Thứ Bảy, 27/7/2024
Hướng dẫn chỉ đạo
Thứ Sáu, 27/4/2012 8:14'(GMT+7)

40 năm chiến thắng Quảng Trị

Bộ đội ta vào giải phóng Quảng Trị. Ảnh TL                                                              ( Ảnh: Ảnh tư liệu )

Bộ đội ta vào giải phóng Quảng Trị. Ảnh TL ( Ảnh: Ảnh tư liệu )

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Bộ dự định tiến công trên ba hướng: Miền Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị Thiên. Trong đó, hướng Trị Thiên được Bộ xác định là hướng tiến công chiến lược chủ yếu của bộ đội chủ lực năm 1972, nhằm tiêu diệt phần lớn lực lượng quân sự của địch ở Trị Thiên, giải phóng phần lớn địa bàn Trị Thiên.

Cuối tháng 3-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Lê Quang Ðạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy. Ðồng chí Văn Tiến Dũng được Bộ chỉ định làm đại diện Quân ủy Trung ương ở hướng chiến dịch này. Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm trong thời gian từ 20 đến 25 ngày tiến công tiêu diệt cho được bốn đến năm trung đoàn địch và thực hiện nổi dậy giải phóng Quảng Trị, sau đó phát triển vào hướng Trị Thiên Huế. Ðây là một chiến dịch tập trung lực lượng lớn, tác chiến hiệp đồng binh chủng, diễn ra trên một không gian rộng, với thời gian tương đối dài.

Quảng Trị là nơi đối đầu lịch sử, gồm những căn cứ quân sự mạnh nhất của địch, ở ngay vùng giới tuyến quân sự được chọn làm mục tiêu tiến công trong giai đoạn đầu của chiến dịch. Trong đó, lực lượng địch ở đây gồm có: hai sư đoàn bộ binh tăng cường, bốn tiểu đoàn và 94 đại đội bảo an, năm đại đội pháo binh (gồm 258 khẩu pháo), ba thiết đoàn xe tăng và thiết giáp. Trên tuyến phòng thủ cơ bản, địch chiếm các cao điểm từ Cồn Tiên Dốc Miếu, Ðộng Toàn, Ðộng ông Do, điểm cao 367, hình thành một hệ thống vành đai phòng thủ vững chắc, bao bọc lấy vùng đồng bằng và các thị xã, thị trấn. Lực lượng ta trong chiến dịch này, giai đoạn đầu, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng ba sư đoàn bộ binh cơ động chiến lược, một số trung đoàn độc lập địa phương và một bộ phận lớn các binh chủng kỹ thuật. Cụ thể, Sư đoàn 308 tiến công quân địch trên hướng bắc, Sư đoàn 324 tiến công quân địch ở bắc và nam sông Quảng Trị, Sư đoàn 304 tiến công theo hướng phòng thủ phía tây của địch. Hướng tây Quảng Trị được Bộ Tư lệnh chọn là hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch. Lực lượng của địch ở hướng này gồm: Trung đoàn 56 ở cao điểm Ba Hồ, Ðầu Mầu, sở chỉ huy của địch ở điểm cao 241 và lữ đoàn lính thủy đánh bộ ngụy ở cao điểm Ðộng Toàn, điểm cao 356, sở chỉ huy của chúng ở Mai Lộc.

Trong chiến dịch này, Sư đoàn 304 được tăng cường Trung đoàn Pháo binh 38, Trung đoàn Cao xạ 241, một đại đội xe tăng, một tiểu đoàn công binh, hai trung đội súng phun lửa và trinh sát hóa học. Sư đoàn có nhiệm vụ tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ phía tây, tiêu diệt địch ở Ðộng Toàn, Ba Hồ, Ðầu Mầu, núi Kiếm, bao vây tiến tới tiêu diệt địch ở cứ điểm 241, rồi tiến tới tiêu diệt sân bay Ái Tử. Theo nhận định của ta, trong quá trình tiến công vòng ngoài của địch, địch có thể tăng viện ra phía tây Quảng Trị từ một trung đoàn đến một sư đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn thiết giáp, ba tiểu đoàn pháo và 100 đến 150 tàu chiến, máy bay hoạt động trong ngày, ngoài ra có máy bay B52 sẵn sàng đối phó. Do nghiên cứu trinh sát tỉ mỉ ở phía sau lưng địch, trong khi pháo binh ta bắn chuẩn bị, Sư đoàn đã đưa ngay Trung đoàn 24 vào bao vây cao điểm 241. Nhờ vậy, khi ta nổ súng tiến công, quân địch bị bất ngờ và trở tay không kịp. Ðúng 11 giờ30 phút ngày 30-3-1972, toàn mặt trận nổ súng, một cơn bão lửa trút xuống các căn cứ Mỹ - ngụy dọc đường 9. Trên hướng tây, cùng 11 giờ 30 phút, các trận địa pháo của Trung đoàn 38 và Trung đoàn 68 cũng dội bão lửa xuống Ðộng Toàn, Ba Hồ, Ðầu Mầu, căn cứ Phú Lộc, điểm cao 241. Sau hai giờ chiến đấu, Trung đoàn 9 làm chủ Ðầu Mầu - một vị trí phòng thủ phía tây cao điểm 241. Sau nhiều lần tổ chức tiến công, đến 6 giờ sáng ngày 1-4, Trung đoàn 66 làm chủ Ðộng Toàn và Ba Hồ. Quân địch mệnh danh cho Ðộng Toàn là "con mắt thần" của hướng tây.

Vậy là trong hai ngày đầu của chiến dịch, Sư đoàn 304 cùng các đơn vị bạn đập tan một mảng vỏ cứng tuyến phòng thủ vòng ngoài phía tây Quảng Trị, đó là Ðộng Toàn, Ba Hồ, Ðầu Mầu, núi Kiếm.

Sáng 2-4, Nguyễn Văn Thiệu vội vã từ Sài Gòn ra Huế triệu tập các tư lệnh sư đoàn để đối phó với ta. Thiệu ra lệnh cho Ðại tướng Vũ Văn Giai và Hoàng Xuân Lãm không được bỏ một tấc đất và lệnh điều động thêm Sư đoàn lính thủy đánh bộ ra Trị Thiên. Trong khi đó, quân ta bao vây ép địch ở cao điểm 241. Ðúng 11 giờ 30 phút ngày 2-4-1972, tên trung tá trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 ngụy treo cờ trắng đầu hàng. Sau bốn ngày của chiến dịch, Sư đoàn 304 đã chiếm được các cứ điểm Ðầu Mầu, Ðộng Toàn, Ba Hồ, cao điểm 241 và Mai Lộc; đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ, bức hàng Trung đoàn 56 ngụy, diệt hai tiểu đoàn pháo, một lữ đoàn xe tăng, thiết giáp của thiết đoàn 11, thu 14 xe ô-tô, 50 pháo (trong đó có bốn khẩu 175mm), bắn rơi 18 máy bay các loại. Tuyến phòng thủ phía tây bắc Quảng Trị bị quân ta đập tan.

Ngày 4-4, Lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ điều từ Sài Gòn ra Mỹ Chánh, các liên đoàn biệt động 4, 5, 6 điều từ quân khu 2 tăng cường cho Ðông Hà - Quảng Trị. Ðịch cố thủ ở Ðông Hà, Ái Tử, Quảng Trị với quân số tương đương hai sư đoàn. Ðặc biệt, chúng tăng cường hoạt động không quân, có ngày tới 237 lần chiếc. Ngoài biển thường xuyên có bảy đến tám chiến hạm Mỹ bắn phá.

Từ ngày 6-4-1972, không quân Mỹ đánh phá miền bắc, lần đầu tiên chúng dùng máy bay B52 đánh phá thành phố, thị xã Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, phong tỏa cảng... Trước thực tế  trên, Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận định: Ðịch tăng cường nhưng chưa được củng cố, tinh thần còn hoang mang. Ta đánh mạnh thì chúng sẽ tan vỡ nhanh. Ðể tiến công tiêu diệt các cụm phòng ngự của địch, giải phóng hoàn toàn Quảng Trị. Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng Sư đoàn 308 tiến công tiêu diệt địch cụm Ðông Hà, Lai Phước. Sư đoàn 324 đánh địch ở La Vang, cắt giao thông trên quốc lộ 1, bắc cầu Mỹ Chánh - nam thị xã Quảng Trị. 15 giờ ngày 28-4, pháo binh ta bắt đầu bắn phá các tuyến phòng ngự, Sư đoàn 304 được phối thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 390 tiến công vào Ái Tử, đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 3 ngụy, tên tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh sư đoàn phải trà trộn đám tàn quân chạy về Thành cổ Quảng Trị. Trung đoàn 66 vượt sông Mỹ Chánh đánh vào hậu phương quân địch tại thị xã Quảng Trị.

Trong lúc Sư đoàn 304 tiến công vào Ái Tử, Sư đoàn 308 tiến công quân địch ở Ðông Hà - Lai Phước tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch ở Quảng Trị; đến 15 giờ ngày 29-4, quân ta làm chủ hoàn toàn Ðông Hà. 9 giờ 30 phút ngày 1-5, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đã cắm cờ chiến thắng lên Tòa hành chính thị xã Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trên chiến trường miền nam được hoàn toàn giải phóng. Chiến trường Quảng Trị là sự phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường toàn miền nam. Thắng lợi của chiến dịch này có ý nghĩa lớn về mặt chiến lược, vì đó là tuyến đầu của Mỹ - ngụy, chúng lập lên hàng rào Mác-na-ma-ra hòng chặn đứng quân ta, không cho quân ta xâm nhập vào miền nam. Hàng rào đó đã bị quân ta đập vỡ tan tành.

Ðồng thời, cùng với 12 ngày đêm chiến thắng Ðiện Biên Phủ trên không tại Thủ đô Hà Nội, từ đó bọn địch phải ký kết Hiệp định Pa-ri, đó là một thất bại về chiến lược của Mỹ. Như vậy, quân và dân ta đã thực hiện được lời chúc Tết của Bác Hồ năm xưa là "Ðánh cho Mỹ cút......" và cũng từ đó Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra mắt với thế giới trên mảnh đất Ðông Hà - Quảng Trị để đón tiếp các đại sứ và khách nước ngoài.

Sau khi giải phóng tỉnh Quảng Trị, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm chiến trường và thăm Sư đoàn 304, Ðại tướng căn dặn "Sư đoàn là một trong những Sư đoàn thép của Quân đội nhân dân Việt Nam, Sư đoàn phải rèn luyện cho thật mạnh". Cũng trong năm 1973, Lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô, nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm vùng giải phóng miền nam và Thủ tướng Phạm Văn Ðồng cùng đi. Trong buổi mít-tinh tại căn cứ 241, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã phất cao lá cờ giải phóng. Ðồng chí nói "Các đồng chí hãy đem lá cờ bách chiến, bách thắng này cắm vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền ngụy Sài Gòn".

Hai năm sau đó, tức là ngày 30-4-1975, Sư đoàn 304 đã cắm lá cờ bách chiến, bách thắng đó trên nóc Dinh Ðộc Lập của chính quyền ngụy Sài Gòn vào lúc 11 giờ 30 phút.

Trung tướng NGUYỄN ÂN

Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất