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo, Hội đồng sẽ xây dựng các mục tiêu rõ ràng, đi liền với các biện pháp đồng bộ, có tính đột phá để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công hai mục tiêu lớn. Đó là:

Thứ nhất, tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam, hướng tới chân, thiện, mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ lý luận, phê bình phát triển cả về số lượng và chất lượng, bao gồm các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có lòng yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần trực tiếp bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách cho các thế hệ con người Việt Nam.
 
 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị

Đóng góp cụ thể, thiết thực phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Đinh Thế Huynh đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Hội đồng đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ trong nhiệm kỳ vừa qua.

Đồng chí Đinh Thế Huynh đã đề nghị Hội đồng cần bám sát một số đánh giá quan trọng được nêu trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để xác định đúng phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Thông qua tổng kết nhiệm kỳ này, cần đúc rút những kinh nghiệm, kiến nghị những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Hội đồng. Trên cơ sở đó, trình Ban Bí thư quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (nhiệm kỳ Đại hội XII).

Về xây dựng chương trình hoạt động toàn khóa của Hội đồng, đồng chí Đinh Thế Huynh lưu ý một số vấn đề như sau:

Về cơ chế hoạt động, Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số; đồng thời cần bàn bạc dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Cần tập hợp, đoàn kết, huy động đông đảo các cơ quan nghiên cứu, nhà lý luận, phê bình văn nghệ tham gia việc phát triển nền lý luận văn nghệ Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động phê bình văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng, phát triển nền văn nghệ Việt Nam với mục tiêu: tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn hóa, văn học Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam hướng tới chân, thiện, mỹ; xây dựng đội ngũ văn nghệ Việt Nam phát triển cả về số lượng và chất lượng, bao gồm các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với tư tưởng và nghệ thuật, với sự nghiệp đổi mới, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, bản lĩnh, nhân cách cho các thế hệ con người Việt Nam.

Về phương thức hoạt động, Hội đồng là nơi tập hợp các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ, nhất là đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn nghệ, là địa chỉ tin cậy về văn hóa, văn nghệ. Hội đồng cần trân trọng tài năng, nhân cách và phát huy thế mạnh của từng thành viên trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Hội đồng cần phối hợp tốt hơn nữa với Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, với các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương; các viện nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật; các cơ sở đào tạo, các cơ quan báo chí để vừa tập hợp mọi lực lượng tham gia công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vừa đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá các hoạt động, các công trình tác phẩm lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật.

Trong sinh hoạt khoa học Hội đồng, các thành viên Hội đồng bình đẳng, đề cao tinh thần trách nhiệm, trân trọng phong cách, phẩm giá và tính cách của mỗi thành viên; đồng thời phong cách, tính cách của người này không làm tổn thương, phong cách, tính cách và danh dự của người khác.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng tin tưởng rằng, hoạt động trong nhiệm kỳ tới của Hội đồng sẽ có bước phát triển mới, có những đóng góp cụ thể, thiết thực, góp phần đưa Nghị quyết 33 (khóa XI) và Nghị quyết 23 (khóa X) đi vào cuộc sống.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tich nước Trương Tấn Sang cũng đã biểu dương, đánh giá cao Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trong nhiệm kỳ qua đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, với tinh thần đoàn kết, hợp tác, tích cực, chủ động đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ tịch nước khẳng định: Việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đi đôi với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, hướng tới chân, thiện, mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là sự nghiệp hết sức quan trọng và lâu dài. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đồng đã kế thừa tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Trung ương và Bộ Chính trị, góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ.

Theo Chủ tịch nước, mặc dù trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng công tác tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật vẫn còn những tồn tại, phức tạp. Vì vậy, trong nhiệm kỳ mới, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cần kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tăng cường tập hợp, động viên các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học đóng góp trí tuệ, nghiên cứu, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế cận.

Chủ tịch nước lưu ý Hội đồng cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, cơ chế, phương thức hoạt động, triển khai tốt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Kết luận, Chỉ thị của Ban Bí thư, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật, hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để đất nước ngày càng phát triển một cách an toàn, bền vững.

Thu Hằng




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất