Thứ Năm, 12/12/2024
Xã hội
Thứ Năm, 17/2/2022 14:34'(GMT+7)

43 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Tiếng gọi của nghĩa tình

Nhiều cựu chiến binh trên khắp mọi miền Tổ quốc thắp hương tưởng niệm các đồng đội tại Đài hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên điểm cao 468 nằm ở lưng chừng núi Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). (Ảnh: TTXVN)

Nhiều cựu chiến binh trên khắp mọi miền Tổ quốc thắp hương tưởng niệm các đồng đội tại Đài hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên điểm cao 468 nằm ở lưng chừng núi Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). (Ảnh: TTXVN)

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mảnh đất Hà Giang là một trong những nơi có nhiều hy sinh, mất mát nhất cả nước.

Theo thống kê từ các đầu mối tham gia chiến đấu tại Hà Giang, giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989 có trên 4.100 chiến sỹ hy sinh tại đây.

Thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn", “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, hàng chục năm qua, Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được hơn 2.900 hài cốt liệt sỹ, trong đó quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên hơn 1.800 liệt sỹ.

Ngã ba Thanh Thuỷ ở thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) được gọi là “ngã ba cửa tử” trong cuộc chiến chống quân xâm lược tại mặt trận Vị Xuyên hàng chục năm trước. Ngã ba này dẫn tới cao điểm 468 với những cái tên khốc liệt như “Đồi thịt băm”, “Thác gọi hồn”, “Lò vôi thế kỷ”.

Cảm khái đứng ở Đền thờ các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên đặt tại cao điểm 468, Đại úy Lê Hồng Mai, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 356, Quân khu 2, hiện ở thành phố Hà Giang nói: Đây từng là trung tâm của mặt trận Vị Xuyên phía Tây sông Lô, cũng là địa điểm đặt đài quan sát và trận địa pháo của bộ đội ta. Sau khi bị quân dân ta chặn đánh thiệt hại nặng nề, địch buộc phải rút quân vào ngày 5/3/1979. Năm 1984 chúng quay trở lại đây thực hiện chiến dịch xâm lấn. Trên những khe đá, thung sâu của Vị Xuyên vẫn còn hàng nghìn người lính nằm lại chưa được tìm thấy và quy tập; hàng ngàn hecta đồi núi vẫn còn sót lại vật liệu nổ của những trận địa hai bên chiến tuyến.

Đại úy Lê Hồng Mai trầm tư cho hay, những cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên và Sư đoàn 356 như ông đã nhiều lần cung cấp thông tin cũng như cùng các cán bộ, chiến sỹ của Tổ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang tìm kiếm hài cốt liệt sỹ khắp dọc dải biên giới Vị Xuyên. Họ cũng dựa vào người dân, nắm nhiều nguồn thông tin để xác định chính xác nơi có hài cốt.

Quá trình quy tập gặp nhiều trở ngại do địa hình đồi núi hiểm trở, còn sót lại nhiều bom mìn, vật cản nhưng tất cả luôn tâm niệm mình phải cố gắng đưa được những đồng đội đã hy sinh xương máu cho nền độc lập của đất nước hôm nay về yên nghỉ bên đồng đội, gia đình.

Chia sẻ suy nghĩ về những liệt sỹ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc vẫn chưa được quy tập, còn nằm lại đâu đó tại chiến trường năm xưa ở Hà Giang, Đại tá Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cho hay: Hà Giang là tỉnh ra khỏi chiến tranh sau cùng của đất nước. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới bắt đầu từ năm 1979 và kết thúc vào năm 1989. Ở Hà Giang, hậu quả của nó để lại rất to lớn. Diện tích đất đai bị ô nhiễm bởi bom mìn trên địa bàn tỉnh sau chiến tranh lên tới hơn 90.000 hecta.

Đến thời điểm hiện tại, Hà Giang dù đã rà phá được hơn 12.000 hecta nhưng diện tích bị ô nhiễm bom mìn còn lại vẫn rất lớn. Vì vậy, ngoài những khó khăn do địa hình, địa vật thì bom mìn, vật nổ còn dầy đặc, chưa giải phóng được là vấn đề gây rất nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

43 nam cuoc chien bao ve bien gioi phia Bac: Tieng goi cua nghia tinh hinh anh 2Tháng Bảy tri ân, những người cựu binh năm xưa cùng về với nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên để thắp nén nhang thơm tưởng nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống. (Ảnh: TTXVN)

Nhưng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ và cũng là mong muốn của những người lính nói riêng.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang đã thực hiện nghiêm túc, tích cực công tác này. Từ năm 2013 đến nay, Hà Giang đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được 162 hài cốt liệt sỹ, trong đó năm 2021 là 13 hài cốt liệt sỹ và đầu năm nay quy tập được một hài cốt liệt sỹ. "Tới đây, Hà Giang sẽ tiếp tục tìm kiếm, quy tập trên 1.200 hài cốt liệt sỹ", Đại tá Lại Tiến Giang cho hay.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Phạm Ngọc Dũng, qua rà soát tổng thể của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có hơn 2.900 mộ liệt sỹ ở chín nghĩa trang của tỉnh. Trong số đó có hơn 1.600 mộ là liệt sỹ có danh tính, còn lại là mộ liệt sỹ chưa xác định được danh tính thông tin.

Thời gian qua, Hà Giang đã triển khai thực hiện đề án về rà phá bom mìn vật liệu nổ sau chiến tranh và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Liên tục trong hai năm gần đây tỉnh Hà Giang đã quy tập được hơn một trăm mộ liệt sỹ. Hiện tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai rà phá bom mìn vật liệu nổ sau chiến tranh và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ về các nghĩa trang trên địa bàn.

“Cuộc chiến tranh này đã đi qua hơn 40 năm nhưng tỉnh Hà Giang xác định việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là việc làm hết sức ý nghĩa nên tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện triển khai chương trình này. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với các ngành bên Quân đội, các huyện và nhân dân trên địa bàn rà soát và phát hiện, quy tập hài cốt liệt sỹ về các nghĩa trang ở tỉnh”, ông Phạm Ngọc Dũng nhấn mạnh./.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất